Bão số 9 dự báo đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Nam Bộ. Biên phòng bắn pháo hiệu báo bão khẩn cấp ở Vũng Tàu. TP.HCM sơ tán 4.100 người ở khu vực thấp, khu vực sạt lở.
Dự bão đến 16h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 100 km/giờ). Bão số 9 đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh.
Khi vào bờ bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước diễn biến trên, các đơn vị liên quan của TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.
TP.HCM sơ tán 4.100 người ở khu vực thấp, khu vực sạt lở
Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP cùng Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải TP, UBND huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đang hoạt động trên biển, ven biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn; chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu, thuyền xuất bến hoạt động trên biển, ven biển trước diễn biến của bão số 9.
Khu neo đậu tàu thuyền tránh bão
Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 13h ngày 23/11 cho đến khi có lệnh mới. Bên cạnh đó, các đơn vị thông báo cho các chủ phương tiện về diễn biến của bão số 9 để chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh, ứng phó. Khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn trước ảnh hưởng của bão; tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa sông, cửa biển, kiên quyết không cho tàu, thuyền ra biển theo lệnh cấm này. Bộ Tư lệnh TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP và Công an TP duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động.
Cảng vụ Hàng hải TP hướng dẫn, sắp xếp các tàu vận tải, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đi qua luồng hàng hải trên vùng biển Cần Giờ tìm nơi tránh trú, neo đậu an toàn.
Người dân Cần Giờ trong di dời trú bão. Ảnh: Lê Quân.
Toàn bộ tàu thuyền trên khu vực biển Cần Giờ, cùng người dân trên những lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản đã được vận động lên bờ, trường hợp không tuân thủ sẽ bị cưỡng chế để đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: "4.100 người ở khu vực thấp, khu vực sạt lở, ở những nhà có nguy cơ bị sập sẽ được sơ tán đến các trường học, đồn biên phòng. Những nơi trú bão sẽ được dự trữ nước uống, thuốc men cho bà con trong thời gian ở đây".
Bộ đội Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu bắn pháo hiệu thông báo tin bão khẩn cấp gần bờ
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9 (bão Usagi), 19h30 ngày 23/11, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắn pháo hiệu thông báo tin bão khẩn cấp gần bờ. Pháo hiệu được bắn tại 2 địa điểm: Mũi Nghinh Phong và cầu cảng Côn Đảo.
Cụ thể, thời gian bắn được chia thành 4 đợt: Đợt thứ nhất từ 19h30 - 20h (ngày 23/11), mỗi loạt bắn 3 viên màu đỏ cách nhau 3 phút; đợt thứ hai từ 22h30 - 23h (ngày 23/11); đợt thứ ba từ 0h30 - 1h (ngày 24/11) và đợt cuối cùng từ 4h30 - 5h (ngày 24/11).
Theo báo cáo tại cuộc họp, tính đến 13 giờ chiều 23/11, tổng số tàu thuyền trong tỉnh đã vào bờ là 3.847 chiếc với 17.572 ngư dân; hiện có 3.722 tàu đang neo đậu tại bến và còn khoảng 2.000 tàu thuyền đang hoạt động trên biển (ngoài vùng nguy hiểm). Tổng số người dự kiến phải sơ tán, di dời khi có bão là 158.534 người với 42.424 hộ dân. Hơn 400 cơ sở nuôi trồng thủy sản và 7 cơ sở kinh doanh nhà hàng nổi trên địa bàn tỉnh đều được yêu cầu di dời lên đất liền.
Các địa phương đã chuẩn bị đủ số lượng lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết theo phương án sơ tán được ban hành. Tại các hồ chứa nước lớn, các hồ đập xung yếu đều có người trực canh 24/24 để kịp thời xử lý nếu xảy ra sự cố.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắn pháo hiệu nhằm thông báo tin bão khẩn cấp gần bờ, giúp bà con ngư dân biết để tránh trú an toàn.
Trung tá Nguyễn Đức Thành - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bến Đá (TP Vũng Tàu) cho biết, đây là pháo hiệu được quốc tế quy định nhằm thông báo cho tàu thuyền biết đang hành trình qua quốc gia có bão. Đồng thời giúp bà con ngư dân biết tin bão khẩn cấp, tin bão xa và tìm kiếm thông tin để tránh trú an toàn.
Để ứng biến kịp thời với bão, ông Nguyễn Văn Trình - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương ngưng họp chợ và cho học sinh nghỉ học ngày 24/11; tổ chức di dời dân ở những nơi xung yếu và kiên quyết không để dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè; sẵn sàng cưỡng chế nếu các hộ dân không tuân thủ; bố trí sắp xếp nơi neo đậu cho tàu bè vào neo đậu an toàn.
Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường kêu gọi tàu bè vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; tính toán lượng nước từ thượng nguồn đổ về các hồ chứa trên địa bàn cũng như kiểm tra an toàn các hồ, đập; thông báo và kiểm tra các hộ dân chằng chống nhà cửa; tổ chức chặt tỉa cây; đảm bảo lưu thông liên lạc, an toàn lưới điện; nhắc nhở các cơ sở du lịch, khách sạn đảm bảo an toàn cho du khách…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, qua rà soát, toàn tỉnh có gần 160.000 người nằm trong vùng nguy hiểm phải di dời, 400 cơ sở nuôi cá lồng bè với hơn 9.000 bè cá và các hộ kinh doanh nhà hàng bè nổi trên sông thuộc TP Vũng Tàu.
Tỉnh sẽ di dời toàn bộ các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm và các trên các lồng bè vào trưa nay. Đặc biệt là các hộ dân sinh sống ở các điểm xung yếu như xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), các lồng bè, đăng đáy ở TP Vũng Tàu.