Tại cuộc họp 6 địa phương trọng điểm từ Thanh Hóa - Quảng Bình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương kiên quyết bắt buộc tất cả lao động không ở trên tàu dù tàu đã vào bờ để đảm bảo an toàn.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, sáng 25/7, tại Bộ NN&PTNT, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyên Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo TW PCTT, đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp ứng phó khẩn với các ngành chức năng các tỉnh bị ảnh hưởng của cơn bão số 4 (Bão Sonca).
Sau khi nghe báo cáo công tác chuẩn bị ứng phó bão số 4 của các tỉnh Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra 1 số yêu cầu, trong đó nhấn mạnh “tuyệt đối không chủ quan trong công tác ứng phó bão số 4, đây là cơn bão gấp gáp tiềm ẩn nguy cơ đối với các tỉnh vừa trải qua cơn bão số 2”.
Bộ trưởng yêu cầu Trung tâm dự báo liên tục bám sát đưa tin về cơn bão số 4 theo từng giờ, các cơ quan truyền thông đưa tin nhiều hơn về hoạt động ứng phó, kết quả ứng phó ở các địa phương.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương không chủ quan, khu vực bão vào là vùng xung yếu, vừa trải qua bão số 2, chỉ cần lương mưa từ 100-150mm sẽ gây nguy hiểm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương kiên quyết đưa ngư dân lên bờ
Đối với các địa phương: Kiên quyết bắt buộc tất cả lao động không ở trên tàu dù tàu đã vào bờ để đảm bảo an toàn. Các hồ xung yếu phải có phương án bảo vệ kiểm tra, cảnh báo. Hết sức lưu ý, đảm bảo an toàn với các hồ thủy điện, chỉ cần các hồ này xả không đúng quy trình, không thông báo trước sẽ tác động tổn thương ngay tới hạ du.
Về tình hình tàu thuyền, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết vẫn còn 520 tàu với gần 3.400 phương tiện hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa chưa vào nơi trú tránh an toàn. Trong đó Bình Định nhiều nhất với 240 tàu.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã tiến hành di dời ngư dân trên các lồng bè, chòi canh; các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã tích được 75-100% nước, do đó sẽ chủ động điều tiết giảm lũ, riêng thuỷ điện Hố Hô, theo tính toán sẽ còn chịu được lượng mưa 400mm; đã cử cán bộ giám sát tại các hồ xung yếu 24/24.
Tại Nghệ An, Phó Chủ tịch tỉnh Đinh Viết Hồng cho biết, chậm nhất 2h chiều nay, các tàu sẽ vào nơi neo đậu an toàn. Đáng lo, đã có 263/625 hồ của Nghệ An tích đầy nước, số còn lại đạt trên 70% dung tích. Do đó tỉnh yêu cầu các hồ xung yếu không được tích nước.
Hình minh họa
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Chiều tối nay (25/7), khoảng từ 16h – 19h, bão di chuyển lệch hướng Tây và sẽ đi vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9. Trong các ngày từ 25 đến 26/7, khu vực bị ảnh hưởng dự báo sẽ xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, với lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi trên 250mm.
Các đơn vị, địa phương ven biển tiếp tục kêu gọi tàu thuyền còn lại đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú; hướng dẫn sắp xếp việc neo đậu an toàn; chủ động sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng khi xảy ra bão, lũ; vận hành các hệ thống tiêu thoát lũ để chủ động tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn, tuyệt đối không để ngập úng diện tích lúa hè thu và hoa màu do mưa, lũ gây ra.