Chiều 4/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp với các bộ, ban ngành và trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố về ứng phó bão số 3.
Bão số 3 tăng cấp và tiếp tục mạnh lên
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng 3/9, bão Yagi đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc biển Đông với cường độ cấp 8, giật cấp 11.
Hồi 13 giờ ngày 4/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 710km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 5-10km/h.
"Sau khi vào Biển Đông, trong vòng hơn 24 giờ, cường độ bão đã tăng 4 cấp. Hiện nay, nhiệt độ nước biển đang rất cao, các điều kiện khí quyển cũng rất thuận lợi để bão mạnh lên. Trong 24 - 48 giờ tới, cường độ bão sẽ tiếp tục mạnh lên cho đến khi áp sát vùng biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc)" - ông Khiêm nói.
Dự báo về cơn bão số 3, theo ông Khiêm Việt Nam và cơ quan quốc tế tương đối thống nhất về hướng và cường độ.
Từ giờ đến 48 giờ tới, khi bão gần đảo Hải Nam, hầu hết các dự báo đều dự báo cường độ bão Yagi tăng. Trong đó, một số cơ quan dự báo bão tăng cấp 16 và cao hơn thành siêu bão.
Ông Khiêm cho biết, tại bản tin lúc 11h ngày 4/9, sau khi xem xét đánh giá, phía Việt Nam đã cập nhật thêm các bản tin trong 24-36h tới.
Đối với tình hình như hiện nay, theo thông tin đánh giá sức gió tại trạm quan sát ở gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) có trường hợp tính toán sức gió có thể cấp 16, giật cấp 17.
"Khi bão đạt cấp 16 là siêu bão sẽ có rất nhiều tác động. Về phía Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang xem xét trong chiều và tối nay (4/9) nếu thống nhất các phương án có khả năng cập nhật các dự báo về cơn bão sẽ tăng cấp hơn nữa, không chỉ ở cấp 15 mà là cấp 16. Trong trường hợp bão ở cấp 16, các phương án chỉ đạo của chúng ta cũng sẽ thay đổi, điều này phải cân nhắc, xem xét và phân tích thêm", ông Khiêm nêu.
Bão số 3 đổ bộ sẽ gây mưa rất lớn cho Bắc Bộ
Theo dự báo, khoảng đêm 6 đến rạng sáng 7/9, bão số 3 sẽ vào vịnh Bắc Bộ với cường độ mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 và hướng vào ven biển các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, khả năng có gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12.
Từ ngày 7 đến 9/9, ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng.
Đối với lượng mưa khi bão đổ bộ, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, với kịch bản hướng đi của cơn bão như hiện nay lượng mưa sẽ rất lớn khoảng 200-300mm và có thể lên tới 500mm.
Tuy nhiên, nếu bão di chuyển hướng về phía Bắc sẽ giảm lượng mưa và ảnh hưởng.
Về gió, trên biển, do ảnh hưởng của bão, hôm nay (4/9) ở khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, biển động dữ dội.
Từ ngày 5 đến 6/9, bão số 3 tiếp tục tăng cường độ, gió mạnh có thể đạt tới cấp 15, giật trên cấp 17 ở vùng gần tâm bão, cũng không loại trừ khả năng gió bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão) khi ở phía đông đảo Hải Nam.
Đối với đất liền, từ trưa đến chiều 7/9, từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là các tỉnh trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão, có thể có gió mạnh từ cấp 9 - 11, giật cấp 13.
Sóng biển cao nhất 9,0-11,0m trong các ngày 5-6/9/2024. Thủy triều tại trạm Hòn Dấu: Cao nhất là 2,0m vào 17h00 ngày 7/9/2024 (đang trong thời kỳ nước ròng).
Đã kiểm đếm, hướng dẫn hơn 50 ngàn tàu cá vào nơi tránh, trú bão
Báo cáo về công tác ứng phó bão, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 50.137 tàu cá/219.864 người, trong đó có 504 tàu/3.356 người đang hoạt động tại khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (khu vực nguy hiểm), cụ thể: Thanh Hoá 02 tàu/20 người; Nghệ An 135 tàu/523 người; Đà Nẵng 54 tàu/479 người; Quảng Nam 141 tàu/1.133 người; Quảng Ngãi 157 tàu/1.111 người; Bình Định 15 tàu/90 người. Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.
Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 06/9/2024.
Về tình hình đê điều, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 32 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý (Quảng Ninh: 02, Hải Phòng 10, Thái Bình 08, Nam Định 08, Ninh Bình 03, Thanh Hóa 01); 03 công trình đang thi công (02 cống trên tuyến đê Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh; tu bổ, nâng cấp đê biển I, TP Hải Phòng); một số vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục (kè Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu, Nam Định); tuyến đê Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình mới hoàn thành nhưng chưa được gia cố mặt, mái phía đồng.
Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5%; nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16 (vượt mức thiết kế).