Theo dự báo, đến 16 giờ chiều nay (25/12), vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương nhận định, bão số 16 có cấp độ thiên tai sát mức thảm họa khi đổ bộ vào 10 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long.
Sau khi càn qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và đảo Huyền Trân với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15 gây sóng biển cao 10 m, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây với tốc độ rất nhanh (25 km/giờ). Đến 16 giờ chiều nay (25/12), vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14, sóng biển cao 8-10m. Sau đó bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, giữ nguyên tốc độ.
Từ sáng nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 5-7m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Dự báo đường đi của bão số 16
Từ trưa nay, vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 8-9, giật cấp 11.
Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão từ 0,5-1,0m.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h). Đến 16 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão cách đảo Thổ Chu khoảng 100km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, trong ngày và đêm nay (25/12), ở Nam Bộ có mưa to; từ đêm 25/12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.
Theo chuyên gia KTTV – Ths Lê Thị Xuân Lan cho biết: Bão số 16 Tembin có những điểm giống Linda, nhưng có thể còn nguy hiểm hơn nếu tối mai (25.12) rạng sáng 26.12, bão đổ bộ vào đất liền và vẫn giữ nguyên cường độ ở cấp 12.
Theo Ths Lê Thị Xuân Lan, điểm khác cơ bản là bão Linda hình thành ngay trên vùng biển phía Đông của Trường Sa chứ không ở trên vùng Tây Thái Bình Dương và đi vào. Bão Linda đi thẳng vào Cà Mau luôn trong vòng chưa đến 48 tiếng. Cơn bão Linda vô cùng nguy hiểm khi năm 1997 phương tiện liên lạc bằng điện thoại còn kém, chủ yếu là điện thoại bàn, bão lại vào đất liền đúng vào cuối tuần.
Cơn bão Tembin cũng giống bão Linda ở chỗ đi rất nhanh. Nhưng điểm dị thường của bão Tembin là xuất hiện cuối năm, khi nền nhiệt độ cả trên biển và khí quyển ở vùng biển Đông đã nguội lạnh, trong khi các cơn bão chỉ hình thành khi nhiệt độ trên 27 độ C (trước là 26,55 độ C đã đủ điều kiện hình thành bão).
Bà Lê Thị Xuân Lan cũng đưa ra nhận định, tâm bão Tembin sẽ ở vùng Cà Mau, xuyên qua Kiên Giang và sang tận Vịnh Thái Lan. Vùng ảnh hưởng của bão trong vòng bán kính 200-300km, như vậy các vùng Côn Đảo, Bà Rịa Vũng Tàu đến Cần Giờ, TPHCM đều bị ảnh hưởng.