Bạo lực trong bệnh viện: Chuyên gia nói gì?

Đỗ Việt| 11/05/2017 06:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra vụ côn đồ gây rối trật tự, chửi bới, lăng mạ, hành hung bác sĩ và và đe dọa nhân viên y tế. Tình trạng bạo lực ở bệnh viện đang có xu hướng gia tăng, gây tâm lý hoang mang cho cả đội ngũ y bác sĩ và người nhà bệnh nhân.

Bác sĩ, nhân viên y tế bị hành hung: SOS!

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, tính từ năm 2010 đến nay đã có tổng cộng 22 vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh chiếm 60%, tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương chiếm 20%. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ với 70%, điều dưỡng 15%. Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm 60%), còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh.

Bạo lực trong bệnh viện: Chuyên gia nói gì?

Người nhà bệnh nhân thách thức, đe dọa bác sỹ

Mới đây nhất, chiều ngày 7/5, có 3 thanh niên đưa một bệnh nhân nữ có biểu hiện ngất xỉu đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (QL2, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ).

Khi bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu, nhân viên y tế mời các thanh niên này ra ngoài chờ để bác sĩ thực hiện cấp cứu bệnh nhân thì một trong số 3 thanh niên tỏ thái độ không hợp tác. Đối tượng này đã văng tục, chửi bới, đe dọa nhân viên an ninh, nhân viên y tế trong phòng cấp cứu.

Bị bảo vệ mời ra ngoài ra, đối tượng đã gọi thêm đồng bọn tiếp tục trở lại để gây rối. Một đối tượng trong nhóm đã sử dụng vật nghi là súng tự chế bắn nhân viên an ninh đang hướng dẫn xe ô tô đỗ ở cổng bệnh viện. Đạn không trúng nhân viên an ninh của bệnh viện nhưng làm thủng kính một chiếc xe ô tô đỗ gần đó.

Một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào ngày 7/5. Do mâu thuẫn đánh nhau giữa hai nhóm thanh niên, hàng chục đối tượng côn đồ đã xông vào bệnh viện cầm dao, mã tấu đe dọa bác sĩ và chém đứt khí quản một bệnh nhân.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có hàng chục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào bệnh viện hành hung, đe dọa y, bác sĩ, gây rối làm mất an ninh trật tự tại bệnh viện. Thậm chí, một số đối tượng còn lợi dụng các sự cố y khoa để đe dọa, tống tiền bác sĩ và bệnh viện.

Giải thích về nguyên nhân khiến tình trạng mất an ninh trật tự trong bệnh viện gia tăng thời gian qua, ông Khuê cho rằng có lỗi từ hai phía, từ nhân viên y tế và người bệnh, người nhà bệnh nhân. Ông Khuê lý giải trong khi các nhân viên y tế, các cơ sở khám chữa bệnh có lúc tiếp xúc với người bệnh và người nhà bệnh nhân chưa thật chuẩn mực, chưa cấp cứu kịp thời gây nên bức xúc với bản thân bệnh nhân và gia đình, thì phía gia đình người bệnh cũng chưa thông cảm với các bác sĩ, nên đã xảy ra những vụ “bạo hành”.

Nguyên do định kiến của người dân?

Trước tình trạng “bạo lực” ở bệnh viện đang có xu hướng gia tăng đáng báo động trở thành nỗi lo và gây tâm lý hoang mang cho cả đội ngũ y bác sĩ và người nhà bệnh nhân, trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, sự bức xúc của người dân nói chung lâu nay thể hiện trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhất là những vấn đề liên quan đến một số dịch vụ xã hội.

“Riêng đối với ngành Y tế thì liên quan đến sức khỏe tính mạng của con người nên sự bức xúc có thể tăng mạnh hơn so với những lĩnh vực khác. Việc người dân bức xúc, có những hành động côn đồ, có hành vi vi phạm pháp luật phản ánh nhận thức, kiến thức về pháp luật chưa đầy đủ. Nếu họ biết rõ ý nghĩa hậu quả của những hành vi ấy, họ đã không hành xử như vậy, và mức độ sẽ ít nghiêm trọng hơn”, bà Hồng nói.

Bạo lực trong bệnh viện: Chuyên gia nói gì?

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng bày tỏ, không phải đại đa số bác sĩ và cán bộ nhân viên y tế đều “xấu xí” và có cách hành xử không đạt chuẩn, mà là biểu hiện của một số cơ sở y tế, nhân viên y tế có những hành xử không đúng mực khiến cho người nhà bệnh nhân mất niềm tin vào bác sĩ và tạo nên sự xung đột.

Bà Hồng chia sẻ qua một số vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ cho thấy thực tế một số bệnh viện quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp, tình trạng nhũng nhiễu, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế và những tai biến y khoa đã hình thành những định kiến, suy nghĩ trong đầu người dân là đến cơ sở y tế dễ gặp phiền hà.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân việc gì cũng có căn nguyên, trước hết các bác sĩ phải xem lại mình đã ứng xử tốt với bệnh nhân chưa, người dân bức xúc vì có định kiến sẵn ở trong đầu, nên có những hành động bột phát thiếu kiềm chế dẫn tới việc hành hung bác sĩ”, bà Hồng nói.

Để ngăn chặn tình trạng bạo lực ở bệnh viện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng bản thân người nhà bệnh nhân khi đến bệnh viện đều mang trong mình nhiều nỗi lo, áp lực và sự căng thẳng, bởi vậy thái độ phục vụ, sự cởi mở, chia sẻ động viên và đồng cảm với người bệnh là rất cần thiết. 

Công tác an ninh chưa đảm bảo

Đó là quan điểm của Luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng VPLS Đặng Sơn và Cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội) khi bàn luận về vấn đề “bạo lực” trong bệnh viện đang có xu hướng gia tăng thời gian gần đây.

Bạo lực trong bệnh viện: Chuyên gia nói gì?

Luật sư Đặng Văn Sơn

Theo Luật sư Đặng Văn Sơn, các bệnh viện ở tuyến tỉnh và tuyến Trung ương đều có lực lượng nhân viên bảo vệ, một số bệnh viện có thuê dịch vụ bảo vệ nhưng hầu hết vấn đề an ninh vẫn chưa được đảm bảo. Qua một số vụ việc gây rối trật tự trong bệnh viện xảy ra gần đây, có thể thấy lực lượng bảo vệ chưa đáp ứng được vấn đề an ninh, mà chỉ phục vụ công tác hành chính, kiểm soát tại các cổng ra vào, không đảm bảo an toàn tính mạng cho đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ nhân viên y tế khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Công an địa phương và bệnh viện vẫn chưa được chú trọng.

Luật sư Sơn đề nghị cần phải có chế tài xử phạt nghiêm minh và thật kiên quyết đối với những đối tượng có hành động côn đồ, đe dọa, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của bác sĩ. Pháp luật hiện hành quy định, nếu tỉ lệ thương tật của người bị hại từ 11% trở lên thì người hành hung sẽ bị truy tố hình sự về hành vi Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Tại Hội nghị “Phòng chống bạo lực ngành y” mới được tổ chức tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, để ngăn chặn nguy cơ nhân viên y tế tiếp tục bị bạo hành trong thời gian tới, Bộ Y tế đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng điều trị hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Ngoài ra, Bộ Y tế đã ký kết biên bản hợp tác với Bộ Công an trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện. Dự kiến, Bộ Y tế sẽ kiến nghị Bộ Tư pháp điều chỉnh khung hình phạt theo hướng tăng nặng đối với hành vi gây rối trong bệnh viện, đe dọa tính mạng, xâm phạm thân thể thầy thuốc trong quá trình hành nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực trong bệnh viện: Chuyên gia nói gì?