Bạo lực học đường: Vì đâu nên nỗi?

Khôi Anh| 21/05/2016 12:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên tiếp những vụ học sinh đánh nhau vì mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, trên các trang mạng xã hội diễn ra gần đây, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường. Vì sao vậy?Phải chăng vì chúng ta đang bỏ rơi các em?

Muôn vàn lý do để đánh bạn

"Học sinh bây giờ hung dữ quá", "Đạo đức học sinh xuống cấp".... là những cụm từ mà nhiều người lớn dành để nói về học sinh khi đọc, nghe, xem thông tin những vụ việc các em đánh nhau trong, ngoài trường học.

Không khó để có thể tìm kiếm thông tin về vấn đề này khi liên tiếp những clip "nữ sinh đánh bạn" được phát hiện trong thời gian gần đây. Một clip có thời lượng 6 phút được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh bị các bạn đánh hội đồng và xung quanh là nhiều bạn học khác đứng xem. Sự việc diễn ra vào 15 giờ ngày 17/5 tại trường THCS Võ Trường Toản (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Nguyên nhân của vụ việc được cho là vì nữ sinh bị đánh được một bạn nam chở đi học.

Cũng tại tỉnh Đồng Nai, ngày 16/5, một nữ sinh cấp 2 vì mâu thuẫn trước đó đã bị hai bạn nữ lao vào giật tóc, đấm đá đã được những người xung quanh ghi lại rồi tung lên mạng xã hội. Theo chủ nhân của đoạn clip, những học sinh đánh nhau được xác định là học sinh của trường THCS Quyết Thắng (phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa).

Trước đó ngày 14/5, tại tỉnh Tiền Giang, đoạn clip nữ sinh của trường THCS Học Lạc (phường 8, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đánh nhau xuất hiện trên mạng xã hội. Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã yêu cầu hai nữ sinh này viết bản tường trình và đã lập Hội đồng kỷ luật, đưa ra quyết định kỷ luật đối với hai em học sinh này.

Và hẳn chúng ta còn chưa quên vụ việc một nữ sinh trường THCS 15/10, thuộc Tiểu khu Tiền Tiến (Mộc Châu, Sơn La) tát liên tiếp 50 cái vào mặt một bạn học khác đến bật máu.

Vụ việc đã gây phẫn nộ trong dư luận và nguyên nhân được xác định là xuất phát từ chuyện cãi nhau trên facebook. Sự việc xảy ra, nhà trường đã quyết định đuổi học nữ sinh đánh bạn 1 tuần và học sinh bị đánh cũng đã bị khiển trách.

Bạo lực học đường: Vì đâu nên nỗi?

Bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng nhiều. Hình minh họa

Có thể thấy rằng, những nguyên nhân dẫn đến các sự việc trên đều rất nhỏ nhặt, xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của bất kỳ ai. Tuy nhiên, ở lứa tuổi học sinh, các em đều đang thích thể hiện mình, và các em sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mọi chuyện. Các em không kiểm soát được hành động, thậm chí làm mà không nghĩ đến hậu quả và trách nhiệm của mình sau mỗi vụ đánh nhau.

Theo kết quả nghiên cứu về bạo lực giới trong trường học của Viện Nghiên cứu y-xã hội học phối hợp với tổ chức từ thiện Plan Việt Nam, thực hiện từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2014, với 3.000 học sinh của 30 trường THCS, THPT ở Hà Nội, cho thấy, có đến 51,6% học sinh từng liên quan đến bạo lực. Trong đó 73% học sinh gặp bạo lực tinh thần như mắng, chửi, đe doạ, bắt phạt,  sỉ nhục; Bạo lực thể chất như tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập… chiếm tới 41% và bạo lực tình dục như tin nhắn với nội dung tình dục, sờ, hôn, hiếp dâm,… chiếm 19%.

Nhìn vào con số trên, có thể thấy tình trạng bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều học sinh, nó không đơn giản chỉ là chuyện đánh đấm mà nó bao gồm rất nhiều hình thức bạo lực khác nhau. 

Cha mẹ, thầy cô ở đâu?

Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của thời đại công nghệ số, học sinh ngày nay được tiếp nhận rất nhiều những luồng thông tin khác nhau trên mạng xã hội, trên internet. Và các em, đơn giản chỉ tiếp nhận mà chưa thể phân biệt hay chắt lọc được thông tin cho chính bản thân mình.

Sẽ thật khó để có thể bắt gặp những hình ảnh học sinh chơi trò nhảy dây, đuổi bắt ở sân trường trong thời đại ngày nay. Những thứ đó giờ trở nên xa lạ mà thay vào đó là những chiếc smartphone cuốn hút với vô vàn thông tin trên thế giới phẳng. Bạo lực đẫm máu, đánh chửi hay bất cứ thứ gì đều có thể được dễ dàng tìm thấy.

Bạo lực học đường, từ khi nào đã trở thành căn bệnh của rất nhiều trường học ở các địa phương và dường như nó ngày càng gia tăng. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng không thể không kể đến sự thờ ơ, vô tâm của phụ huynh và nhà trường.

Có không ít phụ huynh và giáo viên cho rằng, chuyện các em đánh nhau là trò trẻ con, các em tự giải quyết mâu thuẫn của mình. Nhưng có mấy ai thực sự hiểu, tuổi của các em đang cần điều gì? 

Để xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau không thể chỉ là một sớm một chiều, nó phải được tích lũy cả một quá trình. Sự việc có thể bắt nguồn từ những điều rất nhỏ, như việc phân chia giới tuyến chiếc bàn học trên lớp, khi lấn sang sẽ bị đánh nhẹ vào tay, lâu dần cái đó sẽ trở thành thói quen và với những em có tính cách mạnh mẽ, “đánh nhẹ” sẽ biến thành những cái cú đấm mạnh và dễ dàng dẫn đến ẩu đả.

Chia sẻ với báo chí, TS Vũ Thu Hương (Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Để dẫn tới đánh nhau nghiêm trọng như vậy trẻ phải mâu thuẫn từ rất lâu trước đó. Bao nhiêu dồn nén, ức chế và thù hận các em không biết nói cùng ai, không biết giải quyết bằng cách nào. Thì việc dùng nắm đấm là điều dễ hiểu để giải quyết mâu thuẫn, bảo vệ chính mình”.

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy rằng, hiện nay giáo dục kỹ năng sống cho các em trong nhà trường đang bị coi nhẹ. Những môn học như Giáo dục công dân hay Đạo đức thường là kiến thức cũ, không còn phù hợp với thời đại ngày nay, chính vì lẽ đó, môn học không thu hút học sinh. Trong khi đó, phương pháp giảng dạy của giáo viên đơn giản vẫn chỉ là truyền dạy lý thuyết mà quên mất việc giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh.

Tuy nhiên, chính các bậc phụ huynh cũng cần phải xem lại cách giáo dục con cái của gia đình mình. Trên thực tế, có những gia đình cha mẹ mải mê kiếm tiền mà phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường, thầy cô. Các bậc phụ huynh nghĩ đơn giản, mình đóng tiền học cho con đầy đủ, tuân theo nội quy của nhà trường thế là đủ, nhưng lại quên mất rằng thời gian con ở bên gia đình nhiều hơn thời gian đến trường. Và bố mẹ mới chính là người gần gũi nhất để kịp thời nắm bắt được diễn biến tâm lý của con mình.

Cũng có những trường hợp, gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ kiếm tiền nuôi con cũng chật vật nên việc lơ là chăm con, dạy con hoặc cha mẹ ly hôn, con cái bơ vơ cộng thêm cú sốc tâm lý khiến các em thay đổi tâm tính.

Bạo lực học đường: Vì đâu nên nỗi?

Bạo lực học đường trở thành bóng ma ám ảnh các em học sinh

Theo những nghiên cứu về tâm lý của con người cho thấy, giai đoạn khi còn nhỏ đứa trẻ chịu tác động rất lớn từ những hành vi, ứng xử của mỗi thành viên trong gia đình. Do đó, nếu bố mẹ quá nuông chiều hay quá nghiêm khắc cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, bởi vậy cha mẹ ngoài việc chăm sóc thì cần phải dạy dỗ, giáo dục trẻ từ những điều đơn giản nhất.

Có câu chuyện rất thật rằng, một vị phụ huynh khi nghe con kể lại chuyện bị bạn ở lớp bắt nạt. Câu đầu tiên người mẹ đó hỏi lại con: “Sao mày không đánh lại nó?” và đứa con lúc đó ngơ ngác không biết trả lời làm sao. Và thay vì hỏi con nguyên nhân vì sao bị đánh và phân tích cho con hiểu, bà mẹ đó đã yêu cầu con mình hôm sau đến lớp đánh lại bạn. Đó chính là khởi nguồn cho những hành vi bạo lực của trẻ sau này.

Gia đình – nhà trường – xã hội, đó là 3 yếu tố quan trọng như nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người.  Xã hội đang ngày càng phát triển và kéo theo đó là sự hội nhập của rất nhiều nền văn hóa. Đây là điều tất yếu, tuy nhiên nếu không biết chắt lọc, không được định hướng sẽ dẫn đến tiếp thu chệch chuẩn và hệ lụy kéo theo sẽ rất khó lường.

Bạo lực học đường hiện nay không chỉ xảy ra trong một trường, một địa phương mà có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình – nhà trường – xã hội và cũng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại cách giáo dục, quản lý con em mình, hãy tự đặt  câu hỏi: Liệu chúng ta đã làm tròn trách nhiệm của những người lớn đối với chúng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực học đường: Vì đâu nên nỗi?