Câu trả lời của K. khiến ông chết lặng, cánh tay giơ lên định “bạt tai” cậu con ngỗ ngược hay đánh bạn chợt dừng lại, rồi hạ xuống.
Những người như H. - cậu học trò chuyên bắt nạt bạn, L. - hot girl bị tẩy chay, X.N bị các bạn chê cười nói “giọng eo éo như hoạn quan, không phải là trai xịn”, Q.A - người chứng kiến bạn thân bị nhóm “đại ca trường học” đánh mà không dám can ngăn, không dám hô hoán lên để mọi người đến cứu giúp chỉ vì “sợ bị xử lý”, hay K. trong câu chuyện hôm nay đều là những nạn nhân của bạo lực học đường.
Một trong những hành vi bắt nạt học đường. Ảnh minh họa
“Vì bố đánh mẹ!”
K., sinh viên năm hai một trường đại học có tiếng tại Hà Nội, từng một năm trời sử dụng bạo lực với cậu học sinh dưới mình hai lớp hồi cấp 2. Rất may, vốn bản chất hiền lành, nên “em sớm cải tà quy chính ”, K. hài hước chia sẻ. Giờ K. với cậu em đó vẫn thường xuyên liên lạc và trở thành anh em tốt của nhau.
K. kể rằng, bố mẹ cậu đều là trí thức. Mẹ là giáo viên, còn bố thì sau khi không làm việc trong nhà nước nữa, đã ra ngoài mở doanh nghiệp riêng. Gia đình K. cũng gọi là có của ăn của để.
Mẹ dạy cấp 1, sau thời gian dạy ở trường, mẹ chỉ quanh quẩn công việc ở nhà. Cơm nước, nhà cửa lúc nào cũng tươm tất. Bữa ăn, hầu như hai bố con K. nói chuyện với nhau là chính, còn mẹ chỉ lặng lẽ ăn và xới cơm cho cả nhà, họa hoằn lắm mới nói vài câu.
Một lần K. vô tình thấy cánh tay mẹ đầy vết bầm tím. Lo lắng, K. hỏi mẹ tại sao, thì mẹ chỉ trả lời rằng “Mẹ sơ ý bị ngã, tay đập vào cạnh bàn”.
Sau lần đó, K. thấy nhiều vết tím hơn trên người mẹ, khi thì mặt, khi thì cánh tay bên kia, thậm chí có lần miệng mẹ bị rớm máu…
“Mẹ luôn nói rằng sơ ý. Nhưng em linh cảm mẹ đang giấu điều gì đó. Một lần, đi học thêm, nhưng không học, về nhà sớm, em sững người khi thấy mẹ đang khóc lóc van xin, còn bố thì túm tóc mẹ đập đầu mẹ vào tường. Em định lao vào, nhưng không hiểu sao lúc đó em không thể bước nổi chân vào phòng. Em cứ đứng chết lặng như thế. Rồi bố bảo: “Vào tắm rửa và đi bác sĩ nhanh đi, không thằng K. về!”, K. buồn bã kể lại.
K. bỏ đi và tới tối khuya mới về. Từ đó, K. sống thu mình, không nói chuyện với ai. Rồi tự nhiên K. luôn có cảm giác khó chịu, hay cáu bẳn vô cớ. Và không thể trút giận lên ai, K. đã đánh cậu em lớp dưới.
Đánh bạn để "giải tỏa bức xúc". Ảnh minh họa
“Em đánh em đó không thường xuyên. Nhưng đúng là lúc đó em không thể hiểu nổi bản thân. Cứ như có con quỷ trong người bắt em phải đánh ai đó. Cứ nghĩ đến cảnh bố ấn đầu mẹ vào tường, là em lại nổi điên lên. Nhưng đánh em ấy xong, em lại thấy tức giận với chính bản thân mình, thấy mình thật ghê tởm”.
Lần cuối cùng K. bắt nạt em học sinh khóa dưới chính là khi cậu bị thầy hiệu trưởng bắt gặp và yêu cầu lên phòng giám hiệu, bắt viết bản kiểm điểm, rồi gọi bố mẹ đến. Giải quyết xong, về nhà, bố cậu mới “nói chuyện đàn ông” với K.
Ông vô cùng tức giận định đánh cậu. Nhưng ông đã chết lặng khi cậu trả lời câu hỏi: “Tại sao mày đánh nó?” rằng: “Vì bố đánh mẹ!”. Cánh tay giơ lên định “bạt tai” cậu con ngỗ ngược chợt dừng lại, rồi hạ xuống…
Bạo lực học đường - Nỗi đau còn mãi
Họ, dù là những người bị bắt nạt, người bắt nạt, hay người chứng kiến hành vi bạo lực thì đều mang những nỗi đau mà phải rất lâu sau này, cùng với sự giúp đỡ của nhiều người, nhiều biện pháp trị liệu khác nhau mới có thể phần nào xóa mờ vết thương trong lòng.
Với nạn nhân của hành vi bạo lực học đường, việc bị bắt nạt thể xác hay bắt nạt tinh thần đều ảnh hưởng trực tiếp đến học tập, tâm lý bị tổn thương.
Nạn nhân thường tự ti, lo sợ, lo lắng, thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi, trầm cảm. Có những em chỉ nghĩ đến đi học thì đã “sợ đến phát khóc” mà không dám nói với bố mẹ do sợ bố mẹ bị tổn thương khi con mình bị bắt nạt.
Sức khỏe các em suy giảm với những chấn động nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc vào mức độ của bạo lực, thậm chí các em còn có xu hướng “tự hại” (tự tử)…
"Bêu xấu" nhau là một dạng bắt nạt về tinh thần. Ảnh minh họa
Không chỉ có vậy, người bị bạo lực cũng phải chịu những phí tổn về của cải vật chất sau khi bị đánh để tiến hành dưỡng thương. Còn người thân, bạn bè, gia đình nạn nhân thì bất ổn, thường xuyên lo lắng liệu nạn nhân có tiếp tục bị bắt nạt về sau này hay không?
Với người gây ra bạo lực, sau đó tâm lý cũng bất ổn, sợ hãi như sợ bị trả thù, sợ bị bố mẹ nạn nhân đánh, hoặc bị bắt nạt lại. Người gây ra bạo lực có thể sẽ phát triển không toàn diện, dẫn đến thiếu hụt về nhân cách, mất dần nhân tính, làm gương xấu cho người khác học theo. Thậm chí, nó có thể là căn nguyên, mầm mống của các hành vi tội phạm, tội ác, làm biến đổi xã hội, lương tri của con người.
Người gây ra bạo lực sẽ không định hướng cho sự phát triển nhân cách của mình, ảnh hưởng xấu tới học tập, gây nguy hại cho xã hội. Người gây ra bạo lực trở lên lẻ loi, bị cô lập, mọi người xa lánh, căm ghét.
Với nhóm chứng kiến bạo lực có thể phải đối mặt với những tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến hành vi của bản thân. Những trẻ chứng kiến có thể không tập trung vào việc học, chất lượng học tập bị ảnh hưởng, dần dần mất hứng thú với việc học hành, sợ đến trường…
Về tinh thần, trẻ chứng kiến bạo lực thì có thể căng thẳng, chán nản, lo lắng mình có thể bị rơi vào hoàn cảnh đó. Trẻ có thể cảm thấy bất lực, thất vọng với bản thân vì quá khiếp sợ sức mạnh của kẻ bắt nạt mà không dám lên tiếng bênh vực bạn bị bắt nạt. Cảm xúc đó nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.
Thậm chí, trẻ chứng kiến bạo lực còn có nguy cơ phải đối mặt với việc học cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực, chai lì cảm xúc trở nên vô cảm, thờ ơ, thậm chí biến thành người đồng lõa với cái xấu, trở thành người đi bắt nạt và sử dụng bạo lực.
(Còn nữa)
* Bài viết tham khảo ý kiến của nhà tâm lý Dương Kim Ngân - chuyên gia tư vấn về bạo lực học đường của Trung tâm CSAGA, và tài liệu về phòng chống bắt nạt học đường của do Trung tâm CSAGA và Tổ chức Plan tại Việt Nam phối hợp thực hiện.