Với nhiều phụ nữ lao động ngoại tỉnh, bạo lực gia đình là nỗi ám ảnh khi họ phải đi mưu sinh ở thành phố.
Bị đánh không biết kêu ai
Lao động từ các tỉnh di cư lên thành phố làm việc phải đối mặt với nhiều khó khăn do phải làm những công việc vất vả, không có giờ giấc cố định. Theo bà Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), do tính chất công việc không ổn định khiến những người chồng không có sự thông cảm, dễ gây bạo lực gia đình.
Tiềm ẩn bạo lực gia đình với nữ lao động di cư. Ảnh:molisa.gov.vn
Chị NTH, quê Nam Định, làm nghề thu mua đồng nát, trú tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) thường bị chồng bạo hành do đi về quá giờ quy định. Chia sẻ trong nhóm đồng đẳng tại phường Chương Dương, chị NTH cho biết: “Đi làm đã mệt nhưng gia đình có ông chồng nát rượu thường xuyên đòi tiền uống rượu”.
Nhiều phụ nữ lao động di cư bị bạo lực nhưng cứ âm thầm chịu đựng do không biết kêu ai do không đăng ký tạm trú tạm vắng. Bên cạnh đó, phụ nữ lao động di cư xa gia đình đối mặt với nguy cơ tan vỡ, bởi nhiều người chồng nghe lời gièm pha, xúi bẩy của hàng xóm, nghi ngờ vợ lên thành phố làm việc khó tránh khỏi chuyện “mèo mả gà đồng”.
Phường Chương Dương là địa bàn có đông lao động di cư nhất Hà Nội hiện nay. Trước tình trạng bạo lực gia đình, phường cũng đã xây dựng một số mô hình tư vấn, hỗ trợ các gia đình có nạn nhân bị bạo hành. Bà Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Chương Dương (Hoàn Kiếm) cho biết: “Trên địa bàn phường có hơn 2.000 lao động di cư. Khi bị bạo lực gia đình, các nạn nhân ít trình báo với chính quyền sở tại để được can thiệp. Do đó, mô hình đồng đẳng viên mới dừng ở việc tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm”.
Trách nhiệm của toàn xã hội
Theo Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH), các nghiên cứu gần đây chỉ ra nguyên nhân trực tiếp làm nảy sinh hành vi bạo lực gia đình phần lớn ở những gia đình này thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, học vấn thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, công việc không ổn định. Cộng đồng, xã hội coi vấn đề bạo lực gia đình là chuyện của mỗi gia đình: “Đèn nhà ai nhà nấy rạng”, sự can thiệp, lên án của cộng đồng, làng xóm, chính quyền địa phương chỉ mang tính chất nhất thời, mờ nhạt. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình, nhất là với lao động di cư là do yếu tố nhận thức. Để góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình, do đó cần xem đây là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không của riêng ai.
Cùng quan điểm này, theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, từ khảo sát thực tế tại các địa bàn có đông lao động di cư, việc tuyên truyền không chỉ nhắm tới đối tượng nữ giới, thường được coi là nạn nhân, nay cần hướng tới thay đổi nhận thức đối tượng nam giới: Biết tôn trọng vợ, biết chia sẻ công việc gia đình… Bên cạnh đó, các địa phương phát huy tốt vai trò của Ban hòa giải tại cộng đồng, nhằm hạn chế xảy ra vụ việc nghiêm trọng.
Để giúp đỡ nạn nhân bị bạo hành gia đình, các ngành chức năng nhân rộng mô hình nhà tạm lánh, tương tự như mô hình “Ngôi nhà bình yên” (NBY). Theo chị Đỗ Thị Anh Châm, đại diện NBY của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), mỗi năm NBY tiếp đón khoảng 80 nạn nhân và tư vấn cho khoảng 500 trường hợp bị bạo lực gia đình, trong đó 30% là người lao động di cư. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân ở tỉnh xa không có điều kiện tiếp cận mô hình dịch vụ này, vì vậy cần nhân rộng mô hình NBY theo phân vùng địa lý.
Các đối tượng bị bạo hành cũng cần nâng cao tính trách nhiệm với bản thân, sớm trình báo với cơ quan đoàn thể chức năng để được hỗ trợ. Nhiều phụ nữ, đặc biệt là lao động di cư âm thầm chịu đựng bạo hành mà không dám chia sẻ, tiết lộ. Việc các nạn nhân nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía các cơ quan, đoàn thể sẽ phần nào giúp giải quyết được vấn nạn bạo lực gia đình.