Bạo lực gia đình: Buông tay là giải thoát

Vân Lam| 25/06/2016 11:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bạo lực gia đình không còn là điều “bình thường” như quan niệm của mọi người vẫn nghĩ khi mà theo thống kê của Quỹ gia đình Liên hợp quốc tại Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2015 cả nước có 13.204 vụ bạo lực gia đình, trong đó chủ yếu là chồng đánh vợ.

Đây không còn là “chuyện riêng” sau mỗi cánh cửa, người trong cuộc, hơn ai hết phải biết cách tự bảo vệ mình.

Chẳng ai muốn “buông tay” đặc biệt là người phụ nữ. Ai cũng muốn vun vén cho mình có một gia đình hạnh phúc, cho những đứa con có đủ đầy mẹ cha, cho gia đình tràn ngập tiếng cười. Thế nhưng, ví thử cuộc đời không thể như mơ, người phụ nữ sống trong một nỗi khiếp hãi, u tối của cái địa ngục mang tên “gia đình” tại sao lại không buông?

Buông tay cũng chính là cách để giải thoát, để làm lại…để cho những hành vi bạo hành không còn cơ hội tồn tại, để cho người đàn ông phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Đàn ông đánh vợ là hèn!

Trong xã hội hiện đại ngày nay, bạo lực gia đình nó tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, nó không còn chỉ là chuyện đánh đấm, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” của người chồng đối với vợ.

Bạo lực gia đình là vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, nó làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân phụ nữ mà còn với cả trẻ em, gia đình, toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng các quyền con người.

Theo thống kê, mỗi năm trên cả nước có tới 8000 vụ ly hôn do bạo lực gia đình và bạo lực gia đình đã để lại những hậu quả hết sức tiêu cực: 87,5% số vụ gây tổn hại về sức khỏe, thể chất; 89% gây tổn thương về tâm lý, tinh thần, 90% gây tan vỡ gia đình; 89% gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội;  91% ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, gây mất niềm tin vào gia đình, dẫn đến chán học, dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp luật.

Bạo lực gia đình: Buông tay là giải thoát

Ảnh minh họa

Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ trong gia đình là dạng bạo lực phổ biến nhất. Hành vi người chồng gây ra chủ yếu là bạo lực về thể chất, đây là dạng dễ nhận thấy và bị lên án mạnh mẽ nhất. Sở dĩ đa phần người đàn ông sử dụng “nắm đấm” để dạy vợ là do họ không nhận thức được rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi bạo lực của người chồng đều là bạo lực về thể chất mà có những lúc, họ dùng tới nhiều cách khác để gây ra những tổn thương về tâm lý cho người vợ: mắng mỏ, chửi bới, xúc phạm danh dự…; hoặc có những hành vi cưỡng bức về tình dục, kiểm soát về kinh tế…

Trong xã hội hiện đại, đàn ông và đàn bà bình đẳng nhau về nhiều mặt, thậm chí người phụ nữ ngoài 8 tiếng làm việc cơ quan, khi trở về nhà họ lại tất bật với việc chăm lo, vun vén cho chồng con để giữ gìn tổ ấm. Tuy nhiên không ít người đàn ông, chỉ với lý do lãng nhách khi cho rằng mình “hết yêu” nên đã có thể phủ nhận hoàn toàn công sức của người vợ, sẵn sàng đánh đấm, bạo hành vợ về mọi mặt.

Và khi đó, người vợ thường cam chịu, nhẫn nhịn để cố sống vì con, nhưng sự hy sinh ấy lại rất ít những ông chồng có thể hiểu được. Bởi theo quan niệm của những người đàn ông, họ là “phái mạnh”, còn phụ nữ là những kẻ yếu đuối, do đó để thể hiện sự “mạnh mẽ” của mình, họ sử dụng đến “nắm đấm”. Thật sự thì đó là một quan niệm hết sức sai lầm. Sẽ chẳng có sự ngợi ca, cổ vũ nào khi một người đàn ông đối xử với vợ mình bằng bạo lực.

Bản lĩnh của người đàn ông thể hiện ở việc biết cùng vợ chăm lo cho hạnh phúc gia đình, biết chia sẻ và gánh vác trách nhiệm cùng vợ, chứ không phải “dạy vợ” bằng vũ lực, bởi khi đó họ sẽ chỉ là những người đàn ông hèn hạ, ích kỷ và không có bản lĩnh.

Đàn bà, phải dũng cảm để “buông”!

Chấp nhận, cố gắng, nhẫn nhịn, hy sinh… là những tính từ thường xuyên được dùng để miêu tả người phụ nữ. Người ta thường nói rằng: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, phải chăng vì thế mà người phụ nữ từ thế hệ này qua thế hệ khác chấp nhận “hy sinh vô điều kiện” để “xây tổ ấm” của mình.

Tôi có một người bạn, cô ấy với chồng từng yêu nhau say đắm, từng có những khoảnh khắc tưởng “chỉ có cái chết mới có thể chia lìa nhau”. Ấy vậy mà khi về sống chung một mái nhà, khi những đứa trẻ lần lượt ra đời cũng đồng nghĩa với khoảng cách vợ chồng ngày một dài ra.

Đầu tiên là từ những bất đồng quan điểm trong việc dạy con, việc ứng xử với gia đình chồng rồi đến những việc vặt vãnh khác. Lúc đầu là mắng nhiếc, rồi dần dần vợ chồng giao tiếp với nhau bằng hành động. Anh chồng sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ bất cứ lúc nào.

Những ngày dài đẵng đẵng, cô ấy cứ nhịn, rồi nhịn, 30 tuổi đầu với 2 đứa con thơ, cô không đủ dũng cảm để “buông bỏ”. Cô nghĩ đến một gia đình không vẹn toàn, cô nghĩ đến những lời dị nghị, cô còn nghĩ đến cả “vết nhơ” cô gieo lên gia đình mình với danh từ nghiệt ngã “gái bỏ chồng” nên cô ấy cố giữ, mặc cho những đòn roi giáng xuống mỗi ngày.

Tôi không tin khi cô ấy chấp nhận cuộc đời như vậy thì con cô ấy sẽ hết khổ. Những đứa trẻ sống trong gia đình bạo hành, bố mẹ suốt ngày nặng nề với nhau liệu chúng có thực sự được hạnh phúc?

Bạo lực gia đình: Buông tay là giải thoát

Buông tay là giải thoát  cho chính mình

Các nghiên cứu của Liên Hợp quốc đã chỉ ra rằng, bạo lực gia đình đã biến nhiều đứa trẻ hiền lành trở nên hung dữ và trong nhiều trường hợp cũng dùng cả những hình thức tàn bạo, dã man để đối xử với người khác.

Theo một số cuộc điều tra xã hội học ở Mỹ, người ta nhận thấy rằng 80% phạm nhân Mỹ lớn lên trong những gia đình bố mẹ chúng đánh lộn như cơm bữa, 63% nam thiếu niên phạm tội giết người là chúng giết kẻ đã đánh đập mẹ chúng. Trong khi đó có khoảng 50% trường hợp các cô gái bị chồng đánh lại lặp lại số phận của mẹ các cô.

Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Dù cánh cửa trước mắt có đầy những mảng tối, hố sâu nhưng không bao giờ là ngõ cụt khi chính bản thân mình nắm lấy vận mệnh của mình. Tủi hờn, đau khổ rồi cũng sẽ qua đi và rồi sẽ có một ngày tươi sáng, cứ thế mà hi vọng còn hơn là cả đời chôn vùi cả tuổi xuân, sức khỏe trong một địa ngục tăm tối không lối thoát.

Đàn bà, nhất thiết phải học cách để “buông bỏ” những thứ không thuộc về mình, những thứ không hợp với mình và không là của mình. Thậm chí kể cả khi đã là của mình rồi mà cuộc đời như một hũ tối tăm thì cũng cần dũng cảm để “buông bỏ”. Bởi cuộc đời chỉ có một, chả ai có thể sống thay cuộc đời của chính mình, cũng không ai cho mình sức khỏe nên mình phải biết “buông” để tự bảo vệ mình. Rồi mầm xanh lại mọc, rồi hoa sẽ nở kể cả trên mảnh đất khô cằn, nên không có gì là không dám.

Đàn bà, phải sống biết yêu thương, chia sẻ, biết nhẫn, biết nhường nhưng cũng phải biết buông. Thế kỷ 21 không chấp nhận một “cô Mị” cứ “lầm lũi như con rùa trong xó cửa” nữa…ngoài kia là cả cuộc đời, dù  giông bão cũng phải bước ra mà nắm lấy nó để vượt lên. Buông bỏ để chấp nhận và làm lại, còn hơn là bạn phải sống trong cảnh u tối.

“Buông” để giữ. Giữ giá trị của mình, giữ sức khỏe của mình, giữ niềm tin của mình. Nhiều người vì không thể vì một chữ “buông” mà chính mình lại vướng vào vòng lao lý vì muốn “giữ” những thứ không phải của mình dẫn đến những hành động làm tổn hại đến mình hoặc người khác. Nhiều người vì ức chế quá mà tự kết liễu đời mình, kết liễu đời con…nhiều người lại dùng hình thức “đánh ghen” để trả đũa…rồi cuối cùng chính mình phải chịu hậu quả bởi pháp luật, lương tâm không thể buông tha.

Hiện nay, các cơ quan nhà nước đã và đang tích cực vào cuộc để chung tay vì một mục tiêu phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ).

Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã chỉ rõ : “Đến năm 2020, đạt 95% trở lên số hộ gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, PCBLGĐ, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; 95% số nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, PCBLGĐ; hằng năm, trung bình giảm từ 10% - 15% số hộ gia đình có bạo lực gia đình, giảm 10% - 15% số hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội, 15% số hộ gia đình có người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định (khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn giảm 10%).”

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng cũng cần có sự lên tiếng của chính bản thân người trong cuộc. Bởi sẽ không ai có thể giúp đỡ bạn nếu bạn không lên tiếng…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực gia đình: Buông tay là giải thoát