Tham nhũng ở đất nước nào cũng vậy, đều bị coi là quốc nạn, bởi nó có quan hệ mật thiết với sự tồn tại của thể chế ở nước đó. Có tham nhũng thì mất lòng dân, đó là điều tối kị đối với bất cứ thể chế nắm quyền lực nào trong xu thế dân chủ của thời đại.
Cho nên chống tham nhũng luôn là công việc song hành với xây dựng bộ máy nhà nước. Bởi bản chất của việc chống tham nhũng chính là giám sát quyền lực trong bộ máy nhà nước. Mà khi nhà nước chống tham nhũng, chính là dùng quyền lực giám sát quyền lực.
Quyền lực chống tham nhũng chính là một loại quyền lực đặc biệt. Đó là một dạng "quyền lực đứng trên quyền lực", người có quyền lực chống tham nhũng có quyền sinh sát đối với những người tham nhũng là những cán bộ có chức có quyền. Cho nên quyền lực của người chống tham nhũng là rất lớn, có thể coi như cầm được thanh "thượng phương bảo kiếm" trong tay.
Như vậy ở đây có một vấn đề đặt ra là: Quyền lực chồng lên quyền lực như vậy, thì rốt cuộc cái quyền lực chồng lên ấy liệu có gì khác cái quyền lực ở dưới đã đem dùng để tham nhũng hay không ?
Ở đây phải thừa nhận rằng, sở dĩ người ta tham nhũng được chính là bởi vì cái quyền lực đã giao cho người ta nhưng lại không kiểm soát được, để người ta dùng quyền lực mà tham nhũng trót lọt.
Vậy tại sao lại không kiểm soát được quyền lực để người ta tham nhũng trót lọt ?
Đó chính là do có những nơi chưa có "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiếm tra". Nhân dân thì rất đông, tới 90 triệu người (làm tròn), là lực lượng kiểm tra giám sát vô cùng hùng hậu, nếu được thực hiện đúng như phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" thì phải nói chắc rằng, đố có cán bộ nào tham nhũng trót lọt qua 90 triệu cửa ải ấy được.
Thế nhưng, lực lượng kiểm tra giám sát 90 triệu người này lại có khi không được biết, không được bàn, không được kiểm tra. Mà có khi chỉ có nội bộ mấy ban ngành ngang dọc biết, bàn, làm, kiểm tra với nhau, thì cái sự " ta không động đến người thì người sẽ không động đến ta" sẽ dễ nảy sinh, có gì thì "trong nhà đóng cửa bảo nhau" và tất nhiên, khi đó "tham nhũng vẫn ổn định" là vì thế.
Vậy nay quyền lực (chống tham nhũng) chồng lên quyền lực (tham nhũng), thì chung quy lại vẫn chỉ là việc giám sát quyền lực mà thôi, vẫn phải cần đến cái chìa khóa là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" để mở cho được vấn đề muôn thuở này.
Như vậy là, quyền lực chống tham nhũng - "bảo kiếm" trừ tham quan đặt ở đâu thì quan trọng nhất vẫn là chuyện phải có nhân dân giám sát chặt chẽ, để "bảo kiếm" này được vung lên trừ tham ở khắp nơi như đúng với chức năng của nó, chứ không phải là để vung lên hay không còn tùy nơi, tùy chỗ, tùy mối quan hệ vốn được xem là "nhạy cảm". Đã chống tham nhũng thì tuyệt nhiên không chỗ nào là "nhạy cảm", không có “vùng cấm”.
Mà để "quân pháp bất vị thân", thì bắt buộc phải nhờ đến nhân dân giám sát việc thực thi quyền lực chống tham nhũng. Nói cách khác, thanh bảo kiếm chống tham nhũng chỉ phát huy được quyền lực nhờ có nhân dân.