Báo động quy trình kiểm soát chất lượng nước ở các cơ sở chạy thận

Thảo Nguyên| 27/09/2017 16:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kết quả từ việc xét nghiệm nước đầu vào dùng trong chạy thận ở các bệnh viện có đơn vị chạy thận nhân tạo trên toàn quốc cho thấy, các mẫu nước đầu nguồn để sử dụng lọc máu cho bệnh nhân phần lớn không đạt tiêu chuẩn.

PGS.TS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết, sau khi có sự cố khiến 8 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, viện đã nhận xét nghiệm miễn phí các mẫu nước của 40 bệnh viện trên các tỉnh, thành phố cả nước gồm mẫu nước đầu nguồn (trước khi lọc thô) để đánh giá chất lượng nước cấp; nước RO sau lọc (nước dùng trực tiếp cho lọc thận) và nước sau rửa quả lọc để đánh giá tồn dư chất khử trùng dùng trong chạy thận nhân tạo. Đến nay, viện đã có những kết quả cuối cùng để gửi tới Giám đốc các bệnh viện.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, các mẫu nước đầu nguồn có tới 70% mẫu không đạt tiêu chuẩn (22/31 mẫu). Trong đó có mẫu của 2 bệnh viện không đạt tiêu chuẩn về độ pH, 2 bệnh viện không đạt chuẩn độ đục và 7 bệnh viện không đạt chỉ số Pecmanganat.

Các mẫu nước đầu nguồn này cũng có đến 17/40 (chiếm 42,5%) không đạt chuẩn về Coliform và 3/40 mẫu không đạt về tiêu chuẩn Ecoli (chiếm 7,5%).

Báo động quy trình kiểm soát chất lượng nước ở các cơ sở chạy thận

Chất lượng nước RO chạy thận nhân tạo nếu không đạt tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh

Kết quả xét nghiệm mẫu nước RO (nước trực tiếp dùng cho chạy thận) đã phát hiện có tới 60% mẫu nước (chiếm 24/40 mẫu) có nồng độ Endotoxin (nội độc tố vi khuẩn) cao hơn ngưỡng cho phép.

Theo các chuyên gia, tùy vào cơ địa mỗi bệnh nhân, nồng độ nội độc tố cao hơn ngưỡng cho phép có thể gây các biến chứng cho bệnh nhân. Đáng chú ý, đối với nước rửa quả lọc có 1 mẫu phát hiện tồn dư chất diệt khuẩn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho hay, chất lượng nước sử dụng trong chạy thận nhân tạo là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân chạy thận. Tại các nước trên thế giới, nước đầu vào dùng trong chạy thận nhân tạo là nước uống được, trong khi nước đầu vào ở nước ta là nước máy, chưa uống được. 

Cùng với đó, các BV hiện còn thiếu rất nhiều quy định liên quan Quy chuẩn thiết kế hệ thống lọc nước: quy định về vận hành, ghi chép về khử trùng đường ống,... Thực tế, hệ thống lọc nước RO là hệ thống mở với nhiều công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn đều có các nguy cơ gây ô nhiễm nước nên BV rất khó duy trì chất lượng nước đảm bảo liên tục trong suốt thời gian lọc thận nhân tạo.

Theo PGS Hải, việc nhiều cơ sở chạy thận sử dụng hệ thống ống nước chạy thận thông thường vói nhiều đường nối sử dụng keo dán; thiết kế hệ thống nước chưa hợp lý có thể là căn nguyên làm làm lắng đọng các chất ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khi chạy thận nhân tạo.

“Sắp tới Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường sẽ đưa ra dự thảo “Hướng dẫn giám sát chất lượng nước RO dùng cho lọc thận nhân tạo”. Đây là hướng dẫn quan trọng sẽ được phổ biến tới tất cả cơ sở y tế có chạy thận nhân tạo nhằm kiểm soát các yếu tố nguy cơ, phòng ngừa các tai biến khi chạy thận nhân tạo”, ông Hải thông tin.

Liên quan đến tai biến y khoa khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa qua Công an tỉnh Hòa Bình đã thông tin kết quả điều tra ban đầu.

Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), mẫu nước thu tại đầu cấp vào máy lọc thận số 10 và số 13 (của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) có các chỉ tiêu độ pH rất thấp; độ dẫn điện rất cao, hàm lượng florua cao gấp 245 (máy số 10) và 260 lần (máy số 13) mức cho phép. Các mẫu nước này đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo theo tiêu chuẩn AAMI.

Viện Khoa học hình sự cũng tiến hành giám định các máy chạy thận khác ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và phát hiện hàm lượng florua trong các mẫu nước đều vượt ngưỡng an toàn gấp hàng trăm lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động quy trình kiểm soát chất lượng nước ở các cơ sở chạy thận