Một nghiên cứu xã hội học cho thấy có đến 15% số các em học sinh được điều tra có các biểu hiện rối loạn về cảm xúc cần được tư vấn và điều trị.
Tự tử, kiệt sức vì áp lực
Mới đây một nghiên cứu của các nhà tâm thần học tại 5 trường học lớn tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ trẻ có nguy cơ rối loạn cảm xúc là 5%, trong đó 2% số học sinh cần điều trị tại các cơ sở y tế. Đó là những con số đáng báo động về tình trạng rối loạn cảm xúc và loạn thần do áp lực thi cử tuổi thanh thiếu niên.
Trường hợp của em Lê Ngọc Q. (20 tuổi, Thanh Hóa) là một ví dụ điển hình. Q. cho biết, sau khi học xong phổ thông, em rất muốn được du học ở nước ngoài. Do mong muốn của em quá mãnh liệt mà bản thân không đáp ứng được nên em đã bị rối loạn lo âu: sợ học, luôn lo lắng, bồn chồn, ngủ chập chờn không yên giấc, luôn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, khó tập trung, đầu óc trống rỗng, căng cơ, đi học thì chỉ muốn về…
Tình trạng rối loạn cảm xúc ở học sinh gia tăng vào mùa thi
Đáng lo, khi có em bị rối loạn tâm thần, dẫn đến tự sát. Câu chuyện nữ sinh Thùy Trang (Bình Phước) hay một nữ sinh ở Nghệ An tự sát năm 2016 để lại thư tuyệt mệnh là những nỗi đau của thực trạng này. Nguyên nhân tự tử của các em xuất phát từ sự buồn chán, thất vọng chỉ vì học lực không được như mong đợi của người thân.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng - Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (SKTT) - BV Bạch Mai cho biết, một số bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc còn do chính bản thân các em đang tự tạo áp lực cho mình. Áp lực phải điểm cao, phải đỗ đạt, áp lực không thua kém bạn bè khiến nhiều em tự đẩy mình vào tình trạng rối loạn cảm xúc nặng nề.
Số ca rối loạn tâm thần có chiều hướng tăng
Theo thống kê của các cơ sở y tế chuyên điều trị tâm thần thì số lượng người bệnh là học sinh đến khám và điều trị các rối loạn cảm xúc do áp lực học và thi đang có chiều hướng tăng trong những năm gần đây.
Thực tế, điều trị cho một số trường hợp là học sinh bị rối loạn cảm xúc, các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ở độ tuổi học sinh (dưới 22 tuổi), sự phát triển về cơ thể cũng như về tinh thần chưa được hoàn thiện đầy đủ. Các em rất dễ bị tác động về mặt tinh thần cho nên cảm xúc và hành vi cũng thay đổi bởi các tác nhân gây nên các stress đó.
TS. Dũng khuyến cáo, rối loạn cảm xúc do áp lực thi hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu chúng ta phát hiện sớm. Để điều trị cho những bệnh nhân này, theo TS. Dũng, việc đầu tiên là chúng ta phải tách các em khỏi những áp lực đó, sau đó thiết lập chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Đối với cha mẹ, trong quá trình nuôi dạy con, các bậc cha mẹ cần chú ý tới việc giáo dục nhân cách và nâng cao bản lĩnh cho các em để vững vàng đối mặt với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con em mình, luôn động viên các em cố gắng nhưng không được đặt quá nhiều áp lực lên vai của các em, tránh trường hợp sự mong mỏi các con tốt hơn của cha mẹ lại biến thành áp lực nặng nề tấn công các em.