Năm 2016, báo chí thế giới chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của báo in và đà tăng trưởng của báo điện tử. Thậm chí, một loạt các tờ báo nổi tiếng trên thế giới như New York Times, Wall Street Journal cũng thông báo cắt giảm các ấn phẩm báo in của mình.
Theo tổ chức Hiệp hội báo chí thế giới WAN, năm 2016, doanh thu của báo điện tử trên thế giới tăng 30% so với năm 2015, và trong 5 năm đã tăng 547%. Điều này thể hiện vai trò cũng như sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử trong hệ thống báo chí, truyền thông thế giới.
Tại Việt Nam, cho tới cuối năm 2015, theo Báo cáo tổng kết công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có 105 cơ quan báo điện tử (bao gồm các báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập) và 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, Việt Nam có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày, cùng với sự hỗ trợ của cuộc cách mạng công nghệ 4G là tiền đề rất thuận lợi cho báo điện tử Việt Nam phát triển và từ đó, chất lượng thông tin trên báo điện tử ngày càng cao, có nhiều mặt tích cực.
Có thể khẳng định, báo điện tử đã và đang phục vụ tốt công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, là công cụ chuyển tải hiệu quả, sinh động chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ, báo điện tử đã phát huy được ưu thế vượt trội trong cuộc cạnh tranh thông tin nhanh, nóng hổi so với các loại hình báo chí khác.
Những thông tin đa dạng, nhiều chiều về đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, văn hoá hay giải trí trên báo điện tử đáp ứng được nhu cầu thông tin của bạn đọc. Nhiều sản phẩm mới, có tính sáng tạo cao ra đời, giúp cho các sản phẩm báo điện tử ngày càng hấp dẫn, dễ tiếp nhận, như Rap News của VietNamPlus, hay các siêu tác phẩm báo chí, báo chí đồ hoạ của Zing, Vietnamnet hay VnExpress…
Sản phẩm Rap News của VietnamPlus.vn đạt giải Nhất thuộc hạng mục đặc biệt “Digital First”, tôn vinh nhà xuất bản tin tức đã có biện pháp sáng tạo để lôi kéo sự tham gia của giới trẻ thông qua điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác.
Tuy nhiên, dù có nhiều điểm tích cực, nhưng báo điện tử Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về chất lượng thông tin, thể hiện ở các mặt sau:
Thứ nhất, do nhiều tờ báo chạy theo tiêu chí nóng, nhanh của thông tin mà bỏ qua hoặc đặt nhẹ vai trò, yêu cầu về đảm bảo tính chính xác của thông tin. Nhiều tờ báo lo sợ bị các tờ báo khác vượt mặt trong cuộc cạnh tranh thông tin, đã cố tình bỏ qua những công đoạn quan trọng trong khâu kiểm chứng thông tin. Điều này rất nguy hiểm, bởi thông tin sai không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của tờ báo, mà còn có những trường hợp tác động tiêu cực tới các nhân vật, chủ thể liên quan. Nhiều công ty, cá nhân, doanh nghiệp đã lao đao chỉ vì những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng đăng tải vội vàng trên báo điện tử. Thậm chí, có những thông tin còn ảnh hưởng tới uy tín quốc gia, mang tính kích động hoặc gây hoang mang trong dư luận.
Thứ hai, nhiều thông tin trên báo điện tử còn mang tính một chiều, quy chụp, thiếu khách quan, thiếu độ nhạy bén chính trị, như trường hợp báo Petrotimes bị xử phạt vì đăng tải những thông tin không phù hợp, mà theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: “Việc đăng lại phỏng vấn của người này trên tờ báo của Hội Dầu khí không những làm trái tôn chỉ, mục đích mà vô hình trung còn gián tiếp tiếp tay chống phá Nhà nước”. Có hai nguyên nhân có thể dẫn tới thực trạng này. Một là, do yếu tố khách quan, do kỹ năng, nghiệp vụ báo chí hay kinh nghiệm của nhiều phóng viên còn chưa tốt, chưa đảm bảo. Hai là, do tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi và làm trái pháp luật, trái truyền thống đạo lý ngày càng gia tăng.
Thứ ba, thông tin ở các tờ báo điện tử hiện nay chưa tạo được bản sắc riêng cho các tờ báo của mình. Có thể nói, khi xây dựng các trang báo điện tử, dù là phiên bản của một loại hình báo chí khác, hay chỉ có duy nhất bản điện tử, thì đều có tôn chỉ mục đích của báo mình. Nhưng việc chạy theo cuộc cạnh tranh thông tin, cạnh tranh độc giả, mà nhiều tờ báo không còn giữ được tôn chỉ - mục đích của mình dẫn tới hiện tượng thông tin trên các tờ báo khá giống nhau, vào một thời điểm, chỉ cần đọc một tờ báo điện tử, độc giả đã có thể nắm được gần như những thông tin chính yếu xuất hiện trên các tờ báo điện tử khác. Không những thế, tình trạng “xào bài”, “copy-paste” còn diễn ra khá phổ biến và ngày càng tinh vi, làm cho các cơ quan quản lý và bản thân các tờ báo gặp khó khăn rất nhiều trong cuộc chiến đảm bảo tính bản quyền cho tác phẩm báo chí.
Thứ tư, thông tin trên nhiều báo điện tử còn chưa hấp dẫn. Có thể nói, với sự hỗ trợ của công nghệ, việc làm báo hiện đại, đặc biệt báo mạng điện tử, không chỉ giới hạn việc cung cấp thông tin nữa. Trong thời đại báo chí hiện đại, không chỉ “nội dung là vua”, mà còn “cách thể hiện là nữ hoàng”. Điều này có nghĩa, các tờ báo mạng điện tử hiện nay cần phải sớm nắm bắt được xu thế phát triển của báo chí và truyền thông kỹ thuật số, nắm bắt được các công cụ, công nghệ hiện đại.
Xu thế báo chí thế giới và Việt Nam đã và đang xuất hiện các xu thế đa phương tiện, đa nền tảng, video, livestream, VR Virtual Reality, bài chuyên sâu (Long-form story), gói tin tức (Package news), Mega story, sản phẩm truyền thông sáng tạo…
Ở Việt Nam, mới chỉ một vài tờ báo có đầu tư, tổ chức thực hiện, đáp ứng được phần nào các xu thế báo chí thế giới, như tờ VietnamPlus.vn với các sản phẩm Mega-Story, Rap news.. hay Zing.vn với các sản phẩm đồ hoạ thông tin, Long-form rất hấp dẫn. Mặt khác, nhiều tờ báo mạng điện tử Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển của mình, điều này dẫn tới cách trình bày giao diện truyền thống, không thân thiện với độc giả, nội dung tẻ nhạt, chưa hấp dẫn, sáng tạo, không phù hợp với tâm lý tiếp nhận thông tin của độc giả báo điện tử.
Thứ năm, thông tin trên báo điện tử còn chạy theo xu hướng giật gân, câu khách rẻ tiền, vấn đề suy thoái về đạo đức trong hành nghề của một bộ phận phóng viên điện tử hiện nay rất đáng báo động. Tình trạng báo chí bị thương mại hóa không những không bị ngăn chặn, đẩy lùi mà có xu hướng nghiêm trọng hơn bằng việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn, phản giáo dục, thiếu trách nhiệm với xã hội và độc giả, chỉ vì phục vụ thị hiếu của một bộ phận bạn đọc mà mất đi tính định hướng xã hội, định hướng dư luận của báo chí.
Cùng với các loại hình báo chí, truyền thông khác, báo điện tử Việt Nam với nhiều ưu điểm tích cực, ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế quan trọng đặc biệt của mình. Bên cạnh đó, báo điện tử Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề nổi cộm. Chỉ cần thẳng thắn nhìn nhận ra những điểm yếu của báo điện tử hiện nay thì cơ quan quản lý báo chí, các tòa soạn và chính bản thân các phóng viên sẽ tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng, đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài cho báo điện tử nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung.