Câu chuyện về "nước mắm nhiễm asen" năm 2016 là bài học đắt giá với những người làm báo. Tìm kiếm, chọn lọc thông tin cũng như góc độ phản ánh thế nào, những tác động của thông tin đến đời sống xã hội ra sao luôn là vấn đề đặt ra đối với người làm báo.
Nước mắm nhiễm asen và 50 tờ báo bị xử phạt
Với báo chí, câu chuyện về nước mắm nhiễm asen là một nỗi buồn và cũng là một bài học không bao giờ cũ. Tháng 10/2016, khi những thông tin về vấn nạn thực phẩm bẩn đang là một chủ đề rất nóng thì cuộc họp báo công bố kết quả khảo sát chất lượng nước mắm của Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) là sự kiện thu hút đặc biệt với báo giới.
Quả thật, phòng họp trên tầng 4 của Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam ở thời điểm đó không còn sót một chỗ trống, chưa kể nhiều phóng viên báo, đài còn phải đứng và Ban tổ chức thì không có đủ tài liệu để cung cấp cho báo chí. Các phóng viên, nhà báo dường như tin tưởng tuyệt đối vào nguồn tin được cho là chấn động mà Vinastas đưa ra.
Buổi họp báo chính thức tại địa chỉ của Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam và thành phần tham dự có đại diện của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cả Bộ Công Thương. Không có lý do gì khiến các nhà báo phải đặt câu hỏi nghi ngờ.
Sự tin tưởng về nguồn tin cũng như những sức ép về thông tin nóng, nhanh khiến cho báo chí quên mất việc kiểm chứng thông tin về nước mắm nhiễm asen. Ngay tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên đã tranh thủ gõ bài để làm sao tin của mình lên nhanh nhất. Và cái giá phải trả cho sự chủ quan, thiếu cẩn trọng trong vụ việc này là 50 tờ báo bị xử phạt.
Sai thì phải trả giá, điều đó là đương nhiên. Nhưng nói một cách công bằng, vụ nước mắm nhiễm asen báo chí đã vô tình rơi vào “bẫy thông tin” được tạo dựng một cách tinh vi với những chủ đích rõ ràng và điều này đã được các cơ quan quản lý chỉ rõ sau vụ việc.
Vụ việc đưa tin thiếu kiểm chứng về nước mắm nhiễm asen là một bài học đắt giá với người làm báo.
Ngoài những “bẫy thông tin” được dàn dựng tinh vi, có chủ đích, báo chí còn tự “làm mồi” cho mạng xã hội, hay các nguồn tin nước ngoài mà vụ thông tin ăn bưởi ung thư là một ví dụ. Một số phóng viên đã dịch từ BBC News và báo Daily Mail (Anh) về nghiên cứu đăng trên tập san Ung thư của Anh (British Journal of Cancer) nói rằng những phụ nữ ăn từ 1/4 trái bưởi trở lên mỗi ngày sẽ tăng 30% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Thực tế các nhà khoa học đã chỉ ra rằng kết quả nghiên cứu đó chỉ có giá trị khoa học trung bình và chỉ là gợi ý, chứ không thể nói bưởi là nguyên nhân gây ung thư vú. Còn một số nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu và đưa ra kết luận ăn bưởi Việt và loại bưởi mà báo chí nước ngoài đưa tin gây ung thư là bưởi chùm chỉ có ở Mỹ, Brazil, Mexico… Sự cố nghề nghiệp ở thời điểm đó cũng đã khiến cho một số báo bị phạt.
Còn trong xã hội bùng nổ thông tin ngày nay, những tin tức từ “nguồn facebook nhân vật” không phải là hiếm hoi, nếu không muốn nói là thường xuyên xuất hiện trên mặt báo. Điều này đặc biệt nhiều đối với các tin tức thuộc lĩnh vực giải trí và không hiếm vụ việc báo chí “hớ to” khi đưa tin những ngôi sao giải trí “xuất hiện trong phim bom tấn”; “nhận giải thưởng A, B danh giá”…và cuối cùng bị chính độc giả chỉ ra đó là “tin vịt”.
Xã hội vẫn luôn cần nhà báo
Sai sót trong tác nghiệp báo chí thời nào cũng có. Câu chuyện về thông tin “ăn bưởi gây ung thư” hay thông tin “nước mắm nhiễm asen” cách nhau 9 năm (2007 và 2016) là ví dụ. Nhìn lại những quyết định xử phạt báo chí thời gian gần đây cho thấy báo chí không chỉ bị xử phạt những sai sót về chính trị, mà còn bị phạt những hành vi tác nghiệp không đúng quy chuẩn đạo đức nghề báo, hoặc đưa thông tin sai sự thật, vô trách nhiệm, vi phạm các quyền nhân thân… Điều đó cho thấy, cách làm báo có phần cẩu thả, vội vàng đã và đang gây tác hại đối với xã hội, với tòa soạn và chính bản thân phóng viên.
Chia sẻ với người viết bài này, Chủ tịch Hội đồng quản trị một doanh nghiệp cơ khí đã nói rằng, báo chí hiện nay chưa gây được lòng tin với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thậm chí một số chủ doanh nghiệp còn e ngại rằng "báo chí là con dao hai lưỡi", khi họ gặp khó khăn thì không được trợ giúp gì nhiều, nhưng khi phạm lỗi thì có rất nhiều tờ báo đến săn tin, có khi còn thổi phồng sự việc không đúng với sự thật để gây sự chú ý trong dư luận.
Ông này cũng nhận xét, nhiều phóng viên chưa trang bị đủ kiến thức cần thiết cũng như chưa tìm hiểu hết bản chất của vấn đề nên còn có những bài báo ngô nghê, đặc biệt với những vấn đề cần sự chuyên sâu. Vừa là độc giả, vừa là chủ một doanh nghiệp, ông nói rằng điều ông cần ở báo chí bây giờ là cập nhật kịp thời thông tin các chính sách mới của Nhà nước để doanh nghiệp nắm bắt thực hiện, giúp họ không vi phạm pháp luật; giúp các doanh nghiệp phản ánh những bức xúc trong môi trường kinh doanh và cần hơn nữa là báo chí nên thông qua các tổ chức hiệp hội để tìm hiểu thực trạng của doanh nghiệp theo từng nhóm ngành nghề, để từ đó có cái nhìn rõ nét về đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp.
Từ những mong muốn của độc giả nói trên có thể thấy bất chấp việc mạng xã hội và các công cụ truyền thông trên internet phát triển như vũ bão thì độc giả vẫn cần những thông tin trung thực, đáng tin cậy từ báo chí. Luật Báo chí năm 2016 cũng khẳng định: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân”.
Điều này đòi hỏi mỗi phóng viên khi tác nghiệp phải biết lựa chọn, chắt lọc và kiểm chứng thông tin. Bởi, thực tế hiện nay những thông tin từ mạng xã hội, thậm chí có thể được cung cấp từ một cơ quan, tổ chức…vẫn có thể là những cái “bẫy thông tin” sai sự thật phục vụ cho một chủ đích nào đó. Và nói như ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) trên một tờ báo rằng: “Ngày nay, tuy chúng ta ngập trong một biển thông tin, nhưng làm thế nào để có hành vi, thái độ nhìn nhận đúng đắn trước một sự vật hiện tượng thì người ta luôn cần những con người đi thu lượm, phân tích và xử lý thông tin một cách đúng đắn, có trách nhiệm. Nếu như nhà báo làm tốt việc này, xã hội luôn luôn cần nhà báo”.