Báo chí cách mạng Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng. Nhà báo là chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT TƯ, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Thực tiễn cách mạng trong 90 năm qua đã khẳng định: Báo chí không chỉ là một trong những công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước, góp sức tuyên truyền, thức tỉnh, giác ngộ quần chúng đoàn kết nhằm đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Báo chí còn là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam đã tổng kết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết”. Bác coi người làm báo là “chiến sĩ cách mạng”.
Phấn đấu theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển báo chí cách mạng, hệ thống báo chí nước ta gần 30 năm đổi mới đất nước vừa qua đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Có thể khái quát ở mấy điểm cơ bản như sau:
1. Tăng loại hình (đủ cả 4 loại hình: báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử).
2. Tăng số lượng cơ quan báo chí.
3. Tăng số đầu báo, tạp chí, kênh phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản, nhà in sách báo, ấn phẩm.
4. Tăng chất lượng nội dung, hình thức; công nghệ in ấn, truyền tải thông tin.
5. Tăng số lượng, phạm vi phát hành, phạm vi phủ sóng.
6. Tăng số lượng nhà báo và đội ngũ những người làm việc trong các cơ quan báo chí.
7. Tăng số lượng công chúng báo chí.
8. Tăng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật…
Tính đến tháng 5/2015, cả nước có hơn 840 cơ quan báo chí, hơn 17.000 người được cấp thẻ nhà báo, hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, nghệ sĩ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục ngàn người khác là cộng tác viên, nhân viên, người lao động tham gia các công đoạn in ấn, tiếp thị, quảng cáo, phát hành, sống chủ yếu bằng dịch vụ nghề báo.
So với năm 1986, thời điểm đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới thì số lượng các cơ quan báo chí, số lượng báo, đài, tạp chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay tăng từ 3 đến 4 lần; nếu so với năm 2001, các chỉ số này tăng từ 1,3 đến 1,5 lần.
Báo chí nước ta đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia định hướng dư luận xã hội; đấu tranh phê phán những thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.
Bám sát đặc trưng là một bộ phận xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, báo chí cách mạng Việt Nam những năm đổi mới và hội nhập vừa qua đã thực hiện tốt: Chức năng thông tin; chức năng định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng; Chức năng văn hóa, giáo dục; Chức năng giám sát, phản biện xã hội; Chức năng giải trí…
Cố gắng nổi bật của đông đảo người làm báo trong những năm qua là thể hiện rõ trách nhiệm xã hội trong việc cung cấp thông tin trung thực, khách quan, bảo đảm tính định hướng và tính giáo dục, có tác động trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người dân; góp phần nâng cao dân trí và sự hiểu biết của nhân dân về những chủ trương chính sách đối nội, đối ngoại cụ thể, góp sức xây dựng, điều chỉnh nhận thức, quan niệm, thái độ và hành vi đúng đắn của con người trong xây dựng cộng đồng, xã hội.
Cũng thông qua những thông tin cập nhật, trung thực, báo chí đã thể hiện trách nhiệm củng cố và giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội; tham gia đấu tranh chống những mưu toan của các thế lực cơ hội chính trị, phản động lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền để xuyên tạc sự thật, gây thù hận, chia rẽ, làm suy giảm sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nhằm kích động bạo lực kết hợp thực hiện lật đổ chính quyền, phá hoại đời sống bình yên của nhân dân, cản trở sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Một trong những nhiệm vụ thời sự nổi bật mà báo chí đã hoàn thành tốt trong thời gian qua là đã kịp thời thông tin những vấn đề hệ trọng của đất nước, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân trong đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia; tiếp tục phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, giá trị nhân văn mới; các điển hình tiên tiến, các tập thể và cá nhân trong các phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội…; đặc biệt là chú ý tuyên truyền và nhân rộng những tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời báo chí cũng đã tích cực phát hiện, phê phán các hành vi tiêu cực, thoái hóa, biến chất, tham nhũng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; các tệ nạn xã hội…, đang là những vấn đề bức xúc gây lo lắng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần làm lành mạnh đời sống xã hội…
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được nêu trên, hoạt động báo chí ở nước ta trong thời gian qua cũng bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm mà Chỉ thị 22-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII, Thông báo kết luận 162-TB/TW của Bộ Chính trị khóa IX, Thông báo kết luận số 41-TB/TW của Bộ Chính trị khóa X, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI và một số văn kiện khác của Đảng, Nhà nước đã chỉ ra.
Đó là, một bộ phận không nhỏ người làm báo, kể cả một số cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chi chưa quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về báo chí, về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo. Đâu đó đã xuất hiện những bài viết vô tình hay cố ý đi chệch định hướng chính trị, gây hoài nghi, hoặc phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; tán thành, cổ vũ quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; đưa thông tin không đúng, thậm chí xuyên tạc lịch sử…
Nguyên nhân của thực trạng ấy là một số cơ quan báo chí chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương, đoàn thể mình; chưa quan tâm đúng mức việc nêu gương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Trong thông tin một số vụ việc nhạy cảm, đã không chú ý cân nhắc liều lượng, mức độ, thời điểm, tiêu đề bài viết,.. tạo kẽ hở cho kẻ địch lợi dụng thổi phòng, xuyên tạc, kích động….
Tình hình trong nước, khu vực và quốc tế hiện nay cùng với những thuận lợi, đi liền sự biến động phức tạp, khó lường. Những người làm báo cần nhận thức sâu sắc hơn nhiệm vụ quan trọng hiện nay là góp sức tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ; động viên, phát huy tiềm năng, sức mạng của toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng xây dựng và phát triển đất nước bền vững.
Để đạt được mục tiêu đó, báo chí cần nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bám sát nhiệm vụ của công tác tư tưởng trong từng thời gian, coi trọng hơn nữa việc tuyên truyền, cổ vũ những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới hội nhập; gắn với việc phê phán các hành vi tham nhũng, quan liêu, các tệ nạn xã hội… Đòi hỏi của Đảng và nhân dân hiện nay là đội ngũ báo chí cần phát huy hơn nữa những ưu điểm đã có, khắc phục nhanh những yếu kém, khuyết điểm; nâng cao tính tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động; về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ; thực hiện nghiêm túc những định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về sắp xếp lại hệ thống báo chí theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp thực tiễn hiện nay.
Từ thực tiễn hoạt động báo chí cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua, nhất là từ thời kỳ đổi mới đất nước đến nay, có thể nhấn mạnh một số kinh nghiệm nổi bật như sau:
1. Báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước - như đã khẳng định trong Luật Báo chí. Thực tiễn cho thấy, ngành nào, cơ quan nào, địa phương nào thấu suốt điều quan trọng này thì báo chí ở đó phát triển đúng hướng và tích cực, nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ rộng rãi của công chúng. Trong thành công đó cần nhấn mạnh vai trò chỉ đạo thường xuyên, cụ thể của cấp ủy và chính quyền, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với mọi hoạt động của cơ quan báo chí dưới quyền.
2. Đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo - nhân tố quyết định tính chính trị, tính thuyết phục, tính hiệu quả xã hội của mỗi sản phẩm báo chí. Điều đó cần được thể hiện trước hết trong việc tuyên truyền những vấn đề thời sự nhạy cảm, với việc quyết định chọn lựa vấn đề, liều lượng, mức độ, thời điểm thông tin nhằm đáp ứng đúng và trúng lợi ích của quốc gia, dân tộc.
3. Phát huy hơn nữa vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam các cấp trong việc đoàn kết, tập hợp, giáo dục hội viên nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp của người cầm bút. Cách đây hơn 10 năm, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 37; Hội Nhà báo Việt Nam đã thông qua Quy ước đạo đức nghề nghiệp - đó là những văn bản quan trọng, mà đến hôm nay vẫn giữ nguyên tính thời sự - chính trị; là chỗ dựa để các cấp hội và từng cơ quan báo chí tiếp tục triển khai các hoạt động, tạo nên bước phát triển mới của mỗi cơ quan báo chí theo hướng coi trọng chất lượng và hiệu quả.
*Tiêu đề do BBT đặt
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật TW