Rất nhiều tờ tin tức quốc tế đánh giá tích cực về tầm ảnh hưởng lớn của thiền sư Thích Nhất Hạnh và bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc về người đã "thay đổi cách thế giới thực hành Phật giáo".
Sáng 22/1, Hoà thượng Thích Huệ Phước, Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch vào 0h ngày 22/1 tại Tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, Thừa Thiên - Huế) trụ thế 95 năm.
New York Times - tờ báo uy tín của Mỹ nhận định, thiền sư Thích Nhất Hạnh là người có ảnh hưởng lớn đến việc thực hành Phật giáo phương Tây. Tờ báo cho biết, ông là một trong những thiền sư có ảnh hưởng nhất thế giới, giúp truyền bá thông điệp về chánh niệm, từ bi và bất bạo động.
Hãng tin AP (Mỹ) đã gọi ông là “vị thiền sư đáng kính, người đã đi tiên phong trong khái niệm chánh niệm ở phương Tây và Phật giáo gắn bó với xã hội ở phương Đông”.
Tờ Guardian của Anh cũng dành nhiều lời ngợi ca cho vị thiền sư, coi ông như "một nhà lãnh đạo tinh thần trong việc phản đối chiến tranh Việt Nam".
Tờ báo này đã dẫn câu chuyện về cuộc gặp giữa thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư Martin Luther King, một nhà lãnh đạo dân quyền, vào thời điểm cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang rất căng thẳng trong những năm 1960.
Mục sư King đã gọi thiền sư Thích Nhất Hạnh là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động”, đồng thời đề cử giải Nobel Hòa bình cho ông.
“Cá nhân tôi không biết có ai xứng đáng với giải Nobel Hòa bình hơn một nhà sư Phật giáo hiền lành đến từ Việt Nam này", mục sư King viết trong lá thư đề cử của mình.
Nhà sư Haenim Sunim, người từng là phiên dịch của thiền sư Thích Nhất Hạnh khi ông tới hoằng pháp tại Hàn Quốc cho biết. "vị thiền sư rất điềm tĩnh, chu đáo và yêu đời".
“Ông ấy giống như một cây thông lớn, cho phép nhiều người ngồi nghỉ dưới tán cây của mình để nghe những lời dạy tuyệt vời về chánh niệm và lòng từ bi. Ông là một trong những người tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp”, Haemin Sunim nói với Reuters.
Hãng thông tấn AFP của Pháp ca ngợi thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhà Phật giáo có ảnh hưởng lớn, được ghi nhận công lao mang “chánh niệm” tới phương Tây.
Chánh niệm là biết rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra.
"Khi nắm tay một em bé, ta hãy để tâm một trăm phần trăm vào bàn tay em. Khi ôm người thương trong vòng tay cũng thế. Hãy thực sự hiện diện, thực sự tỉnh thức", thiền sư viết trong cuốn sách "Quyền lực đích thực". Ông cho rằng thực hành chánh niệm giúp nhận diện niềm đau nỗi khổ và chuyển hóa chúng.
AFP dẫn lời Tran Thi My Thanh, người yêu mến thiền sư, trải lòng: "Thầy dạy chúng tôi cách yêu mọi người, yêu bản thân và yêu thiên nhiên".
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Thừa Thiên - Huế, là nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Phật giáo có tầm ảnh hưởng quốc tế. Ngày 1/5/1966 tại chùa Từ Hiếu, thiền sư Chân Thật trao ấn khả cho Thích Nhất Hạnh để từ đây ngài trở thành một thiền sư (thầy dạy về thiền).
Những năm tháng sống ở nước ngoài, ông đã thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp và nhiều trung tâm tu học khác tại Mỹ, Đức, Hong Kong, Thái Lan. Sau hơn 40 năm kể từ khi rời Việt Nam, thiền sư trở về quê nhà hoằng pháp lần đầu tiên vào năm 2005 và sau đó là vào năm 2007, 2008...
Năm 2017, thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Thái Lan trở về tổ đình Từ Hiếu tịnh dưỡng và lưu trú. Ông còn ra nước ngoài một số lần. Ngày 5/1/2020, ông trở về Tổ đình Từ Hiếu để tĩnh dưỡng và ở đó cho đến ngày mất.
Trước đó, tháng 11/2014, thiền sư Thích Nhất Hạnh gặp một biến cố về sức khỏe, được chẩn đoán là tai biến mạch máu não. Sau đó, thiền sư đã được đưa sang Mỹ điều trị, sự phục hồi sức khỏe của thiền sư được cho là “kỳ diệu”.
Theo Ban Giám tự Tổ đình Từ Hiếu, tang lễ của thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được tổ chức đơn giản, theo hình thức tâm tang, không có các ban như đám tang thông thường.