Báo chí luôn đặt lợi ích đất nước, nhân dân lên hàng đầu

Nam Phương| 21/06/2022 14:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhìn lại hoạt động báo chí trong nhiệm kỳ vừa qua, điều khiến ông Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, tâm đắc nhất là “chúng ta đang có một một nền báo chí luôn đặt lợi ích đất nước, nhân dân lên hàng đầu, lấy đó làm tâm nguyện làm nghề…”.

Tinh thần dấn thân, quả cảm, năng động sáng tạo

 Trong bối cảnh dịch COVID-19 hai năm qua, báo chí là một trong bốn lực lượng ở tuyến đầu. Cả hệ thống báo chí đã vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc.” Các tòa soạn làm việc ngày đêm, ở đâu có hoạt động chống dịch, ở đó có phóng viên báo chí. Nhìn vào “bảng vàng” các giải báo chí quy mô quốc gia, rất nhiều giải thưởng lớn đã được trao cho các tác phẩm báo chí về đề tài chống dịch như “Đại dịch COVID-19: Thách thức và cơ hội” của tác giả Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (Báo Nhân Dân) đạt giải A Giải báo chí quốc gia 2021; “Cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân đồng lòng chống dịch COVID-19” của nhóm tác giả Thông tấn xã Việt Nam đạt giải A Giải Búa liềm vàng 2020…

le-quoc-minh.jpg
Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Nhìn lại hoạt động báo chí trong nhiệm kỳ vừa qua, điều khiến ông Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, tâm đắc nhất là “chúng ta đang có một một nền báo chí luôn đặt lợi ích đất nước, nhân dân lên hàng đầu, lấy đó làm tâm nguyện làm nghề. Dù làm việc trong điều kiện chống dịch nghiêm ngặt và bản thân các cơ quan báo chí cũng gặp khó khăn gay gắt về tài chính, nguồn thu giảm mạnh… song lực lượng báo chí không hề lùi bước. Không có cơ quan báo chí nào đứng ngoài cuộc.” Ông Hồ Quang Lợi cho rằng báo chí chính thống không chỉ “dẹp loạn” tin giả mà còn tạo được sự áp đảo đối với thông tin không chính thống, hiên ngang đấu tranh với những tiêu cực trong đời sống xã hội.

Các tác phẩm báo chí mang tính chất phát hiện, là bước khởi đầu cho những cuộc điều tra sâu rộng, sau đó đã phanh phui được vụ án vô cùng nghiêm trọng, gây thất thoát cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, như vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung. Không những thế, báo chí còn theo đuổi đến cùng, làm sáng tỏ các vụ việc, không ngại “vùng cấm”…

Có thể khẳng định rằng, với trách nhiệm xã hội hết sức to lớn, trong những năm qua, báo chí đã tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo. Báo chí vừa tuyên truyền, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về đấu tranh chống tham nhũng, vừa trực tiếp tham gia vạch trần không ít vụ án tham nhũng, tiêu cực, cung cấp nhiều thông tin quan trọng để cơ quan chức năng lấy làm căn cứ vào cuộc điều tra.

Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do  Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức là minh chứng thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, của nhân dân đối với báo chí trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng; vừa tạo thêm động lực để báo giới tiếp tục sự nghiệp cao cả của mình.

Trong những năm qua, hàng loạt tác phẩm báo chí lớn về đề tài chống tham nhũng, lãng phí đã ra đời và được tôn vinh. Ở mùa giải đầu tiên, đã có 1.126 tác phẩm gửi về tham dự giải. Ở mùa giải thứ hai của Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” chứng kiến một cuộc “bứt tốc” về chất lượng các tác phẩm dự giải. Năm 2021, mùa giải thứ ba, mặc dù gặp nhiều tác động của dịch bệnh, song vẫn có hơn 1.181 tác phẩm của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương gửi dự thi.

Nhiều nhà báo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; vượt qua mọi cám dỗ, cạm bẫy và nỗi lo “cơm áo” thường ngày để dấn thân theo sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

img_1745-1424.jpg
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Trên cơ sở đó, báo chí góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Trước những thành tựu đó, ông Hồ Quang Lợi bày tỏ: “Tôi rất tự hào vì những điều đó khi cảm nhận được rõ nét là tinh thần dấn thân, quả cảm, năng động sáng tạo của các đồng nghiệp trên khắp đất nước.”

Chuyển đổi số đang và sẽ mang lại cơ hội cho báo chí

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhà báo Hồ Quang Lợi ghi nhận đôi khi báo chí xuất hiện những thông tin thiếu chính xác, nhưng ngay sau đó đã kịp thời được chấn chỉnh, sửa chữa. Từng có một vài nhà báo lên mạng xã hội phát biểu thiếu xây dựng, sau đó đã được yêu cầu xử lý nghiêm. Ông khẳng định tin giả rất khó tác oai tác quái, vì thông tin chính thống luôn kịp thời, chính xác và hiệu quả. Đó là nhờ “báo chí cống hiến, báo chí dấn thân.”

pv-tac-nghiep-giua-mua-dich-covid-19-1.jpg
Phóng viên tác nghiệp trong mùa dịch

Chính trong bối cảnh nhiều thách thức, các tòa soạn đã có những bứt phá mạnh mẽ về mặt công nghệ để phục vụ các nhiệm vụ chống dịch đột xuất. Thực tế, nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng thành công mô hình tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện. Phóng viên ra hiện trường có thể chủ động tác nghiệp đa dạng, vừa chụp ảnh, viết bài cho báo in đồng thời làm chương trình phát thanh-truyền hình và báo điện tử…

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng chuyển đổi số đang và sẽ mang lại cơ hội chưa từng có, mở ra chân trời phát triển mới cho hoạt động báo chí. Nhờ có chuyển đổi số, các sản phẩm báo chí sẽ ngày một đa dạng, phong phú và chất lượng hơn. Chuyển đổi số còn giúp tăng mạnh mẽ tính tương tác giữa người làm báo với công chúng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách. Ngoài ra, chuyển đổi số sẽ giúp công tác điều hành cơ quan báo chí cũng như ở các cấp Hội Nhà báo nhanh, trực tiếp và hiệu quả hơn.

Thế nhưng, ông Lợi cũng thừa nhận rằng đó là những tín hiệu vui song chưa đủ, bởi báo chí thế giới liên tục chuyển đổi từ phương thức này sang phương thức khác, từ chiến lược ưu tiên website (web-first) đến thiết bị di động (mobi-first) rồi tới ưu tiên cho thông tin lên mạng xã hội (social-first), chuyển từ chiến lược tăng lượng truy cập sang tăng mức độ tương tác rồi đến thu hút sự trung thành của độc giả để biến sự trung thành đó thành việc đăng ký thuê bao trả phí lâu dài. Rồi các xu hướng báo chí di động, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo…

Ở Việt Nam, cơ quan báo chí có 3 nguồn thu chủ yếu là phát hành, bán sản phẩm báo chí, đăng quảng cáo và từ tổ chức sự kiện, cung ứng các dịch vụ xã hội, trong đó, nguồn thu lớn nhất từ đăng quảng cáo. Khi chưa có dịch COVID-19, tạo được nguồn thu từ quảng cáo cũng đã là khó khăn với nhiều cơ quan báo chí, nay thì khó khăn gấp bội. Nguyên nhân lớn nhất là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, do đó ít có nhu cầu và kinh phí cho quảng cáo, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tái sản xuất các sản phẩm báo chí.

Về phương hướng hoạt động sắp tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, cải thiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm báo trong thực hiện chuyển đổi số, làm chủ công nghệ để tỏ rõ sức mạnh, vai trò của báo chí với mạng xã hội, các nền tảng khác.

1592548924000_7_dsc0193.jpg
Khách tham quan Bảo tàng báo chí Việt Nam

Hội Nhà báo Việt Nam cũng sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí; trong đó có việc tổ chức các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, xây dựng các chính sách đề nghị Chính phủ hỗ trợ báo chí thực hiện tốt chuyển đổi số.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Lê Quốc Minh khẳng định, nhiệm kỳ mới, hội sẽ đổi mới hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại mới trên mọi phương diện. Cụ thể, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tuyên truyền cổ vụ việc thực hiện các nghị quyết của Đảng; triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động báo chí; xây dựng bộ máy công tác Hội các cấp ngày càng phát triển; thực hiện công tác quản lý báo chí, bảo vệ quyền lợi của hội viên; tập trung nâng cao phẩm chất, năng lực của hội viên; tăng cường hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế; tăng cường các hoạt động xã hội, nêu cao tinh thần nhân văn của người làm báo cách mạng, tạo sự lan tỏa tốt đẹp trong xã hội…


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí luôn đặt lợi ích đất nước, nhân dân lên hàng đầu