Báo chí cần góp phần đổi mới nhận thức xã hội, tạo nên đồng thuận với doanh nghiệp, doanh nhân

Ngọc Mai| 11/06/2016 08:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại buổi tiếp Đoàn các nhà báo tham gia chương trình báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân lần thứ 2 diễn ra chiều 10/6, tại Trụ sở Chính phủ.

Tham dự buổi tiếp còn có nhà báo Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các nhà báo, doanh nghiệp.

Báo chí cần góp phần đổi mới nhận thức xã hội, tạo nên đồng thuận với doanh nghiệp, doanh nhân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp gỡ đoàn nhà báo tham dự Chương trình Nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp

Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi tới các nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.

Đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Thủ tướng khẳng định, trong suốt chiều dài phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam nói chung và 30 năm Đổi mới nói riêng, báo chí nước ta đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Báo chí đã góp phần to lớn trong việc tạo đồng thuận xã hội về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, qua đó kịp thời phản ánh những đề xuất từ thực tiễn cuộc sống để Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành, điều chỉnh chủ trương, giải pháp. Báo chí cũng đã có nhiều đóng góp hết sức quan trọng trong nhiều lĩnh vực xã hội, phản ánh nhiều vấn đề bức xúc, được dư luận quan tâm và nhất là trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thủ tướng nhấn mạnh, trong một xã hội công khai, dân chủ, tiếng nói của báo chí truyền thông càng quan trọng. Tiếng nói của báo chí là tiếng nói của công luận, đây cũng chính là sức mạnh của báo chí.

Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, báo chí là một kênh thông tin quan trọng để DN hoạch định chiến lược và mô hình kinh doanh, lựa chọn lĩnh vực đầu tư, đưa DN phát triển, có chỗ đứng vững chắc trên thương trường. Do vậy, báo chí phải góp phần phản ánh thông tin để Chính phủ kịp thời có điều chỉnh quyết sách phù hợp. Thủ tướng mong báo chí Việt Nam hỗ trợ, đưa DN Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thương trường, phát triển thương hiệu Việt Nam lớn mạnh. 

“Mục đích của cuộc gặp gỡ này là thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp, sự hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau giữa báo chí và doanh nghiệp vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước”, Thủ tướng nêu rõ.

Để báo chí tiếp tục đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp trên con đường phát triển đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một số nhiệm vụ đối với các nhà báo, cơ quan báo chí.

Trước hết, thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí, bảo đảm thông tin nhanh nhạy, khách quan, trung thực, luôn theo sát từng biến động trong dòng chảy đời sống, nhất là đời sống kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hai là, thực hiện tốt vai trò cầu nối của báo chí, kịp thời chuyển tải thông tin, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhắc lại chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, nhưng Thủ tướng cho rằng cũng cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật. “Các đồng chí xem nếu hoạt động đổ thải ra môi trường, gây thiệt hại lớn cho đất nước, hay các hoạt động không có trách nhiệm với xã hội, gây chết người thì thế nào, cũng cần phải xử lý hình sự”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng mong muốn báo chí cần làm tốt hơn vai trò là diễn đàn chia sẻ với doanh nghiệp về những khó khăn, trở ngại, phiền hà đối với quá trình sản xuất, kinh doanh; cổ vũ, động viên các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy sáng tạo; phát hiện, biểu dương những điển hình, nhân tố mới, sản phẩm tốt đồng thời phát hiện, phê phán tiêu cực, sai trái, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh.

“Nếu sản phẩm không tốt thì làm sao ủng hộ được”, Thủ tướng nói và cho rằng, báo chí cần tiếp tục đóng góp để thực hiện thông điệp Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 35 là tạo động lực mới cho doanh nghiệp phát triển. Thông điệp đó cần được chuyển tải mạnh mẽ trong xã hội, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp mới, để đến năm 2020, có khoảng 1 triệu doanh nghiệp.

Báo chí cũng cần góp phần đổi mới nhận thức xã hội, tạo nên sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân, tôn vinh, động viên doanh nhân đóng góp tài năng xây dựng đất nước. Cho rằng, doanh nghiệp có nhiều mối lo như lo cho người lao động, sản phẩm, phát triển ổn định…, Thủ tướng chia sẻ “đó là những mối lo lớn lao mà chúng ta cần tôn trọng, làm cho xã hội hiểu, đừng tạo rào cản để doanh nghiệp yên tâm”.

Thủ tướng cho rằng, cuộc gặp gỡ báo chí-doanh nghiệp hôm nay mới chỉ là sự khởi đầu, hai bên cần tiếp tục giao lưu, tìm hiểu, trao đổi thông tin với nhau một cách thẳng thắn, chân thành, cởi mở.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tốt hơn, thường xuyên hơn. “Tôi mong rằng thời gian tới, báo chí và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, hợp tác, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, vì lợi ích chung của cộng đồng, vì thương hiệu doanh nghiệp, vì sản phẩm Việt Nam, để cùng phát triển đất nước chúng ta”.

Các Nhà báo và doanh nghiệp có mặt tại buổi tiếp phát biểu khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ gắn bó, đồng hành giữa doanh nghiệp và các cơ quan báo chí. Báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng, là nguồn cảm hứng dể sáng tạo tác phẩm. Các đại biểu nhấn mạnh đến vai trò của báo chí là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp với nhà nước và cộng đồng. Thông qua cơ quan báo chí, phản biện một cách kịp thời về các chính sách, giúp cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn. Báo chí hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin về thị trường, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình và giúp doanh nghiệp khắc phục những hạn chế, yếu kém của mình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, để thông tin trên báo chí về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng chất lượng và có hiệu quả, báo chí và doanh nghiệp đều cần hướng tới tính chuyên nghiệp trong việc cung cấp thông tin và xử lí thông tin; đồng thời cần tăng thêm sự chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn mới, nhà báo cần nâng cao tính chủ động, thượng tôn pháp luật, hướng doanh nghiệp vào những hoạt động kinh doanh đúng đắn, tuân thủ pháp luật. Phát hiện tiêu cực của xã hội, đồng thời ngăn chặn những hành vi vi phạm của cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí cần góp phần đổi mới nhận thức xã hội, tạo nên đồng thuận với doanh nghiệp, doanh nhân