Báo cáo của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chung chung, giải pháp không xác đáng

Thu Phương| 24/09/2016 16:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Là ý kiến nhiều đại biểu đưa ra tại phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Pháp luật khi tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016, diễn ra chiều 23/9.

Báo cáo của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chung chung, giải pháp không xác đáng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Phiên họp do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì.

Tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm

Báo cáo về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2016, Phó Tổng thanh tra Chính Phủ Đặng Công Huẩn cho biết, trong năm 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2015. Số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 5,4% và số đoàn đông người giảm 9,6%; tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 10,6%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 8,6% so với cùng kỳ 2015. Cụ thể, về khiếu nại, cả nước phát sinh 63.492 đơn khiếu nại, trong đó có 29.323 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước. Về tố cáo, cả nước phát sinh 17.233 đơn khiếu nại, trong đó có 7.716 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thời gian qua đã được các cấp, các ngành tập trung triển khai đạt nhiều kết quả; trách nhiệm của địa phương, bộ ngành trong công tác khiếu nại, tố cáo tiếp tục được nâng lên; các vụ việc phức tạp, điểm nóng được dư luận quan tâm đặc biệt được xử lý kịp thời, hiệu quả.

Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016 cho thấy, trong năm 2016, cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được 29.117/37.039 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 78.6%. Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân gần 486,8 tỷ đồng, 42 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 2.002 người; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 477 người (đã xử lý được 329 người); chuyển cơ quan điều tra 08 vụ, 05 đối tượng.

Cho rằng Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá toàn diện tình hình khiếu nại, tố cáo ở nước ta, Ủy ban Pháp luật đánh giá trong thời gian qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã từng bước đáp ứng được yêu cầu, đạt được nhiều kết quả tích cực, tình hình khiếu nại, tố cáo giảm so với các năm trước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế- xã hội, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Không làm rõ nguyên nhân, giải pháp không xác đáng

Tại phiên họp, các đại biểu đều nhận định, mặc dù tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là các đoàn khiếu nại tố cáo đông người, vượt cấp. Cùng với đó, một số ít địa phương chưa thực hiện đầy đủ lịch tiếp công dân; hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo một số nơi chưa cao…

Ngoài những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Chính phủ đề cập trong báo cáo, Ủy ban Pháp luật cũng chỉ ra một số tồn tại, yếu kém như: việc tổ chức tiếp công dân còn mang tính hình thức, việc phân loại đơn, thư chưa chính xác dẫn đến việc ra văn bản giải quyết chưa đúng thể thức, hồ sơ giải quyết vụ việc chưa đầy đủ; quá trình giải quyết chưa thật sự kiên quyết dẫn đến thời gian giải quyết còn kéo dài; quy trình xử lý về công tác khiếu nại, tố cáo vẫn còn rườm rà...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức nhận định, trong báo cáo của Chính phủ còn chung chung, chưa cụ thể rõ có bao nhiêu vụ giải quyết đúng, bao nhiêu vụ giải quyết sai; khiếu nại, tố cáo tăng, giảm ở địa phương, lĩnh vực nào; bao nhiêu vụ phải giải quyết lần 2… Bên cạnh đó, 4 nguyên nhân, 5 nhóm giải pháp và 2 kiến nghị mà Chính phủ đưa ra còn chung chung. Đặc biệt, báo cáo chưa xác định rõ đâu là giải pháp trọng tâm, đâu là giải pháp thường xuyên, trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác này như thế nào.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với đánh giá với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, cho rằng những nguyên nhân trong báo cáo của Chính phủ còn chung chung, khái quát và đặc biệt nhấn mạnh, 2 kiến nghị mà Chính phủ đưa ra không hề liên quan đến những nguyên nhân được đề cập. Theo các đại biểu, nếu không xác định được rõ nguyên nhân thì không thể đưa ra giải pháp, cũng như kiến nghị xác đáng để giải quyết hiệu quả vấn đề này. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ rõ, đâu là những nguyên nhân mới, đâu là những nguyên nhân đã tồn tại, không thể giải quyết trong nhiều năm để có hướng giải pháp rõ ràng, kịp thời.

Để công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đi vào chiều sâu, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp thu những ý kiến tại phiên họp, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo và cả nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong giải quyết vấn đề này. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo tính chính xác về số liệu trong báo cáo, đưa ra dự báo cụ thể về tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới để chuẩn bị và kiểm soát được tình hình , đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, tại phiên họp các đại biểu cũng nêu rõ, hiện nay tình trạng tố cáo sai xảy ra còn rất nhiều, cụ thể, trong năm 2016, có đến 4.194 vụ tố cáo sai (chiếm 65.6%), trong khi đó tố cáo đúng chỉ có 622 vụ (chiếm 9,7%). Để nâng cao chất lượng của Báo cáo, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần bổ sung thêm vấn đề này vào Báo cáo của mình, nêu rõ kết quả xử lý và kiến nghị xử lý đối với các trường hợp tố cáo sai để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi đi khiếu nại, tố cáo. Báo cáo cũng cần chỉ rõ có bao nhiêu bao nhiêu vụ giải quyết sai có tính chất chủ quan để có hình thức kiểm điểm cá nhân, cơ quan làm sai, góp phần xoa dịu nỗi bức xúc, tạo niềm tin ở người dân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo cáo của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chung chung, giải pháp không xác đáng