Bánh chưng ngày Tết cổ truyền của dân tộc

Hà Phương| 18/02/2015 12:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tương truyền có từ thời vua Hùng thứ 6, bánh chưng song hành cùng lịch sử dân tộc và trở thành linh hồn ngày Tết ở Bắc Bộ.

Trong mâm cỗ đón xuân ngày nay, những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa.

Bánh chưng ngày Tết cổ truyền của dân tộc

Câu đối đặc trưng cho Tết cổ truyền: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” đã từng đồng hành với biết bao thế hệ người Việt Nam ta mỗi độ xuân về.

Bánh chưng ngày Tết cổ truyền của dân tộc

Bánh chưng được làm từ các nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói trong lá dong... Bánh được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch (ngày giổ tổ Vua Hùng).

Bánh chưng ngày Tết cổ truyền của dân tộc

Những người từng trải qua những cái Tết xưa (những năm 40-50 của thế kỷ trước) thường nhớ về Tết cổ truyền với những chiếc bánh chưng được chọn lựa cầu kỳ từ hạt nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, từ chiếc lá dong cho tới cọng lạt tre.

Với những ai trải qua những cái Tết trong chiến tranh, và cả những năm còn trong thời kỳ bao cấp, nồi bánh chưng gợi lại cho họ kỷ niệm khó quên một thời khó khăn, thiếu thốn.

Bánh chưng ngày Tết cổ truyền của dân tộc

Ngày nay, đối với những bạn trẻ sinh vào nửa sau thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tục nấu bánh chưng ngày Tết có vẻ như chỉ còn là một nghi thức. Thế hệ 9X sống tại các thành phố lớn dường như không có được cái cảm giác náo nức đêm giao thừa ấm cúng quây quần quanh nồi bánh chưng với gia đình.

Hiện nay, bánh chưng cho ngày Tết được mua tại các siêu thị, cửa hàng hoặc qua hình thức cung ứng dịch vụ. Ở nông thôn, hương vị Tết còn cảm nhận được phần nào qua nồi bánh chưng Tết.

Không khí ngày Tết bây giờ không còn thấy cảnh các bà các chị tất bật những ngày giáp tết, nào rửa lá dong, nào ngâm gạo hay đãi đỗ, cảnh trẻ con mặt mũi háo hức ngồi xem bố mẹ gói bánh, cảnh già trẻ lớn bé ngồi trông nồi bánh chưng qua đêm, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng.

Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...

Truyền thống vẫn còn đó, nhưng dường như không còn mấy nguyên vẹn, công cụ để nấu chín chiếc bánh chưng ngày nay có nơi, có chỗ bị thay thế bằng nồi áp suất hoặc lửa ga. Dù sao thì Tết đến, xuân về, hình ảnh những chiếc bánh chưng vẫn nhắc nhở mỗi người chúng ta về giá trị dân tộc truyền thống …

Bánh chưng ngày Tết cổ truyền của dân tộc

Thời nay, những nguyên liệu làm bánh chưng vẫn vậy: vẫn gạo nếp, đậu xanh, nhân thịt, lá dong. Bánh muốn ngon thì phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo, gạo ngâm đãi thật kỹ, đậu xanh đồ vừa chín tới, thịt có cả nạc, bì, mỡ, ướp đủ gia vị, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh.

Để chiếc bánh vuông đẹp, "chín rền" thì lúc gói phải “đỗ trong gạo, gạo trong lá”, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu, miếng bánh sau khi khi cắt nhân đỗ, thịt nạc luôn cân đối ở tất cả các phần. Tết cổ truyền và hình ảnh những chiếc bánh chưng xanh là nét đẹp truyền thống văn hoá dân tộc Việt.

Bánh chưng ngày Tết cổ truyền của dân tộc

Qua hình dáng chiếc bánh chưng, bánh dày, không thể không liên tưởng đến ý nghĩa của hai chữ "vuông tròn" trong ngôn ngữ ta.

Xuất phát từ quan niệm nguyên thuỷ về sự sinh thành, tổ tiên ta đã khéo lựa chọn hai thứ phẩm vật tượng trưng dùng trong việc cúng lễ trời đất, ông bà đã nhắc đến tư tưởng hòa hợp của hai hình thể: "rỗng" và "đặc", "vuông" và "tròn".

Tuy tương khắc nhau như "trời" và "đất", "đàn ông" và "đàn bà", chúng có thể và phải kết hợp với nhau theo lẽ "trời đất phát dục vạn vật" như lời dạy của thần nhân cho Lang Liêu.

"Lẽ vuông tròn" đó nói lên sự tốt đẹp trong tình nghĩa vợ chồng và trong mối quan hệ như câu thơ của Nguyễn Du: "Khuôn thiêng biết có vuông tròn hay chăng?", hay câu: "Trăm năm tính cuộc vuông tròn/Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông".

Bánh chưng gợi nhớ đến Tết hay Tết gợi nhớ đến việc gói bánh chưng? Có lẽ, sự hoà quyện đó đã trở thành một biểu trưng văn hoá của dân tộc Việt - Bánh chưng biểu trưng cho Tết.

Do vậy, năm hết, Tết về người là lại nhớ và có bánh chưng. Vì thế, công việc chuẩn bị gói bánh chưng mỗi khi Tết đến đã là một phong tục đẹp trong văn hoá Việt Nam.

Bánh chưng ngày Tết cổ truyền của dân tộc

Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn thì truyền thống văn hoá ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần trao truyền lại cho giới trẻ.

Nên chăng, tục gói bánh chưng ngày Tết, ngoài ý nghĩa ẩm thực truyền thống cần nâng lên thành di sản văn hoá để trân trọng giữ gìn cho các thế hệ mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bánh chưng ngày Tết cổ truyền của dân tộc