Bạn " xù"tiền vay, phải làm sao?

LS Ngô Thị Thủy (Công ty luật Interla)| 12/04/2021 10:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Về nguyên tắc khi thực tế có việc vay tiền thì bên vay có nghĩa vụ phải trả tiền đúng thời hạn

Tôi cho bạn mượn 100 triệu đồng trong thời hạn 1 năm. Quá hạn anh ta không trả mà tắt điện thoại, chuyển đi nơi khác sinh sống. Trong trường hợp này tôi phải làm gì để lấy lại tiền?

Vũ Văn Nam (Hưng Yên)

xu-tien-vay.png
Ảnh minh họa

Trả lời: Theo những gì bạn trình bày, bạn chưa nói rõ khi bạn cho vay tiền bạn có xác lập hợp đồng hay không, có giấy tờ vay nợ gì không? Là vay có lãi hay vay không có lãi? Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì giao dịch vay tiền có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Do đó, về nguyên tắc khi thực tế có việc vay tiền thì bên vay có nghĩa vụ phải trả tiền đúng thời hạn. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

Thứ nhất, trong trường hợp tuy người vay đã chuyển địa điểm ở, nhưng bạn biết nơi người này ở thì bạn có thể khởi kiện dân sự để lấy lại số tiền mà bạn đã cho vay:

Đầu tiên, khi muốn khởi kiện về hợp đồng vay, bạn phải chuẩn bị các tài liệu chứng cứ sau:

- Đơn khởi kiện (hình thức và nội dung theo Điều 189 BLTTDS 2015).

- Hợp đồng vay (nếu có) bản sao.

- Các giấy tờ, tài liệu chứng minh có quan hệ cho vay trên thực tế như hóa đơn, biên lai, giấy nhận tiền;...

- Lời khai của người chứng kiến hoặc biết đến giao dịch vay (nếu có);

- Các giấy tờ về nhân thân người khởi kiện như chứng minh nhân dân; hộ khẩu thường trú; địa chỉ của bên vay;...

Hai là, để được Tòa án thụ lý giải quyết, thì khi thực hiện việc khởi kiện, bạn cần phải chú ý đáp ứng đủ các điều kiện khởi kiện sau:

- Lựa chọn tòa án có thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người đã vay tiền đang cư trú (điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015).

- Vụ việc phải chưa được giải quyết bằng quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật.

- Thời hiệu: thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án buộc bên bị kiện thực hiện nghĩa vụ trả nợ là 3 năm kể từ thời điểm đến hạn mà bên vay không trả nợ (Điều 429 BLDS). Thời hiệu khởi kiện không phải là điều kiện bắt buộc để Tòa án thụ lý vụ án. Tuy nhiên, nếu người bị kiện yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu thì bạn cần biết điều này để tránh rủi ro và thực hiện quyền của mình trước khi hết thời hiệu.

Thứ hai, trong trường hợp người này cố tình lẩn trốn, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bạn không có cách nào liên lạc cũng như không thể tìm thấy địa chỉ hiện tại của người này thì bạn có thể tố cáo người này theo pháp luật hình sự:

Theo Điều 175 BLHS năm 2015 có quy định: “Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Như vậy, rõ ràng, hành vi bỏ trốn để không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người bạn của bạn đã có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS.

Sau khi người này bỏ trốn, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn có thể viết đơn tố cáo hành vi phạm tội của người này và gửi lên cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để đề nghị xem xét,điều tra, giải quyết vụ việc cho mình.

Trong trường hợp này do bên vay đã bỏ trốn, bạn không biết người này đang ở đâu thì bạn có thể nộp đơn tố cáo lên cơ quan công an nơi mà hành vi phạm tội của người này diễn ra (có thể là nơi cư trú của bạn)

Sau khi nhận được đơn tố cáo của bạn, cơ quan cảnh sát sẽ tiến hành một số các hoạt động điều tra, xác minh xem có hay không dấu hiệu của tội phạm. Nếu sau khi điều tra xác định thấy có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan cánh sát điều tra phải tiến hành khởi tố vụ án hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạn " xù"tiền vay, phải làm sao?