Quyền lực tư pháp có chức năng bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ pháp luật. Như vậy, phạm vi quyền lực tư pháp rất rộng.
Cách thức quy định về “phạm vi” quyền tư pháp
Qua trình bày nêu ở bài trước có thể rút ra một số nhận xét dưới đây:
1. Về phạm vi của quyền tư pháp
Quyền lực tư pháp có chức năng bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ pháp luật. Như vậy, phạm vi quyền lực tư pháp rất rộng. Như chúng ta đều biết, Hiến pháp và pháp luật điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống xã hội, như: quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau theo chiều ngang và theo chiều dọc, quy định mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và nhân viên các cơ quan này với công dân, quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như các phương thức bảo vệ các quyền và thực hiện các nghĩa vụ đó.
2. Toà án là cơ quan tư pháp (nói cách khác chỉ Toà án mới có chức năng thực hiện quyền tư pháp)
Quyền lực tư pháp do Tòa án thực hiện. Tuỳ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử và nền tảng văn hóa mà có nhóm quốc gia trao quyền lực tư pháp cho một loại Tòa án thực hiện, nhóm quốc gia khác trao quyền lực tư pháp cho nhiều loại Tòa án thực hiện.
3. Phương thức thực hiện quyền tư pháp
Tòa án thực hiện quyền lực tư pháp thông qua hoạt động xét xử theo quy định của pháp luật tố tụng. Điều đó có nghĩa rằng Tòa án chỉ thẩm định luật do Quốc hội ban hành có hợp hiến hay không, các văn bản pháp quy của các cơ quan hành pháp có phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hay không khi có yêu cầu hoặc có khởi kiện đến Tòa án. Tòa án chỉ giải quyết các tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các cơ quan nhà nước và nhân viên của các cơ quan này với công dân, giữa các công dân với nhau, khi tranh chấp đó được khởi kiện đến Tòa án. Tóm lại, Tòa án chỉ thực hiện quyền lực tư pháp khi được yêu cầu. Tòa án không bao giờ tự mình thẩm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản luật và dưới luật; Tòa án không tự mình kiểm tra rồi phán quyết về tính hợp hiến, hợp pháp của hành vi và quyết định của các cơ quan công quyền. Bởi lẽ, đó là thẩm quyền của các cơ quan giám sát của Quốc hội, của cơ quan kiểm toán, cơ quan thanh tra của Chính phủ và của Viện kiểm sát (hay Viện Công tố).
Kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc quy định về phạm vi quyền tư pháp
Nhật Bản: Điều 3 (khoản 1) Luật Toà án Nhật Bản quy định: “1. Ngoại trừ trường hợp có quy định đặc biệt trong Hiến pháp nước Nhật Bản, Toà án có quyền xét xử tất cả tranh chấp pháp luật và các quyền hạn khác quy định đặc biệt trong luật”.
Hàn Quốc: Điều 111 Hiến pháp Hàn Quốc đã liệt kê những loại vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà án Hiến pháp. Đối với hệ thống Toà án thẩm quyền chung, Điều 2 (khoản 1) Luật tổ chức Toà án Hàn Quốc quy định: “1. Toà án có thẩm quyền xét xử tất cả tranh chấp và các vụ việc; được trao thẩm quyền xét xử theo quy định tại Luật này và các luật khác, trừ trường hợp Hiến pháp có quy định khác”.
Như vậy, thẩm quyền của Toà án Hiến pháp được quy định theo phương pháp liệt kê, còn thẩm quyền của Toà án thẩm quyền chung được quy định theo phương pháp loại trừ (trừ những vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà án Hiến pháp, những vụ việc và những tranh chấp khác thuộc thẩm quyền của Toà án thẩm quyền chung).
Trụ sở Tòa án tối cao Bỉ
Thái Lan: Hiến pháp Thái Lan có những điều quy định nêu rõ những loại vụ việc cụ thể thuộc thẩm quyền của Toà án Hiến pháp, Toà án hành chính, Toà án quân sự; đối với Toà án Công lý (Toà án thẩm quyền chung), Điều 218 quy định: “Toà án Công lý có thẩm quyền xét xử và giải quyết tất cả các vụ án trừ những vụ việc do Hiến pháp này quy định hoặc luật có quy định là thuộc thẩm quyền của Toà án khác”.
Có thể thấy, việc quy định thẩm quyền của các Toà án ở Thái Lan cũng tương tự như ở Hàn Quốc: Thẩm quyền của các Toà án “chuyên biệt” được quy định theo phương pháp liệt kê cụ thể các loại vụ việc, thẩm quyền của Toà án thẩm quyền chung được quy định theo phương pháp loại trừ những vụ việc của những Toà án khác.
Tóm lại, ở những quốc gia có một loại Toà án (như Nhật Bản), Toà án có toàn bộ quyền tư pháp (tức bao gồm cả thẩm quyền bảo hiến); ở những quốc gia có nhiều loại Toà án thì quyền tư pháp được “phân chia” cho các Toà án: thẩm quyền của Toà án Hiến pháp, Toà án hành chính… được liệt kê một cách cụ thể, ngoài những vụ việc thuộc thẩm quyền của những Toà án này thì tất cả những vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án thẩm quyền chung.
Kiến nghị về việc quy định phạm vi quyền tư pháp cho Toà án ở Việt Nam:
Hiến pháp 1946 quy định cơ quan tư pháp ở nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là các Toà án. Với quy định như vậy, Hiến pháp 1946 đã khẳng định cơ quan tư pháp chỉ là Toà án, điều đó cũng có nghĩa là chỉ có Toà án mới có chức năng thực hiện quyền tư pháp. Hiến pháp 2013 đã khẳng định lại vấn đề này khi quy định Toà án “…thực hiện quyền tư pháp”.
Như chúng ta đều biết, ban đầu, phạm vi quyền tư pháp của Toà án ở Việt Nam chỉ bao gồm xét xử các vụ án dân sự và hình sự, sau đó lần lượt được giao thêm xét xử các tranh chấp lao động, kinh tế, phá sản, khiếu kiện hành chính.
Ngày nay, trong tiến trình cải cách tư pháp, việc mở rộng phạm vi quyền tư pháp của Toà án ở Việt Nam là cần thiết, vì điều này góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trước mắt, có thể quy định như sau:
“Điều… Toà án có thẩm quyền xét xử tất cả các tranh chấp pháp luật và các vụ việc, trừ những vụ việc xem xét tính hợp hiến của luật, xem xét tính hợp hiến và tính phù hợp với luật, pháp lệnh của Nghị định. Toà án xét xử theo quy định của luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và của những luật khác”.
Với quy định này, cùng với các quy định cụ thể trong các luật tố tụng, ngoài việc xét xử các vụ án dân sự, hình sự, hành chính, Toà án còn có quyền xét xử và quyết định:
- Tuyên bố một thông tư của cơ quan trung ương hoặc một văn bản pháp quy của chính quyền địa phương là không phù hợp với luật, pháp lệnh.
- Tuyên bố việc bắt, giam, tha, áp dụng các biện pháp điều tra trong các vụ án hình sự, các quyết định trong lĩnh vực thi hành án hình sự, dân sự là không đúng quy định của pháp luật.