Xây dựng án lệ, một vấn đề còn rất mới tại Việt Nam. Báo Công lý xin giới thiệu bài viết của ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC xung quanh việc xây dựng án lệ.
Xây dựng án lệ từ Quyết định giám đốc thẩm
Tôi xin nêu một Quyết định giám đốc thẩm, để qua đó, thử bàn về cách thức xây dựng án lệ. Nội dung Quyết định giám đốc thẩm như sau:
NHẬN THẤY:
Khoảng 19 giờ ngày 16/12/1997, C. đi qua khu vực nghĩa trang, thấy anh Nguyễn T. và chị Trần Thị H. ngồi tâm sự ở ven bờ mương. C. dừng lại đứng cách chỗ anh T., chị H. khoảng 3m để quan sát. Khoảng một phút sau, thấy anh T. đứng dậy, C. tiến lại gần vỗ vai anh T. và hỏi “cho tao xin ít tiền”. Anh T. trả lời “không có tiền” thì bị C. xông vào đánh túi bụi. Anh T. chống cự và đẩy C. ngã xuống mương nước gần đó, C. tiếp tục xông lên đánh tiếp. Chị H. thấy vậy đã hô “cướp, cướp”; C. bỏ chạy được khoảng 30m thì bị bắt giữ.
Theo giấy chứng thương số 19 ngày 6/1/1998 của Trung tâm y tế huyện L, TP. N thì thương tích của anh T. như sau: Sống mũi sưng nề, bầm tím lan sang hai cánh mũi và hai má; Cuốn mũi trái xung huyết, phù nề đỏ, vách mũi vẹo sang phải; Niêm mạc môi dưới có sây sát, sưng nề, tụ máu có đường kính 1 x 1cm.
Anh T. không yêu cầu giám định thương tích.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 842/HS-ST ngày 16/6/1998, TAND thành phố N áp dụng điểm c khoản 2 Điều 151; Điều 34 BLHS năm 1985; Điều 82 BLTTHS phạt bị cáo Nguyễn C. 4 năm tù về tội “Cướp tài sản của công dân”, buộc Nguyễn C. phải bồi thường cho anh Nguyễn T. số tiền 582.000 đồng.
Ngày 16/6/1998, Nguyễn C. kháng cáo kêu oan cho rằng bị cáo không có hành vi xin tiền anh T., bị cáo khai nhận là do bị bức cung.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 2419/HSPT ngày 28/11/1998 Toà Phúc thẩm TANDTC tại… áp dụng điểm c khoản 2 Điều 109; điểm d khoản 1 Điều 38; Điều 34 BLHS năm 1985 phạt Nguyễn C. hai năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, buộc Nguyễn C. phải bồi thường cho anh Nguyễn T. 582.000 đồng.
Tại Quyết định kháng nghị số 03/KSXXHS ngày 28/1/2003, Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên; đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm huỷ phần hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm nói trên đối với Nguyễn C., tuyên Nguyễn C. không phạm tội.
XÉT THẤY:
Tại Biên bản phạm pháp quả tang hồi 20 giờ ngày 16/12/1997, bản tự khai và lời khai lúc 20 giờ 30 ngày 16/12/1997 tại Công an phường, Nguyễn C. khai là có xin tiền anh T., anh T. không cho nên đã đấm vào mặt anh T. gây thương tích. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại (anh T.), phù hợp với lời khai của nhân chứng (chị H.). Sau này, bị cáo C., anh T., chị H. thay đổi lời khai là do có sự tác động của chị Nguyễn Thị X (vợ C.) và chị Nguyễn Thị O (chị dâu C.). Mặc dù bị cáo C. thay đổi lời khai và không nhận có hành vi xin tiền anh T. mà C. chỉ nhận là có đánh anh T., thương tích của anh T. là do C. gây ra. Tuy nhiên, những lý do mà bị cáo C. đánh anh T. thì C. khai không thống nhất như: Lời khai ngày 17/12/1997 khai: “Vì tôi tiến lại gần thanh niên này và nói cho tôi sờ người yêu cậu một cái. Thanh niên này nói gì tôi không nhớ, ngay lúc đó, tôi xông vào đấm vào mặt thanh niên này... và... nếu anh đó cho tôi sờ người yêu anh ta thì tôi không đánh anh đó...”; lời khai ngày 23/12/1997, khai lý do tôi đánh anh T. là do uống rượu say, không làm chủ được bản thân, do tôi bị kích động vì hai người đang tình cảm, tôi trêu họ, anh thanh niên này phản ứng...; “lời khai ngày 26/12/1997 khai lý do đánh anh T. là do uống rượu say, do bực tức với vợ con ở nhà, tôi đánh là vô cớ nhằm để trút bực dọc trong người chứ không có mục đích nào khác...”; lời khai ngày 3/1/1998 khai “... tôi tiến lại gần người thanh niên này và nói nhỏ cho sờ 1 cái, tôi không nghe rõ người thanh niên này nói gì nhưng ngay lúc đó tôi xông vào đấm anh thanh niên... và bản tự khai cùng ngày 3/1/1998 khai "... tôi tiến sát anh thanh niên và tôi trêu ghẹo họ, tôi không rõ anh thanh niên nói gì... Không hiểu sao lúc đó, tôi lại muốn đánh anh ta một cái..."; lời khai ngày 10/1/1998 khai anh thanh niên đó không có lỗi gì với tôi, tôi đã vô cớ đánh anh thanh niên...”; bản tự khai ngày 7/3/1998 khai “... không hiểu lý do gì, tôi nhìn thấy anh thanh niên đó mà tôi thấy rất khó chịu. Tôi chỉ muốn đánh nhau với anh ta, thế là tôi xông vào đánh anh ta một cái...”.
Căn cứ vào các lời khai trên của bị cáo, lời khai người bị hại (anh T.), lời khai của nhân chứng (chị H.) và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ xác định Nguyễn C. không những có hành vi xin tiền anh T. mà y còn vô cớ gây sự, trêu ghẹo anh T. cùng chị H. và đã đánh anh T. gây thương tích. Mặc dù anh T. không đi khám thương tích để xác định tỷ lệ thương tật. Nhưng căn cứ vào giấy chứng thương số 19 ngày 6/1/1998 của Trung tâm y tế huyện L., thành phố N thì anh T. có bị thương tích thể hiện như: Sống mũi sưng nề, bầm tím lan sang hai cánh mũi và hai má; cuốn mũi trái xung huyết, phù nề đỏ, vách mũi vẹo sang phải; niêm mạc môi dưới có sây sát, sưng nề, tụ máu có đường kính 1x1cm. Như vậy, hành vi đánh anh T. gây thương tích của bị cáo Nguyễn C. là có tính chất côn đồ. Toà án cấp phúc thẩm kết án bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 2 Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 1985 là có căn cứ, không oan.
Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 1 Điều 254 Bộ luật Tố tụng Hình sự
QUYẾT ĐỊNH:
Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên Quyết định của Bản án hình sự phúc thẩm số 2419/HSPT ngày 28/11/1998 của Toà phúc thẩm TANDTC tại… đối với Nguyễn C.
Những vấn đề cần xây dựng thành án lệ
Có hai vấn đề mà Quyết định giám đốc thẩm nêu trên cần xây dựng thành án lệ:
Vấn đề thứ nhất là hành vi cố ý gây thương tích của bị cáo Nguyễn C. thuộc trường hợp có tính chất côn đồ. Quyết định giám đốc thẩm cần đưa ra quan điểm giải thích rõ vì sao hành vi cố ý gây thương tích của bị cáo Nguyễn C. bị coi là thuộc trường hợp “có tính chất côn đồ”. Quan điểm đó sẽ trở thành “án lệ” để áp dụng trong những vụ án tương tự xảy ra sau này.
Vấn đề thứ hai là vì sao hành vi “xin tiền” của bị cáo Nguyễn C. không cấu thành tội “Cướp tài sản” như nhận định của Toà án cấp sơ thẩm. Mặc dù đây không phải là vấn đề chính cần giải quyết ở cấp giám đốc thẩm, nhưng sẽ là đầy đủ hơn khi đưa ra nhận định giải thích rõ lý do. Điều đó sẽ giúp cho các Toà án sau này không xét xử những hành vi tương tự về tội “Cướp tài sản”.
Cách thức để xây dựng Quyết định giám đốc thẩm trở thành án lệ
HĐXX một vụ án hình sự (Ảnh minh họa)
Từ trình bày ở trên, để Quyết định giám đốc thẩm trở thành án lệ thì khi giải quyết vụ án, cấp giám đốc thẩm cần thể hiện rõ quan điểm pháp lý, cách thức vận dụng pháp luật trong việc giải quyết vụ án có thể áp dụng cho các vụ án tương tự khác. Vấn đề này chủ yếu được thể hiện trong phần “Xét thấy” của Quyết định giám đốc thẩm. Do đó, khi viết phần “Xét thấy” cần viết chính xác các điểm sau đây:
Những tình tiết của vụ án còn có những cách hiểu, cách đánh giá khác nhau
Án lệ sẽ là đường lối xét xử được áp dụng khi giải quyết những vụ án tương tự khác. Vì vậy, Quyết định giám đốc thẩm cần viết rõ cấp giám đốc thẩm đã đưa ra kết luận dựa trên những tình tiết nào của vụ án. Việc viết chính xác những tình tiết này sẽ giúp cho việc nhận biết một cách rõ ràng những vụ án tương tự khác (có những tình tiết tương tự) cần áp dụng quan điểm pháp lý, cách thức vận dụng pháp luật mà Quyết định giám đốc thẩm đã nêu ra.
Vì những tình tiết của vụ án chủ yếu được nêu ở phần “Nhận thấy”, do đó, để tránh lặp lại, chỉ nên lựa chọn những tình tiết quan trọng (còn có những cách hiểu, cách đánh giá khác nhau) mà cấp giám đốc thẩm sẽ đưa ra nhận định về những tình tiết này.
Như nội dung vụ án được nêu ở mục 1, vấn đề được đặt ra là vì sao hành vi “xin tiền” của bị cáo không bị coi là “cướp tài sản”, vì sao hành vi cố ý gây thương tích của bị cáo là có tính chất côn đồ. Do đó, những tình tiết quan trọng trong vụ án này là những tình tiết làm căn cứ để cấp giám đốc thẩm đưa ra kết luận về những vấn đề đó. Thí dụ, chỉ nên nêu những tình tiết sau đây:
“Bị cáo Nguyễn C. đã có hành vi xin tiền anh T., anh T. không cho nên đã đấm túi bụi vào mặt anh T. (a). Anh T. đã chống trả lại làm Nguyễn C. bị ngã xuống mương nước. Khi chị H. hô “cướp, cướp”, C. bỏ chạy (b). Hành vi tấn công của bị cáo Nguyễn C. đã gây thương tích nhẹ cho anh T. (c)”.
Những tình tiết không quan trọng thì không nên viết vào phần “Xét thấy”, vì sẽ làm cho người đọc không hiểu rõ cấp giám đốc thẩm đã đưa ra quan điểm pháp lý dựa trên những tình tiết cụ thể nào của vụ án.
Quan điểm của bản án bị kháng nghị về những tình tiết đó
Vì cấp giám đốc thẩm cần chỉ ra bản án bị kháng nghị có sai lầm trong việc giải quyết vụ án hay không. Do đó, việc viết rõ quan điểm của bản án bị kháng nghị là làm tiền đề cho lập luận của cấp giám đốc thẩm trong việc chỉ ra những điểm sai (hoặc đúng) trong việc giải quyết vụ án của bản án bị kháng nghị.
Trong Quyết định giám đốc thẩm nêu trên (mục 1), không nêu quan điểm của bản án bị kháng nghị nên khó nhận biết được bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm có những điểm sai (hoặc đúng) cụ thể như thế nào. Do đó, nếu mong muốn Quyết định giám đốc thẩm trở thành án lệ, thì cần phải viết rõ vấn đề này.
Quan điểm của cấp giám đốc thẩm và việc áp dụng quan điểm đó trong việc giải quyết vụ án
Quan điểm của cấp giám đốc thẩm là phần quan trọng nhất trong phần “Xét thấy”, có chức năng án lệ. Do đó, cần viết rõ những lập luận, cách thức vận dụng pháp luật trong việc giải quyết vụ án của cấp giám đốc thẩm. Trong nội dung vụ án nêu ở mục 1, có thể nên viết như sau:
“Theo quy định tại Điều 151 BLHS (năm 1985) thì việc dùng vũ lực của bị cáo phải làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Nhưng các tình tiết trong hồ sơ vụ án cho thấy: anh T. hoàn toàn có khả năng chống cự lại hành vi tấn công của bị cáo Nguyễn C., làm bị cáo phải bỏ chạy và bị bắt giữ ngay khi mới bỏ chạy được khoảng 30m. Do đó, việc Toà án cấp phúc thẩm không kết án bị cáo Nguyễn C. về tội “Cướp tài sản” là đúng pháp luật”. (d)
Viết như đoạn (d) sẽ gắn kết được với các tình tiết (a) và (b) nêu ở 3.1, giúp cho việc nhận biết được quan điểm pháp lý của cấp giám đốc thẩm (án lệ) như sau: Trong trường hợp bị cáo tấn công nạn nhân (vì xin tiền nạn nhân không được), nhưng nạn nhân hoàn toàn có khả năng chống cự lại, làm bị cáo phải bỏ chạy, thì hành vi của bị cáo không bị coi là đã phạm vào tội “Cướp tài sản”.
Về việc kết luận hành vi của bị cáo Nguyễn C. đã phạm tội “Cố ý gây thương tích có tính chất côn đồ”, có thể nên viết như sau:
“Tuy nhiên, việc bị cáo Nguyễn C. đấm túi bụi vào mặt anh T. chỉ vì khi xin tiền, anh T. không cho, cho thấy bị cáo là một kẻ coi thường danh dự, sức khoẻ của người khác, sẵn sàng dùng vũ lực với người khác chỉ vì họ không đáp ứng yêu cầu phi lý của y. Do đó, hành vi này của bị cáo Nguyễn C. cần phải coi là có tính chất côn đồ (1). Trong trường hợp này, dù có hay không có giám định thương tích cũng xác định được nạn nhân chỉ bị thương tích nhẹ (2), cho nên có đủ căn cứ để kết luận hành vi của bị cáo Nguyễn C. là cố ý gây thương tích trong trường hợp có tính chất côn đồ” (đ).
Nếu viết như đoạn (đ) sẽ gắn kết được với các tình tiết (a) và (c) nêu ở 3.1, giúp cho việc nhận biết được quan điểm pháp lý của cấp giám đốc thẩm (án lệ) như sau: Trong trường hợp bị cáo dùng vũ lực với người khác chỉ vì họ không đáp ứng yêu cầu phi lý của bị cáo thì phải coi là “có tính chất côn đồ”. Đối với trường hợp này, chỉ cần xác định được nạn nhân có bị thương tích nhẹ thì hoàn toàn có thể kết án bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” (trong trường hợp có tính chất côn đồ) mà không đòi hỏi phải có kết luận giám định thương tật.
Kết luận
Để quyết định giám đốc thẩm có chức năng án lệ thì:
Cấp giám đốc thẩm không chỉ quan tâm giải quyết vụ án cụ thể mà cần quan tâm đến việc hình thành án lệ.
Trong Quyết định giám đốc thẩm, phần có chức năng án lệ được thể hiện trong phần “Xét thấy”. Do đó, cần phải viết phần này sao cho nhận thấy được quan điểm pháp lý, cách thức vận dụng pháp luật của cấp giám đốc thẩm trong việc giải quyết vụ án có thể áp dụng cho các vụ án tương tự khác.