Ngày 18/11, Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về kết quả triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đồng chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị, đồng chí Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nghệ An thu hút được 147 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 4,9 tỷ USD, trong đó, gần 100 dự án đã đi vào hoạt động.
Riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã thu hút được 750 triệu USD. Đến năm 2028, Nghệ An phấn đấu thu hút được hơn 10 tỷ USD vốn FDI.
Trong đó, nhiều nhất là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan. Với sự hiện diện của các tập đoàn lớn, số vốn đầu tư lớn, Nghệ An lọt tốp 10 về thu hút đầu tư FDI trong năm 2022, 2023; đã và đang trở thành “điểm sáng” trong thu hút nguồn vốn FDI của cả nước.
Vốn FDI trong khu kinh tế và khu công nghiệp Nghệ An đạt hơn 105.786 tỷ đồng, tương đương hơn 4,5 tỷ USD. Hiện nay, 6 ông lớn công nghệ hàng đầu là Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và Juteng, Tập đoàn Sunny đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào tỉnh NgheejAn.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 49.000 người, tăng 78,18% so với năm 2019. Khu vực FDI đã giải quyết một lượng lao động lớn cho tỉnh, nhất là lao động nữ, lao động ở vùng nông thôn với mức lương bình quân năm 2019 là 6,1 triệu đồng/người/tháng, năm 2023 là 6,4 triệu đồng/người/tháng…
Số lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp FDI tính đến hết tháng 06/2024 có 42.718 người, tăng 74,57% so với cuối năm 2019.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã đưa ra các bài học trong công tác thu hút đầu tư, đó là: Cần kiên định định hướng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, có năng lực để thực hiện dự án.
Đồng thời, cần phải xem nhà đầu tư cơ sở hạ tầng là nhân tố cơ bản quyết định quy mô, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, quản lý vận hành khu công nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW là đúng thời điểm và hết sức có ý nghĩa trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Từ một địa phương được đánh giá là vùng trũng của thu hút đầu tư, đến nay, Nghệ An được xếp vào top 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước. Việc thu hút FDI là cả một quá trình, kết quả thu hút FDI của giai đoạn này có sự chuẩn bị của giai đoạn trước, tác động và hiệu quả thu hút FDI giai đoạn này sẽ tác động đến giai đoạn sau.
Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Đức Trung cho biết, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để mở rộng thu hút đầu tư. Chủ động đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư như mở rộng mặt bằng khu công nghiệp; đầu tư hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay, hạ tầng năng lượng; từng bước chú trọng thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít sử dụng đất đai và lao động.
Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nội tỉnh tham gia vào chuỗi sản suất của doanh nghiệp FDI, từng bước chuyển giao công nghệ, từng bước nội địa hóa...
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Thái Thanh Quý - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, tỉnh Nghệ An đã triển khai, quán triệt Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị khá bài bản, tương đối sớm. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo khác để thực hiện tốt hơn, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý đánh giá, việc thu hút FDI thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, yêu cầu về điều kiện lao động ngày càng cao, bất ổn chính trị trên thế giới..., vì vậy yếu tố môi trường kinh doanh, yếu tố cải cách hành chính, tốc độ phản ứng với chính sách phải đi đầu, qua đó khẳng định vị thế của Nghệ An trong thu hút đầu tư.
Đồng thời, tỉnh Nghệ An cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng chiến lược như cảng nước sâu, cảng hàng không, tiếp tục mở rộng các khu công nghiệp hiệu quả. Tỉnh cũng cần có chiến lược dài hạn về nguồn nhân lực có chất lượng với nguyên tắc đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: doanh nghiệp, người lao động và nhà quản lý.
Đối với những kiến nghị của tỉnh Nghệ An, đoàn công tác sẽ tiếp thu và báo cáo Trung ương xem xét, giải quyết.