Băn khoăn việc chuyển đổi rừng để làm dự án du lịch tại tỉnh Bình Thuận

Trịnh Hằng| 23/11/2020 11:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù Bộ NN-PTNT bác bỏ đề nghị chuyển mục đích sử dụng 38,17 ha rừng tự nhiên để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi nhưng trong buổi họp báo mới đây, tỉnh Bình Thuận cho rằng việc “khai tử” diện tích 71,7 ha rừng là đúng luật.

Theo các chuyên gia địa chất, hiện tượng biến đổi khí hậu, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… là hậu quả của việc phá rừng, chuyển đổi mục đích rừng tràn lan, nạn chặt phá rừng đang trở thành mối đe dọa thực sự đối với cuộc sống của con người. Bảo vệ rừng và nguồn tài nguyên rừng luôn luôn là nhiệm vụ quan trọng không thể trì hoãn của tất cả các quốc gia.

Mất rừng, hậu quả kéo theo nó thật khủng khiếp. Chắc hẳn chúng ta không thể quên những trận lũ quét vừa qua tại các tỉnh miền Trung đã gây ra những hậu quả vô cùng to lớn đối với người dân nơi đây. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã hy sinh trong trận chiến giành giật sự sống cho nhân dân trong cơn đại hồng thủy. Hàng trăm người dân cũng đã nằm lại cánh rừng, bờ khe sau những trận lũ quét.

Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng các chuyên gia đang đặt vấn đề có ảnh hưởng của việc giảm diện tích rừng tự nhiên, do chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án đã làm thay đổi đặc tính và tính bền vững của tự nhiên. Nhất là các tỉnh có nền địa chất yếu, nằm trong đứt gãy địa chất, đứt gãy phong hóa tạo ra độ gắn kết rất thấp, địa hình đồi núi có độ dốc lớn, chia cắt phức tạp.

Vừa qua, Bộ NN&PTNN "tuýt còi" trong việc chuyển đổi mục đích chuyển đổi rừng sang mục đích làm kinh tế được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Cụ thể, tại văn bản số 7944/BNN-TCLN ngày 16/11/2020, do Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Hà Công Tuấn ký, gửi UBND tỉnh Ninh Bình thể hiện: Ngày 30/10 vừa qua, Bộ NN&PTNN nhận được tờ trình của UBND tỉnh Ninh Bình về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 nhà máy xi măng Duyên.

Theo đó, tỉnh Ninh Bình đề nghị chuyển mục đích sử dụng 38,17 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT bác bỏ đề nghị của tỉnh Ninh Bình và khẳng định dự án không đúng với tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác theo quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ.

Không chỉ Ninh Bình, tỉnh Quảng Nam cũng đã bị Bộ NN&PTNN bác bỏ về việc xin chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đường giao thông đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh, tuyến Măng Lùng - Đăk Lây, huyện Nam Trà My.

Liên tiếp các tỉnh xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã bị Bộ NN&PTNN bác bỏ cho thấy tính quan trọng trong việc giữ và khai thác rừng. Tuy nhiên, ngày 18/11 vừa qua, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức họp báo và cho rằng việc "khai tử" diện tích 7,17 ha rừng dương 25 năm tuổi với nhiệm vụ ngăn sóng, chắn gió, bảo vệ môi trường để triển khai dự án du lịch là đúng quy định khiến nhiều người dân lo lắng.

hop_bao.jpg
Quang cảnh buổi họp báo của UBND tỉnh Bình Thuận

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, do Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam làm chủ đầu tư, thuộc địa bàn các xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam), xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết).

Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch của dự án này, ngày 28/10/2019, ông Lê Tuấn Phong- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký Quyết định số 2746/QĐ-UBND về việc "chuyển mục đích rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp để đầu tư xây dựng dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương". UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, qua ra soát, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác đối với diện tích 7,17 ha rừng đảm bảo điều kiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Tại cuộc họp báo, trước câu hỏi, đối với phần 7ha cây phi lao nằm trong phạm vi dự án Biển Quê Hương, trước đây địa phương mục đích trồng gì? Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu khắc nghiệt như thời gian qua, việc thanh lý số cây này liệu có ảnh hưởng đến môi trường hay không?

Ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận lý giải, cách đây 25 năm, khu vực này Nhà nước giao cho các địa phương trồng cây chống hoang hóa. Thời điểm này không có các khái niệm như chống sạt lở hay chắn gió chắn cát. Đến bây giờ mới có những khái niệm này. Diện tích cây phi lao này là cây lâm nghiệp nhưng không phải trồng trên đất lâm nghiệp, nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng qua các thời kỳ. Vì số cây này do Nhà nước trồng nên xác định là tài sản trên đất. Vì vậy, địa phương đã thông qua đấu giá số cây này, số tiền thu được cũng như chi phí mà nhà đầu tư phải nộp để trồng thay thế là khoảng 400 triệu đồng. Hiện địa phương đã trồng thay thế tương đương diện tích này tại khu vực rừng phòng hộ. Khu vực này từ lâu chưa bao giờ xảy ra hiện tượng sạt lở.

Trước thắc mắc về dự án Biển Quê Hương có kinh doanh khách sạn, cho thuê biệt thự. Tuy nhiên, kinh doanh trong lĩnh vực này phải thông qua đấu giá đất?

Đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Thuận cho rằng, khu vực dự án là đất sản xuất kinh doanh và phi nông nghiệp thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư nên vẫn được miễn tiền thuê đất. Việc thực hiện miễn giảm này là chung cho cả kinh doanh và phi nông nghiệp.

Mặc dù dự án có kinh doanh khách sạn, biệt thự nhưng vẫn là đất thương mại dịch vụ. Bản chất của dự án không sử dụng vào mục để bán mà chỉ sử dụng theo vòng đời.

Những thông tin được cung cấp trong buổi họp báo chưa thực sự thuyết phục. Dư luận chờ câu trả lời từ Bộ NN&PTNT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn việc chuyển đổi rừng để làm dự án du lịch tại tỉnh Bình Thuận