Băn khoăn về việc không giải quyết đơn tố cáo nặc danh

Mai Thoa| 30/05/2017 23:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận về việc có nên tiếp nhận, giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh hay không.

Đồng tình với quan điểm “không giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh”, nhưng nhiều ĐB vẫn băn khoăn sẽ bỏ sót những nội dung đúng, quan trọng mà vì nhiếu lý do người tố cáo không dám đứng đơn trực tiếp để gửi đến các cơ quan chức năng… Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Không  nên xem xét tố cáo nặc danh

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo,  Luật Tố cáo (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo cũng như thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo.

Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, dự thảo luật kế thừa những quy định cũ đồng thời được sửa đổi chặt chẽ hơn.

Cụ thể, đối với người tố cáo, dự thảo Luật quy định các quyền như: Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo; được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình; được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết; quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập; được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Theo Tổng TTCP Phan Văn Sáu, trong quá trình soạn thảo, còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau liên quan đến quy định hình thức tố cáo.

Nhiều ý kiến cho rằng, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, dự thảo Luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo bằng đơn thư và tố cáo trực tiếp và không xem xét đơn tố cáo nặc danh. Vì thực tế, trong những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó, có đến  59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vậy nên, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. Trên tinh thần đó, dự thảo Luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh.

Băn khoăn về việc không giải quyết đơn tố cáo nặc danh

ĐB Bùi Văn Cường (Gia Lai) phát biểu thảo luận

Thảo luận tại tổ, nhiều ĐB đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, rất đáng lo ngại nếu nhiều trường hợp lợi dụng quy định để bôi nhọ, làm mất danh dự uy tín bằng đơn thư nặc danh.

Theo ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), quy định không giải quyết tố cáo nặc danh là phù hợp. Nhưng không vì việc không giải quyết tố cáo nặc danh mà bỏ lọt thông tin, mà ngược lại những thông tin nào có thể hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan điều tra vẫn có thể sử dụng. Việc tiếp nhận và xử lý đối với các trường hợp tố cáo nặc danh cũng cần có quy định cụ thể, đặc thù. Với hành vi tố cáo việc thụ lý phải cần dẫn chiếu theo Luật thanh tra, vì đó là cơ sở pháp lý để giải quyết những phát sinh tiếp theo.

Một số ĐB khác cũng đồng tình và cho rằng, thực tế không ít trường hợp lợi dụng tố cáo nặc danh để làm mất uy tín của cán bộ, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm như chuẩn bị bổ nhiệm hay hết nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, ĐB Bùi Văn Cường (Gia Lai) lại đề nghị xem xét đơn tố cáo nặc danh và để chặt chẽ cần phải có hai bước: Đó là cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra xem xét đơn tố cáo nặc danh nếu có đủ căn cứ, địa chỉ cụ thể người bị tố cáo. Chẳng hạn như: Quy trình liên quan đến đấu thầu, trúng thầu,.. chỉ những người bên trong mới có chứng cứ thực tế cung cấp; họ biết là tiêu cực nhưng vì miếng cơm manh áo của gia đình mà không dám đứng đơn tố cáo… nếu như vậy thì chúng ta cần phải xem xét. Còn những đơn không rõ ràng, không có chứng cứ cụ thể thì không xem xét. Làm như vậy sẽ góp phần trong phòng chống tham nhũng và làm cho bộ máy trong sạch hơn.

Trước đó, khi thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với dự thảo Luật là không quy định về giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh. Bởi vì, tố cáo là quyền của công dân, để thực hiện quyền thì công dân phải nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật. Nếu quy định tiếp nhận và giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xác minh, xử lý thông tin giải quyết tố cáo, gây tốn kém chi phí của nhà nước, dễ xảy ra tình trạng lợi dụng quy định để tố cáo tràn lan, sai sự thật...

Có nên xem xét tố cáo qua email, tin nhắn?

Một vấn đề nữa được các ĐB quan tâm, thảo luận là ngoài hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại… để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền của mình, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Không đồng tình với nội dung này, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng: Email, điện thoại chỉ là phương thức truyền tải nội dung tố cáo chứ không phải là hình thức tố cáo. Tố cáo chỉ có 2 hình thức: Gặp trực tiếp và gián tiếp bằng đơn thư. Với việc quản lý tên miền, số điện thoại như hiện nay chưa đạt được bảo mật nghiêm ngặt, chỉ 5 phút có thể tạo ra một địa chỉ email thì rất khó để xác minh được tố cáo đó có thực hay không cũng như địa chỉ chính xác của người gửi.

ĐB Sơn cũng dẫn chứng thực tế, nhiều trường hợp nhận được email nhưng khi gửi lại thì  không có trả lời. Vì vậy chỉ nên quy định 2 hình thức tố cáo như trên là đủ. Nếu cần thiết có thể bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh của 2 hình thức này, gồm những cách thức thế nào để không trái với các quy định hiện hành, ĐB đề xuất.

Điểm đáng chú ý của dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) lần này là bổ sung thêm một số nguyên tắc: Giải quyết tố cáo trong các trường hợp nội dung tố cáo liên quan đến nhiều cơ quan; người bị tố cáo đã về hưu, chuyển công tác, bị cho thôi việc, buộc thôi việc, tự ý thôi việc hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức... Quá trình thẩm tra, đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật nhất trí với quy định này.

Qua thảo luận nhiều đại biểu đồng tình với quy định trên và cho rằng quy định như vậy là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận định: Quy định này đặt ra là phúc đáp yêu cầu của thực tiễn và rất nhiều người mong muốn cũng như việc phải triển khai nghiêm túc vấn đề đó. Bởi vì, theo như đánh giá chung và quan điểm của Đảng,  bản thân người đã “hạ cánh” cũng không phải đã là an toàn nếu thực sự người đó đã có trục trặc về mặt “kỹ thuật”, thực sự là bộ máy hỏng. “Mỗi người không chỉ sống trong giai đoạn giữ trách nhiệm, giữ vai trò, giữ quyền lực mà sau đó tầm ảnh hưởng của một số cán bộ còn rất lớn. Thứ hai, đó là vấn đề để giải quyết hậu quả. Tiếp theo là để làm gương cho những người khác, để họ thấy rằng, không phải cứ rời nhiệm sở an toàn đã là an toàn”, ĐB nêu quan điểm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn về việc không giải quyết đơn tố cáo nặc danh