Kinh tế

Bàn giải pháp phát triển bền vững "cây tỉ đô"

Lê Hiếu 02/09/2024 - 11:06

Hội thảo Xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững là một trong các hoạt động nằm trong Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ II. Đây là dịp để 4 nhà “nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông” cùng ngồi lại để nhìn nhận, đánh giá, phân tích để tìm hướng đi phù hợp nhất cho loại “cây tỉ đô” này.

Tham dự hội thảo có gần 600 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương; lãnh sự quán các nước; các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất sầu riêng.

z5789886180606_3e93ebb9f20412408e2b8507b1494162.jpg
Các đại biểu tham dự thảo luận giải pháp pháp phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng.

Phát biểu khai mạc, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, huyện Krông Pắc có gần 7.200 ha sầu riêng, sản lượng năm 2024 khoảng hơn 90.000 tấn. Toàn huyện đã cấp 37 mã số vùng trồng, với hơn 2.000 ha của 3.761 hộ dân. Số cơ sở được đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu được cấp mã số đang hoạt động là 18 cơ sở đóng gói.

Tuy nhiên, ngành hàng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: phát triển chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng sẵn có, diện tích nhỏ lẻ, diện tích trồng thuần thấp; tỷ lệ diện tích được cấp mã số vùng trồng còn thấp; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; chất lượng chưa đồng đều do ảnh hưởng biến đổi khí hậu; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; sản phẩm chủ yếu chế biến thô nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng và thiếu tính bền vững cho ngành hàng; liên kết chuỗi giá trị chưa đồng bộ.

Ngoài ra, tình trạng tranh mua, tranh bán, bẻ cọc, cắt non dẫn đến nhiều hệ lụy; phía đối tác đã có nhiều cảnh báo về hàng chất lượng kém, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói, phần nào đã làm mất uy tín, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu sản phẩm.

z5789889209349_5e923ffdb6d90643aa6c0c875c40b8b7.jpg
Sầu riêng Krông Pắc nói riêng, Việt Nam nói chung cần khẳng định, chứng minh về mặt khoa học để chinh phục thị trường các nước

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, để tháo gỡ “điểm nghẽn” cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ 4 nhà “nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông”.

Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành đưa ra các giải pháp, chia sẻ thông tin về một số vấn đề trọng tâm trong để phát triển sầu riêng bền vững. Vấn đề quản lý chất lượng trái sầu riêng trong quá trình sản xuất và thu hoạch; giải pháp kỹ thuật sản xuất sầu riêng bền vững; những dịch hại chính trên sầu riêng và giải pháp bảo vệ thực vật.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu chia sẻ, phải xác định chất lượng sầu riêng là quan trọng nhất, phải xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác cho phù hợp với từng vùng. Cùng với đó, là năng lực, kiến thức của người nông dân thì mới có thể sản xuất ra được những quả sầu riêng chất lượng. Các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị từ người nông dân tới nhà nước, doanh nghiệp phải có ý thức quan tâm xây dựng thương hiệu sầu riêng của địa phương nói riêng và sầu riêng Việt Nam nói chung để có thể phát triển bền vững.

z5789886167455_15205e19322b4225d81e23019ab7c06c.jpg
Các chuyên gia đầu ngành chia sẻ tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản.

Còn theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, khi chúng ta khẳng định và có những chứng minh về mặt khoa học, thì chúng ta mới quảng bá trên thế giới và đề nghị các nước công nhận. Chúng ta phải làm chủ, không phải chịu sự áp đặt hoặc sao chép và dán của các nước khác.

Về phía lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng. Mục tiêu của đề án, đến năm 2030, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định khoảng 40.000 ha, sản lượng khoảng 790.000 tấn/năm, trong đó diện tích được chứng nhận và cấp mã số vùng trồng khoảng 26.000 ha. Tập trung nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk ngày càng uy tín, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn, các cơ quan chức năng, ban ngành hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm tốt nhất, chi phí thấp nhất, chất lượng sản phẩm cao nhất thì mới đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

Người nông dân cho biết, sẵn sàng cùng với lãnh đạo địa phương, các nhà khoa học và doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, hội thảo cũng đề cập đến việc ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng hệ sinh thái sầu riêng bền vững, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) nhằm tăng hiệu quả canh tác với cây sầu riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn giải pháp phát triển bền vững "cây tỉ đô"