Trước vấn đề đặt ra, Đắk Lắk cần làm gì để đảm bảo và tăng chất lượng cho trái sầu riêng, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho rằng, Đắk Lắk cần có thay đổi để thực thi vấn đề này, định hướng đầu tư khoa học công nghệ cho ngành hàng mũi nhọn, hợp tác với Viện nghiên cứu, tăng nguồn lực đầu tư nghiên cứu tình hình sâu hại, dịch bệnh, tiêu chuẩn cho sầu riêng.
Ngày 2/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tỉnh Đắk Lắk) tổ chức Hội nghị triển khai ngành hàng sầu riêng niên vụ năm 2024.
Tham dự có ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT; ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh; lãnh đạo sở, ngành, UBND huyện; doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất khẩu ngành hàng sầu riêng.
Đánh giá tại hội nghị, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Tây Nguyên cũng như cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cây sầu riêng. Năm 2023 diện tích sầu riêng toàn tỉnh là 32.785 ha; sản lượng đạt 281.350 tấn.
Năm 2024, diện tích sầu riêng cả nước tăng lên khoảng 151.000 ha; sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn, trong đó diện tích của tỉnh Đắk Lắk 34.000 - 35.000 ha, sản lượng ước đạt trên 300.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đến hết quý I/2024 đạt gần 57.000 tấn với trị giá thu về 253 triệu USD, tăng 42% về lượng và tăng 63,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện, toàn tỉnh có 23 cơ sở đóng gói và 68 vùng trồng với tổng diện tích 2.521 ha đã được phía Trung Quốc cấp mã số phục vụ xuất khẩu. Tỉnh Đắk Lắk đã cấp 266 mã số vùng trồng với tổng diện tích 7.292 ha, toàn tỉnh có 251 cơ sở thu mua, tập trung tại một số huyện: Krông Pắc 101 cơ sở, Cư M’gar 64 cơ sở, Krông Búk 11 cơ sở, Buôn Hồ 10 cơ sở… Có 2 huyện được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là “Sầu riêng Krông Pắc” và nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’gar”. Có 2 huyện đang xây dựng đề án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là Krông Búk và Ea H’Leo.
Thông qua giám sát nhận thấy, cơ bản các vùng trồng, cơ sở đóng gói chấp hành tốt quy trình sản xuất, quản lý dịch hại, thực hiện việc ghi chép nhật ký canh tác… Các địa phương đã tích cực, chủ động hơn trong thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, do đó hồ sơ thiết lập vùng trồng được triển khai nhanh hơn, vùng trồng cấp mã số được nhiều hơn và đa dạng hơn về chủng loại cây trồng được cấp mã.
Các Sở, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động thành lập các HTX, Tổ hợp tác để làm đầu mối liên kết nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu để thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, việc “tăng trưởng nóng” về diện tích, sản lượng sầu riêng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có biến động phát sinh của thị trường. Ngành hàng sầu riêng còn thiếu liên kết yếu vùng trồng, tổ chức sản xuất, hoạt động thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; nhiều vùng sản xuất sầu riêng còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán.
Ngoài ra, một số huyện vẫn còn tình trạng người dân trồng sầu riêng trên những vùng đất chưa phù hợp, chưa đảm bảo nước tưới... chưa thực hiện tốt quy trình sản xuất, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, cơ quan chức năng tỉnh đề xuất: Nâng cao năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của một số HTX, Tổ hợp tác quản lý tốt mã số vùng trồng; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo sử dụng thuốc BVTV đảm bảo nguyên tắc 4 đúng và chỉ thu hoạch sầu riêng khi đảm bảo độ chín; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng; kiểm tra về pháp lý thương nhân, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và một số kim loại nặng...
Ông Nguyễn Văn Hà – Phó Giám đốc Sở NN&PNT tỉnh đề xuất, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần hỗ trợ xây dựng và ban hành các quy trình chuẩn về canh tác, thu hoạch, sản xuất sầu riêng rải vụ, thích ứng biến đổi khí hậu theo các vùng sản xuất trọng điểm...
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho rằng, để giải quyết những tồn tại như hiện nay và định hướng sản xuất, xuất khẩu sầu riêng của tỉnh phát triển ổn định, bền vững thì chất lượng sẽ quyết định thương hiệu sầu riêng. Đắk Lắk cần có thay đổi để thực thi vấn đề này, định hướng đầu tư khoa học công nghệ cho ngành hàng mũi nhọn, hợp tác với Viện nghiên cứu, tăng nguồn lực đầu tư nghiên cứu tình hình sâu hại, dịch bệnh, tiêu chuẩn cho sầu riêng đáp ứng nhu cầu nông dân.