Đắk Lắk: Cần làm rõ tính pháp lý trong các hợp đồng chuyển nhượng tài sản

Trâm Trần-Dương Vương| 20/06/2019 17:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tin tưởng quan hệ thông gia, ông Bùi Văn Hoàn và bà Đinh Thị Thủy (ở Khối 1, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) ký tên vào giấy trắng để bà Trương Thị Hậu ghi nội dung mượn tiền. Đến khi bị cưỡng chế THA mới biết bà Hậu đã đứng tên sổ hồng nhà mình.

Thông gia “chiếm” tài sản?

Theo trình bày của ông Hoàn, bà Thủy: giai đoạn năm 2008, thị trường nông sản hạt điều, hạt tiêu ở Đắk Lắk bị rớt giá thê thảm khiến vợ chồng ông bà lâm nợ phải vay mượn khắp nơi. Thời điểm này, bà Thủy mượn của bà Trương Thị Hậu (quan hệ thông gia – anh ruột của bà Hậu là anh rể của bà Thủy) số tiền 720 triệu đồng để thanh toán tiền hàng.

Bà Thủy cho biết: “Mượn được tiền để trả ít nợ, hai vợ chồng tôi về quê Nghệ An chăm sóc cha mẹ già nên ngôi nhà gia đình đang sinh sống ở thị trấn Ea KNốp, huyện Ea Kar phải đóng cửa. Ít hôm sau, ông Trương Ngọc Vận về quê vợ ở Nghệ An, đưa tôi tờ giấy trắng nói tôi ký vào để ghi giấy mượn tiền cho bà Hậu nhằm mục đích giữ giúp ngôi nhà, tránh chủ nợ đến phá. Tin tưởng chỗ thông gia nên hai vợ chồng tôi ký tên, rồi nhờ anh Vận đưa cho bà Hậu”.

Đắk Lắk: Cần làm rõ tính pháp lý trong các hợp đồng chuyển nhượng tài sản

Hợp đồng chuyển nhượng ký năm 2001 nhưng CMND của ông Hoàn cấp năm 2004 và bà Hậu cấp 2008.

“Vượt qua giai đoạn khó khăn giải quyết nợ nần, gia đình tôi trở về ngôi nhà (diện tích 110m2 tại thửa đất số 57, tờ bản đồ số 2) ở thị trấn Ea KNốp sinh sống bình thường. Đến tháng 8/2016, hai vợ chồng thực sự sốc khi Chi cục thi hành án dân sự huyện Ea Kar đến nhà kê biên tài sản, tiến hành cưỡng chế...”, ông Hoàn thông tin thêm.

Sau khi tìm hiểu ông Hoàn, bà Thủy mới biết đất của mình đã đứng tên bà Trương Thị Hậu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ- sổ hồng, số sổ BA651451) từ ngày 7/5/2010 (không có sở hữu nhà ở, trong khi thực tế ông Hoàn đã làm nhà ở năm 2001). Có GCNQSDĐ, bà Hậu chuyển nhượng cho ông Trương Ngọc Sơn (em ruột bà Hậu) và vào tháng 12/2012 ông Sơn đã thế chấp ngân hàng BIDV để vay 500 triệu đồng.

Theo tìm hiểu được biết, 7 hộ dân sống liền kề đã xác nhận gia đình ông Hoàn xây nhà ở từ năm 2001, sinh sống ổn định từ đó cho đến nay. Không chỉ vậy, ông Lê Xuân Hùng (chủ thầu) cho hay, ông là người đã thi công nhà ở cho ông Hoàn vào năm 2001. Quá trình tìm hiểu về  GCNQSDĐ đứng tên bà Hậu, có nhiều điểm bất thường cần được làm rõ.

Đắk Lắk: Cần làm rõ tính pháp lý trong các hợp đồng chuyển nhượng tài sản

Các hộ dân hàng xóm xác nhận vợ chồng ông Hoàn xây nhà ở ổn định từ năm 2001 đến nay.

Cần làm rõ hợp đồng công chứng và việc cấp sổ đỏ

Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ghi ngày chuyển nhượng là 20/6/2001 thế nhưng ngày cấp chứng minh nhân dân (CMND) của ông Bùi Văn Hoàn được cấp ngày 21/10/2004, còn bà Trương Thị Hậu cấp ngày 25/3/2008.

Trong khi đó, ông Trương Ngọc Vận (anh ruột bà Hậu) là người trực tiếp đưa tờ giấy trắng cho vợ chồng ông Hoàn và bà Thủy ký khống, xác nhận ký vào năm 2008. Như vậy, mọi giao dịch dân sự liên quan đến thửa đất số 57, tờ bản đồ số 2 đều phải xác lập từ năm 2008.

Xét về Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trên rõ ràng không thể hiện đơn vị công chứng, lấy dấu vân tay ngón trỏ, đóng dấu giáp lai theo Luật đất đai năm 2003. Do đó, chỉ có cách xác lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trước thời điểm này mới hợp thức hóa thủ tục để được cấp GCNQSDĐ cho bà Trương Thị Hậu.

Đắk Lắk: Cần làm rõ tính pháp lý trong các hợp đồng chuyển nhượng tài sản

Ông Hoàn, bà Thủy vẫn sinh sống ổn định trong căn nhà mà bà Hậu đứng tên sổ hồng. (Ảnh phóng viên chụp vào tháng 4-2019).

Điều đáng nói, tài sản này ông Hoàn và bà Thủy mua lại của bà Nguyễn Thị Hồng vào năm 1992, chưa làm thủ tục cấp GCNQSDĐ, vậy nên càng không hiểu bằng cách nào bà Trương Thị Hậu có thể “phù phép” thành sổ hồng đứng tên của mình. Ngạc nhiên hơn, đối với thửa đất đang tranh chấp, tại giấy chuyển nhượng đất ở lập ngày 10/10/1992 giữa bà Nguyễn Thị Hồng với vợ chồng ông Hoàn bà Thủy là lô số 3, với số tiền 2,8 triệu đồng nhưng đến ngày 24/4/2007 mới được UBND thị trấn Ea KNốp xác nhận. 

Tại giấy sang nhượng này không thể hiện số thửa đất, tờ bản đồ nhưng tại Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Hoàn, bà Thủy với bà Hậu lập ngày 20/6/2001 được UBND thị trấn Ea KNốp xác nhận ngày 24/4/2007 (gần 7 năm) thể hiện thửa đất số 57, tờ bản đồ số 2. Việc xác nhận của UBND thị trấn Ea KaNốp là không đúng, bởi thời điểm này vợ chồng ông Hoàn, bà Thủy chưa được cấp GCNQSDĐ.

Quá ấm ức vì không nhiên... trắng tay, ông Hoàn, bà Thủy gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Ea Kar vào tháng 11/2016, yêu cầu hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà Trương Thị Hậu. Tòa án nhân dân huyện Ea Kar chuyển hồ sơ lên Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk thụ lý, tháng 9/2018 quá trình giải quyết Tòa đã bác toàn bộ nội dung khởi kiện của nguyên đơn. Không đồng tình với phán quyết của TAND tỉnh Đắk Lắk, ông Hoàn và bà Thủy đã có đơn kháng cáo đến Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

Đắk Lắk: Cần làm rõ tính pháp lý trong các hợp đồng chuyển nhượng tài sản

Bị thông gia chiếm đoạt quyền sở hữu đất trắng trợn, hai vợ chồng ông Hoàn mòn mỏi đi tìm công lý.

Ngày 11/6/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa này, HĐXX thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm chưa thực hiện đầy đủ việc thu thập chứng cứ, tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung, do đó Hội đồng xét xử tuyên Hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk, chuyển hồ sơ cho TAND tỉnh Đắk Lắk giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Liên quan đến các hợp đồng chuyển nhượng và việc tặng cho để thế chấp thể hiện nhiều điểm bất thường, Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Cần làm rõ tính pháp lý trong các hợp đồng chuyển nhượng tài sản