Một trong những điển hình của cạnh tranh không lành mạnh là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đó là việc sử dụng tên thương mại trùng hoặc tương tự, có khả năng gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp khác.
Đối với các doanh nghiệp mới thành lập, chi phí để hình thành nhận thức cho người tiêu dùng về thương hiệu của mình vốn là phần kinh phí không hề nhỏ chút nào. Và khi đã dần tạo dựng được thương hiệu của mình trong nhận thức của người tiêu dùng, họ lại dính phải những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, khó khăn lại chồng thêm khó khăn.
Cách thức để thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì khá đa dạng và phức tạp. Một trong những điển hình của hành vi này là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể đó là việc sử dụng tên thương mại trùng hoặc tương tự, có khả năng gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp khác. Đây có lẽ không còn là câu chuyện mới lạ trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam những năm gần đây.
Luật sư Đặng Kim Ngân Hà - đại diện Công ty Universal Network Connection (UNC) – một đơn vị đang gặp phải vấn đề xâm phạm tên thương mại cho biết: “Bắt nguồn từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh là do một vài nhân viên trước đây của UNC đứng ra thành lập, điều hành Công ty khác với tên gọi tương tự để kinh doanh sản phẩm dịch vụ giống với UNC. Nhà sáng lập tập đoàn UNC là Luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề tại Úc và đã từng làm việc tại Đại Sứ Quán Hàn Quốc tại Úc rất tôn trọng tinh thần thượng tôn pháp luật, ông đã rất bức xúc vì chính những người lao động này đã ký Cam kết về bảo mật với Công ty lại có thể phá vỡ những thỏa thuận giữa hai bên và có những hành vi xâm phạm đối với nơi mình đã từng làm việc. Công ty UNC hiện nay đang kết hợp với Luật sư Nguyễn Quốc Cường – Luật sư Điều hành công ty Luật TÍN AN để thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình”.
Công văn yêu cầu phía xâm phạm chấm dứt hành vi sử dụng tên trùng với UNC
Luật sư Nguyễn Quốc Cường cho biết, UNC đã phát hành công văn yêu cầu phía xâm phạm chấm dứt hành vi sử dụng tên trùng với UNC, trường hợp Công ty không chấm dứt hành vi xâm phạm thì Công ty UNC buộc phải nhờ đến sự giải quyết của Tòa án và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác.
Theo Luật sư Nguyễn Quốc Cường: “Căn cứ theo Luật Sở hữu trí tuệ thì mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Bên cạnh đó, việc sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn đã được bảo hộ của người khác còn vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Về hình thức xử phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì có thể bị phạt tiền và bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tước quyền sử dụng giấy phép cũng như chứng chỉ hành nghề. Đồng thời còn phải chịu trách nhiệm bồi thường về dân sự đối với tên thương mại đang được pháp luật bảo hộ”.