Xuân Mậu Tuất 2018 đã về trên khắp quê hương đất nước Việt Nam. Trong giờ phút thiêng liêng đón chào năm mới, người dân Việt Nam lại bồi hồi nhớ lại những vần thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xuân năm nay, nước ta kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bài thơ Xuân 1968 như một hiệu lệnh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tháng 12/1967, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân và dân ta, chủ trương chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới và quyết định mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Giao thừa năm Mậu Thân 1968, vần thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam:
"Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta...".
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra vào thời điểm rất bất ngờ đối với chính quyền Mỹ và Sài Gòn. Vào đúng thời điểm Giao thừa của Tết âm lịch, bài thơ chúc Tết của Bác đã trở thành hiệu lệnh mở màn cho chiến dịch. Đêm ngày 30, rạng ngày 31/1/1968, tức ngày mùng một Tết Mậu Thân, trên khắp chiến trường miền Nam, các lực lượng vũ trang quân giải phóng đã bất ngờ tấn công rộng khắp, đồng loạt đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Tại Sài Gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh, nhiều mục tiêu quan trọng như Dinh Tổng thống ngụy quyền, Bộ Tổng Tham mưu, Đài phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ,... đều bị tấn công. Tại thành phố Huế, quân ta đánh chiếm 39 mục tiêu quan trọng, giải phóng thành phố và chiếm giữ suốt 25 ngày đêm.
Để bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra đồng loạt trên khắp các thành phố, thị xã, thị trấn toàn miền Nam, thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết đồng bào cả nước đêm Giao thừa năm Mậu Thân 1968 là hiệu lệnh khởi phát cuộc Tổng tiến công. Lời thơ của Bác vang lên đã làm nức lòng quân dân hai miền Nam Bắc: "Thắng trận tin vui khắp nước nhà. Tiến lên, toàn thắng ắt về ta". Trong thời khắc lịch sử ấy, bài thơ Xuân 1968 có ý nghĩa đặc biệt.
Một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, vừa ngắn gọn, vừa dễ hiểu, Bác Hồ đã cho chúng ta cả một bài ca chiến thắng, một dự đoán thiên tài về sự tất thắng của quân và dân ta trong trận đánh lịch sử mùa xuân này. Điệp khúc “thắng trận”, “toàn thắng" vừa động viên khích lệ, vừa thôi thúc lòng người, giục giã mỗi bước chúng ta đi. Lời thơ như một mệnh lệnh để cả dân tộc muôn người như một, cùng hăng hái tiến lên, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...
Tin thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam càng khẳng định sức mạnh to lớn của quân dân ta trong những thử thách vô cùng quyết liệt của cuộc chiến đấu này. Còn có công việc nào trọng đại hơn công việc đánh giặc giữ nước và niềm vui nào lớn hơn niềm vui thắng trận.
Lời thơ chúc Tết của Bác đồng thời cũng là hiệu lệnh mở đầu cuộc tiến công và nổi dậy và truyền đi khắp mọi miền đất nước. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, khắc sâu vào lịch sử dân tộc một bản anh hùng ca bất diệt, đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi. Tinh thần mạnh mẽ của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom và đánh phá miền Bắc, thừa nhận chính thức Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngồi vào bàn đàm phán Paris để giải quyết chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Mùa xuân Mậu Thân 1968 đã trở thành mùa xuân đáng ghi nhớ trong lịch sử dân tộc ta. Một mùa xuân “hơn hẳn” những mùa xuân trước đó. Đó cũng là ý nghĩa những vần thơ “Thắng” của Bác Hồ ca ngợi chiến công oanh liệt của chủ nghĩa yêu nước và sức mạnh đoàn kết, quyết chiến quyết thắng, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
Bài thơ được nhạc sỹ Huy Thục, là một trong những người đầu tiên được vinh dự đọc trước bài thơ này. Ông đã phổ nhạc bài thơ và bài hát này đã vang lên ngay sau khi Bác đọc thư chúc Tết trên Đài Tiếng nói Việt Nam Tết Mậu Thân 1968.
Nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng bài thơ Xuân 1968 của Bác về mùa xuân thắng trận năm ấy vẫn lấp lánh hơi thở mùa xuân, vẫn sống mãi với thời gian như một bản tình ca bất tử, như một động lực tinh thần to lớn, thúc giục, hiệu triệu trái tim đồng bào cả nước tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cùng nhau hướng đến mục tiêu xây dựng nước nhà trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc.