Đời sống

Bài 2: Mường Tè (Lai Châu): ‘Vàng tặc’ lộng hành, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo PLVN 31/10/2023 09:33

UBND xã Mường Tè nhiều lần phát hiện việc có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép nhưng chỉ lập biên bản rồi để đấy, không báo cáo cấp trên, không có biện pháp ngăn chặn triệt để nên dẫn đến tình trạng “vàng tặc” công khai như thách thức pháp luật.

Viện dẫn nhiều lý do...

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, thời gian gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn bản Bó, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có diễn biến rất phức tạp. Lợi dụng việc được Nhà nước giao rừng để sản xuất, một số đối tượng từ địa phương khác đến khai thác vàng trái phép.

Tại đây, để khai thác vàng, các đối tượng sử dụng máy móc, huy động nhiều nhân lực để đào hầm lò, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn lao động. Đặc biệt, nếu việc khai thác vàng trái phép có sử dụng hóa chất nguy hại sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và sinh hoạt của người dân.

Trong buổi kiểm tra bãi khai thác vàng trái phép tại bản Bó, xã Mường Tè ngày 26/10, theo kiến nghị của phóng viên, lực lượng chức năng xã Mường Tè tuy không phát hiện người nhưng đã ghi nhận có các máy móc khai thác vàng sa khoáng trái phép, đường hầm dài lên tới cả trăm mét, dụng cụ, lán trại được dựng mới, đất đá có dấu hiệu mới được đưa từ bên trong ra.

a2.jpg
Ông Tống Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Mường Tè

Đầu giờ sáng cùng ngày, khi làm việc với phóng viên, Ông Tống Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Mường Tè khẳng định, việc khai thác từ tháng 3 chỉ là dấu hiệu, xã đã lên xác minh, các đối tượng chỉ bới bới vài mét nhưng đã bị ngăn chặn, lập biên bản. Thế nhưng, sau khi kiểm tra vào khoảng cuối trưa, ông Thinh lại cho rằng, lực lượng chức năng đi kiểm tra về báo cáo không phát hiện việc khai thác nên không biết sự việc nghiêm trọng như thế. Điều này cho thấy việc nắm bắt tình hình cơ sở của người đứng đầu UBND xã Mường Tè như thế nào!

Theo thông tin chúng tôi nắm được, khu vực khai thác vàng trái phép trên là rừng sản xuất được Nhà nước giao cho gia đình ông Tống Văn Phương, sử dụng với mục đích trồng cây lâu năm. Thế nhưng, không biết bằng cách nào, ông Phương lại có thể dễ dàng cho người ở địa phương khác đến lập lán trại, đào hầm, khoét núi để khai thác vàng trái phép, gây bất bình trong dư luận tại địa phương trong thời gian dài.

a3.jpg
Trụ sở UBND xã Mường Tè

Sự việc được người dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương, phía UBND xã cũng có động thái vào kiểm tra và lập biên bản. Theo đó, ngày 4/4/2023, UBND xã Mường Tè đã biên bản sự việc về việc tại nương sắn của ông Tống Văn Phương đang có một số đối tượng tụ tập, nghi vấn hoạt động khai thác vàng trái phép. Kết quả kiểm tra, tổ công tác phát hiện 1 lán tôn diện tích khoảng 20m2, 1 hầm đất được kiên cố cửa hầm bằng gỗ, có cửa khóa, chiều cao 160cm, rộng 1m, chưa xác định được độ sâu. Cũng tại thời điểm này, tổ công tác không phát hiện ai có mặt tại địa điểm trên.

Qua làm việc, ông Phương khai nhận lán tôn trên là của anh Vũ Ngọc Hoàng (tên gọi khác là Hậu) dựng lên thời điểm giữa tháng 3/2023, với mục đích chăn nuôi gà và anh Hậu đã xin phép ông Phương trước khi dựng lán. Trong đó có 1 hầm được kiên cố cửa hầm bằng gỗ, có cửa khóa không biết của ai, hình thành từ thời điểm nào(?!).

Tiếp đó, đến ngày 10/7/2023, UBND xã Mường Tè tiếp tục lập biên bản về sự việc như trên. Qua kiểm tra, xác minh, tổ công tác phát hiện vị trí đầu nương sắn, cách khe Huổi Tạo Khăm về phía trên đầu nguồn có dấu hiệu đào xới được tác động bởi con người, hình thành 1 hố đất có chiều sâu khoảng 2-3m, chiều rộng 70cm, cao 1m; trong hố đất có 1 can 20 lít bổ đôi buộc dây thừng dài 5m và vật liệu có nhãn, 1 ống điếu và 2 găng tay.

Lý giải về việc mặc dù phát hiện các dấu hiệu khai thác quặng vàng nhưng UBND xã chỉ dừng lại ở việc lập biên bản mà không có chế tài xử lý dứt điểm, người đứng đầu UBND xã Mường Tè cho rằng, chỉ biết có hoạt động đào bới và bởi không có chủ và cũng không xác định được việc đào để làm gì, nên rất khó để xử phạt hành chính.

Ngoài ra, lãnh đạo xã này còn viện dẫn các lý do khó khăn trong việc ngăn chặn hoạt động khai thác vàng trái phép không hiệu quả như lực lượng mỏng, đẩy đuổi liên tục nhưng lại tái diễn…

a4(1).jpeg
Lán "nguỵ trang" nhưng thực tế bên trong là hầm khai thác vàng trái phép.

Cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Sau khi làm việc với UBND xã Mường Tè, phóng viên đã trực tiếp đến UBND huyện Mường Tè để làm việc về những nội dung trên. Theo đó, một cán bộ tại đây rất ngạc nhiên khi phóng viên thông tin sự việc và cho biết đến ngay cả Chủ tịch UBND huyện cũng không biết.

“Chủ tịch có trao đổi lại, trước mắt để huyện có những chỉ đạo đối với các cơ quan chuyên môn xử lý sự việc này. Cơ quan Công an huyện và một số phòng ban liên quan sẽ lên xem thực tế để có hướng xử lý”, vị này nói.

Vẫn theo người cán bộ này, do phía UBND xã Mường Tè chưa báo cáo sự việc lên, nên lãnh đạo huyện chưa thể cung cấp được thông tin, sau khi các đơn vị chức năng xác minh, kiểm tra xong sẽ trả lời sau.

a5.jpg
Dụng cụ đào hầm được các đối tượng bỏ lại

Được biết, khai thác vàng là một trong những hoạt động chịu sự quản lý một cách nghiêm ngặt của các quy định pháp luật, trong đó có đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan các cấp.

Cụ thể, tại Điều 17 Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã quy định về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo UBND cấp huyện và các Sở, ngành lập phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt; UBND cấp tỉnh chỉ đạo cấp huyện, các ngành, lực lượng Quốc phòng, Công an ngăn chặn giải tỏa các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Đồng thời, Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm, để diễn ra kéo dài.

a6.jpg
Cửa vào "hầm vàng"

Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy ra trên địa bàn. Kịp thời báo cáo UBND cấp tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Bên cạnh đó, chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.

Đối với UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; Phát hiện và thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo UBND cấp huyện để chỉ đạo công tác giải tỏa…

Trước việc “vàng tặc” ngang nhiên hoạt động như trên, dư luận đặt dấu hỏi lớn về công tác kiểm tra, xử lý tụ điểm khai thác vàng trái phép của chính quyền địa phương.

Đề nghị UBND tỉnh Lai Châu nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi để “vàng tặc” liên tiếp lộng hành trên địa bàn bản Bó, xã Mường Tè, gây bức xúc cho người dân trong thời gian dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Mường Tè (Lai Châu): ‘Vàng tặc’ lộng hành, trách nhiệm thuộc về ai?