Bài 1: Thảm án trước thềm World Cup

congly.com.vn| 13/04/2012 11:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ án mạng đêm 12 rạng ngày 13-6-1994 đã dẫn đến một phiên tòa vô tiền khoáng hậu trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ. Một phiên tòa mà người Mỹ gọi nó là "Phiên tòa của thế kỷ - Phiên tòa của sự chia rẽ". Chỉ còn 5 ngày nữa là giải bóng đá thế giới World Cup khai mạc ngay trên đất Mỹ, thế nhưng vụ án đã thu hút hầu hết mọi chú ý của dân Mỹ.

OJ Simpson bị bắt vì tình nghị giết hại vợ cũ và người tình


Án mạng kinh hoàng


Con chó nhỏ màu trắng cứ sủa mãi, sủa mãi trước căn nhà số 875 đường Bundy, thành phố Brentwood. Nó đi theo một người hàng xóm về nhà. Ông ta để ý thấy trên bụng và chân nó có vết máu. Con chó kéo người đàn ông đến trước căn nhà số 875 và đứng nhìn chăm chăm vào lối đi dẫn vào nhà, ở đó có một thi thể nằm trên bậc thang trước cửa nhà. Ông ta liền gọi Cảnh sát. Hai sĩ quan Cảnh sát tuần tra đầu tiên có mặt tại hiện trường nhìn thấy một cảnh tượng trông giống như trong phim kinh dị. Xác một người đàn bà nằm sấp trên bậc thang dẫn vào nhà. Máu từ cổ và ngực chảy ra như một dòng suối trên lối đi. Phía bên phải, gần một bụi cây trong vườn là xác một một người đàn ông mắt mở trừng trừng với chiếc quần jean đẫm máu.


Ngay lập tức, Cảnh sát nhận diện được người đàn bà là Nicole Brown, chủ của căn nhà và là vợ cũ của O J Simpson. Cảnh sát tìm thấy hai đứa con của Nicole ngủ trên lầu, một 9 tuổi và một 6 tuổi. Họ đánh thức hai đứa trẻ dậy và đưa chúng đến Sở Cảnh sát Los Angeles để truy tìm thân nhân. Một nhân viên của Ban bảo vệ thú vật đến đem con chó nhỏ đi. Lúc này, Cảnh sát vẫn chưa nhận diện được xác người đàn ông. Ở một nơi án mạng như cơm bữa, vụ án lẽ ra sẽ không được dư luận quá chú ý nếu không liên quan đến O J Simpson, người đã từ một cậu bé da đen quậy phá trở thành một ngôi sao bóng bầu dục sáng chói trên bầu trời thể thao Hoa Kỳ, một vị “thánh sống” đối với những người hâm mộ môn thể thao đậm chất Mỹ này. Với thành tích thể thao rực rỡ, sau khi giải nghệ năm 1979, Simpson là một triệu phú với tài sản lên đến hàng chục triệu đô-la. Anh ta sống trong sự xa hoa khác hẳn với quá khứ nghèo khổ và trở thành hình mẫu thành công của người da đen ở Mỹ. Năm 1985, Simpson ly dị vợ và lấy Nicole Brown, một cô gái da trắng tóc vàng xinh đẹp. Năm đó Simpson 38 tuổi và Nicole 26 tuổi. Năm 1992, hai người ly dị. Nicole và hai đứa con dọn ra ở căn nhà trên đường Bundy, chỉ cách nhà Simpson vài trăm mét. Dù đã ly dị nhưng Simpson vẫn ghen tuông. Có lần Simpson đã nói với Nicole: "Nếu tôi thấy cô đi với một người đàn ông khác tôi sẽ giết cô". Người đàn ông bị giết cùng Nicole sau đó được xác định là Ronald Goldman, có vẻ là bạn trai mới của cô. Tuy nhiên, anh ta không đóng vai trò này được lâu. Trong đêm án mạng, Goldman cao 1.8 m, khỏe mạnh rắn chắc và có biết võ thuật đã bị quăng như một cái bị rách và bị kết liễu cuộc đời bởi một kẻ có sức mạnh phi thường.


Cuộc truy đuổi biến thành chương trình truyền hình


Ngay lập tức, mọi nghi vấn đều chĩa về phía ông chồng cũ vũ phu. Khi Cảnh sát đến dinh thự của Simpson, tang chứng quan trọng nhất thu thập được là một chiếc găng tay dính máu nằm trên lối đi. Chiếc găng tay này có vẻ là cùng một đôi với chiếc tìm thấy ở nhà Nicole. Cảnh sát cũng tìm thấy các vết máu từ cổng phía Tây dẫn ra đến chiếc xe Bronco ngoài đường. Bên trong vườn thì vết máu này dẫn đến cửa trước biệt thự. Lúc này O J Simpson đã được thông báo về vụ án mạng, anh ta hứa sẽ trở về nhà nội trong ngày. Lời chứng quan trọng của người tài xế lái xe limousine chở Simpson ra phi trường vào đêm 12-6 cho biết, đêm đó anh ta đến cổng biệt thự của Simpson vào lúc 10:25p.m. Anh ta gọi điện vào nhà mãi mà không thấy ai trả lời. Lúc gần 11 giờ đêm, anh ta thấy một người cao lớn mặc áo khoác đen hấp tấp đi từ cổng bên hông vào biệt thự. Một lát sau anh ta gọi điện lần nữa và nghe Simspon trả lời. Simpson bảo rằng anh ta ngủ quên và sẽ ra ngay. Một nhân chứng khác tên là Shively, hàng xóm của Nicole, khai rằng vào đêm xảy ra án mạng, bà có thấy một chiếc xe Bronco màu trắng chạy vượt đèn đỏ suýt gây ra tai nạn gần nhà. Bà ta nhận ra người lái xe chính là O J Simpson. Mặc dù chi tiết do Shively cung cấp rất quan trọng nhưng rất tiếc là sau đó bà ta đã xuất hiện trên truyền hình để kể lại chi tiết này và được trả ,000. Ðiều này vi phạm các quy định về người làm chứng. Shively sau đó đã không được gọi ra trước Tòa làm chứng. Kết quả xét nghiệm nhiễm sắc thể DNA cho thấy chiếc găng tay tìm thấy trong vườn nhà Simpson có mang vết máu của Nicole. Đã quá đủ cơ sở để ký lệnh bắt ngôi sao này.


O J Simpson cùng với một người bạn lên xe chạy trốn trong hoảng loạn và bị Cảnh sát truy đuổi. Trên bầu trời thành phố Los Angeles, hàng chục chiếc trực thăng của các đài truyền hình và Cảnh sát bay vần vũ. Các kênh truyền hình chính của Mỹ đồng loạt tường thuật trực tiếp vụ rượt đuổi. Những người ở gần đoạn đường chiếc xe của Simpson sắp chạy qua, biết được nhờ xem trực tiếp truyền hình, đổ ra hai bên đường vừa xem vừa reo hò như thể đang xem một cuộc diễn hành vậy. Cuộc rượt đuổi lố bịch theo vận tốc rùa bò đã kết thúc ở nhà của Simpson. Tại đây, Simpson đã đồng ý đầu hàng Cảnh sát và tra tay vào còng. Cuộc rượt đuổi chấm dứt, nhưng cuộc săn tìm công lý chỉ mới bắt đầu. Hôm đó là ngày giải bóng đá thế giới tổ chức tại Hoa Kỳ (World Cup 04) khai mạc, thế nhưng mọi sự chú ý đều được dồn vào diễn biến của vụ án.


Hải Yến (theo NYtimes)
(Kỳ sau: Phiên tòa gây chia rẽ nước Mỹ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Thảm án trước thềm World Cup