Bài 1- Còn nhiều hạn chế trong công tác hòa giải, đối thoại

Trần Quang Huy| 08/10/2018 19:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, được quy định trong nhiều văn kiện, các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hiệu quả còn hạn chế..

LTS: Thực hiện chủ trương của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương, TANDTC đã triển khai thực hiện Kế hoạch thí điểm đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp TP Hải Phòng.

Qua 6 tháng thực hiện thí điểm đã thu được hiệu quả tích cực mà Kế hoạch đề ra. Hiện nay, TANDTC tiếp tục triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại thêm tại 15 TAND cấp tỉnh. Kết quả thí điểm là cơ sở thực tiễn để xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Nhiều quy định khuyến khích tăng cường hòa giải, đối thoại

Trong những năm qua, các vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính luôn có xu hướng tăng mạnh với tính chất ngày càng phức tạp. Nhiều vụ án dân sự, hành chính đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm nhưng vẫn tiếp tục có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Các bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành đã gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, làm giảm niềm tin của người dân và xã hội đối với công tác Tòa án. Tranh chấp được Tòa án giải quyết xong nhưng mâu thuẫn giữa các bên trong vụ việc vẫn tồn tại. Cán bộ, công chức Tòa án quá tải trong công việc, số lượng biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu so với cơ cấu tố chức, bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án... Trước thực trạng trên, TANDTC đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác Tòa án, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong thực hiện các nhiệm vụ công tác nói chung và việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hành chính nói riêng. Trong đó, các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính là một trong những nội dung trọng tâm của TAND.

Bài 1- Còn nhiều hạn chế trong công tác hòa giải, đối thoại

Thẩm phán TAND quận Long Biên, Hà Nội hòa giải vụ án tranh chấp dân sự

Thực tiễn hệ thống pháp luật Việt Nam cho thấy, quy định pháp luật về hòa giải, đối thoại đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung tương đối căn bản trong quá trình cải cách tư pháp; trong đó, có nhiều quy định nhằm khuyến khích tăng cường hòa giải, đối thoại. Theo quy định của Bộ luật TTDS thì hòa giải là nguyên tắc cơ bản trong TTDS, là một trong những thủ tục tố tụng trong giai đoạn sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự và việc dân sự công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự. Bộ luật TTDS cũng quy định chế định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo đó, các bên có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành do các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hòa giải theo quy định của luật; nếu được Tòa án công nhận thì có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị. Còn theo quy định của Luật TTHC, Tòa án cũng có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh quy định về hòa giải, đối thoại trong TTDS, TTHC, pháp luật còn quy định một số loại hình hòa giải, đối thoại ngoài Tòa án như: hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể (về quyền, về lợi ích) theo quy định của Bộ luật Lao động; hòa giải thương mại theo quy định của Luật Thương mại và Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại; hòa giải tranh chấp đất đai của UBND cấp xã theo quy định của Luật Đất đai... Trong đó, đối với một số loại tranh chấp thì hòa giải ngoài Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền, còn được gọi là thủ tục tiền tố tụng. Kết quả hòa giải thành vụ việc ngoài Tòa án do cơ quan, tổ chức, cá nhân, người có thẩm quyền có thể được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận khi có yêu cầu.

Hiệu quả hòa giải, đối thoại còn hạn chế

Qua thực tiễn áp dụng, mỗi loại hình hòa giải đều đạt được những kết quả nhất định, nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của xã hội. Đối với hòa giải, đối thoại trong tố tụng, theo thống kê của TANDTC, trong những năm qua, tỷ lệ hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án cũng đã có nhiều tiến bộ, trung bình hàng năm đạt 50% số vụ án dân sự phải giải quyết và cá biệt có những Tòa án, tỷ lệ này đạt tới 60-70%. Tỷ lệ này là không thấp nhưng chưa đáp ứng đòi hỏi của tình trạng quá tải các vụ việc dân sự trước tố tụng tại Tòa án. Tỷ lệ đối thoại thành và đình chỉ giải quyết vụ án hành chính đạt gần 8% trong tổng số vụ án đã giải quyết. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là: chức năng chính của Thẩm phán là xét xử. Ngoài ra, khi hòa giải, Thẩm phán gặp phải những hạn chế nhất định về quyền hạn, kỹ năng; không ít Thẩm phán chưa chú trọng đúng mức đến công tác hòa giải, đối thoại; một số quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm trong hòa giải, đối thoại cứng nhắc, không linh hoạt...

Đối với hòa giải ngoài Tòa án, việc hòa giải được tiến hành theo Luật Hòa giải ở cơ sở đạt tỷ lệ cao (trên 80%). Tuy nhiên, nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được hòa giải, hòa giải không kịp thời, hòa giải không thành, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Hòa giải thương mại theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP đến nay mới chỉ có 2 Trung tâm trọng tài thương mại cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại và chưa có số liệu vụ việc hòa giải thương mại. Tỷ lệ vụ việc được hòa giải thành tranh chấp lao động đạt 60% nhưng số vụ được Hòa giải viên lao động thụ lý rất thấp, chưa có trường hợp nào đề nghị công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật TTDS.

Như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định về hòa giải, đối thoại trong TTDS, TTHC và một số phương thức hòa giải ngoài Tòa án. Mỗi phương thức hòa giải đều đạt được những kết quả nhất định nhưng chưa phát huy hết vai trò, hiệu quả từ bản chất của hòa giải nói chung. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới hiện trạng này là quy định của pháp luật thiếu sự kết hợp giữa Tòa án và các nguồn lực hòa giải ngoài Tòa án trong quá trình hòa giải. Phương thức hòa giải ngoài Tòa án có ưu điểm là linh hoạt, giàu nhân lực thực hiện nhưng kết quả hòa giải chỉ được thi hành khi các bên tự nguyện. Hòa giải trong tố tụng có giá trị pháp lý và được thi hành bằng quyền lực nhà nước nếu các bên không tự nguyện nhưng vướng nhiều hạn chế như tính cứng nhắc, không mềm dẻo, linh hoạt của thủ tục tố tụng. Để có sự kết nối giữa Tòa án và các nguồn lực xã hội khác thì cơ cấu, tổ chức, thủ tục, quy trình hòa giải, đối thoại đòi hỏi phải có tính đặc thù so với với TTDS, TTHC và các thủ tục hòa giải ngoài Tòa án.

Tăng cường hòa giải, đối thoại có thể giúp các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp mà không cần phải mở phiên tòa xét xử; rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc; tiết kiệm kinh phí của Nhà nước và các bên; hàn gắn những rạn nút trong các quan hệ xã hội, góp phần xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Bên cạnh đó, qua việc hòa giải, người tiến hành hòa giải còn giải thích, nâng cao nhận thức pháp luật cho các bên, giúp việc thi hành kết thuận lợi. Đặc biệt, khi hòa giải, đối thoại thành các bên thường tự nguyện thi hành án, đa số các trường hợp không phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Chính vì vậy việc nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính là một đòi hỏi thiết yếu trong quá trình cải cách tư pháp.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1- Còn nhiều hạn chế trong công tác hòa giải, đối thoại