Bác sĩ Lê Văn Lâm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa được Thủ tướng tặng bằng khen do có thành tích trong suốt quá trình công tác của cá nhân anh cũng như tập thể của khoa Hồi sức tích cực Chống độc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định tặng bằng khen cho 37 cá nhân và 8 tập thể của tỉnh Quảng Trị vì có thành tích trong công tác từ năm 2014 đến 2018. Trong số đó có bác sĩ Lê Văn Lâm - Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, người từng gây xôn xao cuối năm 2018 khi bất đắc dĩ phải "truyền bia giải rượu" cho bệnh nhân.
Trước đó vào ngày 25/12/2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tiếp nhận bệnh nhân là ông Nguyễn Văn N. (47 tuổi) nhập viện trong tình trạng hôn mê, hết sức nguy kịch do ngộ độc cồn công nghiệp Methanol có trong rượu.
Với tình trạng nguy kịch này, phác đồ điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu gồm lọc máu liên tục, truyền dịch, thở máy, bổ sung Ethanol... Loại Ethanol tiêu chuẩn phải là chế phẩm y tế, dung dịch 43%. Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị lại không có sẵn chế phẩm này. Vì vậy bác sĩ phải quyết định rất nhanh chóng dùng rượu hoặc bia có Ethanol để giải độc, kết hợp lọc máu mới cứu được.
Bác sĩ Lê Văn Lâm
Ban đầu bác sĩ Lâm tính dùng rượu truyền vào đường tiêu hóa bệnh nhân, vì rượu có nồng độ Ethanol cao hơn. Tuy nhiên lo ngại mua phải rượu giả, không đảm bảo chất lượng nên cuối cùng các thầy thuốc quyết định chọn bia. Bia có nồng độ Ethanol thấp hơn nhưng nguồn gốc, nhãn mác ghi độ rõ ràng hơn. Dựa trên đó, bác sĩ sẽ tính lượng bia dùng phù hợp với tình trạng bệnh nhân.
Sáng 26/12, bệnh nhân được truyền 15 lon bia, tương đương 5 lít. Quá trình truyền bia kéo dài khoảng hơn 12 giờ. Đến sáng hôm sau bệnh nhân có dấu hiệu hồi tỉnh. Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và xuất viện ngày 2/1/2019.
Bác sĩ Lâm sau đó giải thích, rượu có hai loại cơ bản là Etylic và Metylic (Methanol). Khi uống rượu vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa Etylic trước, sau đó đến Metylic. Trong đó, Etylic được chuyển hóa sẽ không gây ngộ độc nhưng Metylic được chuyển hóa thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.
Bác sĩ Lâm cũng cho biết, việc trao bằng khen này không phải là thành tích cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu bằng bia mà thực chất, đây là thành tích trong suốt quá trình công tác của cá nhân anh cũng như tập thể của khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.