Bác Hồ, người thầy vĩ đại của ngành Tòa án nhân dân

Chí Công| 11/09/2020 07:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngay từ những ngày mới giành được chính quyền (năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng đến công tác Tòa án. Người coi Tòa án là cơ quan trọng tâm của ngành tư pháp, là một hệ thống trọng yếu của chính quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, quan tâm xây dựng bộ máy các cơ quan Tòa án nhân dân ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945. Bác căn dặn cán bộ, Thẩm phán Tòa án phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, sâu sát quần chúng nhân dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; học tập chính sách của Chính phủ để nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ công tác; trong xét xử phải công bằng, liêm khiết, tận tụy phục vụ nhân dân.

Bác Hồ, người thầy vĩ đại của ngành Tòa án nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phải làm cho nhân dân hiểu rõ đường lối xét xử của Tòa án

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Tòa án đã nhanh chóng thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử, trừng trị nghiêm khắc các phần tử phản động, dập tắt âm mưu nổi loạn, cướp chính quyền của địch, góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ Ðảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân.

Không chỉ căn dặn về đạo đức, phương châm, đường lối công tác đối với cán bộ Tòa án, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc xét xử của Tòa án. Vụ xét xử án xảy ra ở Tuyên Quang trong những năm 50 của thế kỷ trước là một ví dụ.       

Khi đó, địa bàn tỉnh Tuyên Quang xảy ra một vụ trọng án. Ba chị em ở Phú Thọ rủ nhau lên Hà Giang buôn bán, gồm một phụ nữ cùng hai em thiếu niên (tầm 14,15 tuổi). Ba chị em đi thuyền từ Thị xã Tuyên Quang ngược sông Lô lên Hà Giang. Trên đường đi, ba chị em gặp một người đàn ông và một người đàn bà làm nghề “chở thuyền thuê”, và đã cho họ cùng lên thuyền. Lợi dụng trời tối, đến quãng nước sâu, cặp “chở thuyền thuê” đã sát hại cả ba chị em, phi tang xác xuống sông.

Vụ việc đã được Công an phát hiện, điều tra và truy bắt được cả hai kẻ thủ ác. Quá trình mở rộng điều tra đã tìm thấy hai kẻ này trước đó đã gây ra vụ giết người dã man khác… Năm 1951, anh C. nhà ở Thác Bà, thường xuyên đi buôn đường sông, ngược xuôi Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang. Một lần, đi cất hàng về, anh C. phát hiện vợ mình đang lả lướt với một gã đàn ông lạ mặt ngay trên thuyền. Anh bấm bụng nín nhịn. Tối đó, vợ anh C. cùng gã đàn ông lạ kia làm cơm rượu đãi anh. Ngỡ tưởng vợ và gã kia hối hận, dừng quan hệ, nên anh C. vui vẻ chuyện trò. Khi đã ngà ngà men rượu, anh C. bị vợ cùng gã đàn ông kia sát hại ngay trên thuyền. Nhằm trốn tội của cả hai vụ án, vợ anh C. cùng gã nhân tình trốn chạy vào vùng tạm chiếm…

Thời điểm đó, Đoàn Luật sư (cũ) được thành lập theo Sắc lệnh ngày 10/10/1945, nhưng đã tạm dừng hoạt động do hầu hết thành viên trong Đoàn đều tham gia công tác phục vụ kháng chiến. TAND tỉnh Tuyên Quang đề nghị Hội Phụ nữ tỉnh cử người bào chữa cho nữ bị cáo (vợ anh C.).

Tại phiên tòa xét xử, các bị cáo nhận tội và Hội đồng xét xử TAND tỉnh Tuyên Quang đã tuyên phạt cả hai bị cáo mức án tử hình.

Chỉ vài ngày sau khi phiên tòa kết thúc, Chánh án TAND tỉnh Tuyên Quang nhận được “Công văn khẩn” từ văn phòng Chủ tịch nước, yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án giết người vừa mới xét xử lên. Trước tình huống này, Chánh án tỉnh cùng Hội đồng xét xử TAND tỉnh Tuyên Quang hết sức lo lắng, không biết có điều gì sai không?

Chừng mấy hôm sau, Văn phòng Chủ tịch nước gửi lại hồ sơ cùng Công văn cho Tòa án tỉnh. Sau này, một đồng chí ở Bộ Tư pháp và đồng chí cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước đã tiết lộ cho các cán bộ Tòa án Tuyên Quang rằng: Hôm Tòa án tỉnh mở phiên tòa xét xử, đúng ngày Hồ Chủ tịch có việc đi công tác qua thị xã Tuyên Quang, Người đã quan sát, lắng nghe quần chúng nhân dân xì xào, bàn tán râm ran nhiều về vụ trọng án trên Sông Lô.

 Khi tiếp nhận hồ sơ vụ án từ Tòa án tỉnh, Người đọc đi đọc lại từng trang, từng đoạn, rồi hỏi han rất kỹ, tỷ mỷ về những tình tiết, chứng cứ, lời khai của từng bị cáo trong vụ án, nhất là đối với bị cáo nữ. Trước khi gửi trả hồ sơ cho TAND tỉnh Tuyên Quang, mặc dù trong Công văn gửi kèm đã chỉ đạo rõ về quan điểm, đường lối xử án, Hồ Chủ tịch vẫn không quên dặn các đồng chí ở Bộ Tư pháp, truyền đạt ý kiến tới Chánh án Tòa án Tuyên Quang rằng: "Trong công tác xử án, Tòa án phải tuyên truyền, giải thích thật đầy đủ, toàn diện về nội dung vụ án, về áp dụng luật để tuyên án, nhằm để đông đảo quần chúng nhân dân hiểu rõ về đường lối xét xử của Tòa án Cách mạng, hiểu rõ về việc xử án đúng đắn của vụ án đó".

Từ việc xét xử vụ án này, với sự quan tâm của Hồ Chủ tịch đến công tác xét xử cụ thể, TANDTC đã tổng kết, bổ sung thành nguyên tắc xét xử các vụ án hình sự, phổ biến, áp dụng trong các Tòa án cả nước: “Xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và được nhân dân đồng tình ủng hộ”. Nhân dân đồng tình ủng hộ bởi vì họ đã hiểu, đã nhận thức rõ về việc xét xử của Tòa án…

Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt

Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ Tư pháp, cán bộ Tòa án mà các thế hệ của ngành luôn thấm nhuần sâu sắc. Những lời dạy của Người đã trở thành kim chỉ nam, thành lẽ sống, nguyên tắc làm việc và động lực phấn đấu của người cán bộ Tòa án: “Cần, kiệm, liêm, chính”, “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Chính Bác đã thực hành những tôn chỉ đó đầu tiên, toàn diện và sâu sắc nhất để các thế hệ cán bộ ngành Tòa án học hỏi, noi gương.

Trong thư gửi đến Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 7 tại Việt Bắc năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những xích mích lẫn nhau, nó có thể vì quyền lợi nhỏ mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính. Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”.

Bác coi việc phát triển ngành tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói: Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ nhân dân, có được ánh sáng Ðảng dìu dắt.

Song song với tinh thần kiên quyết đấu tranh xử lý tội phạm, đấu tranh chống những hành vi xâm hại đến danh dự, uy tín của Ðảng, của Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện truyền thống khoan dung, nhân đạo của dân tộc. Bác nhắc nhở cán bộ tư pháp về phương châm xử lý cán bộ vi phạm pháp luật: “Không được vì công mà quên lỗi; không được vì lỗi mà quên công”.

Một phẩm chất không thể thiếu của người cán bộ Tòa án mà Bác luôn căn dặn là “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Tại Hội nghị cán bộ ngành tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Trong công tác xử án, phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ. Muốn làm tốt công tác xử án thì ngoài việc phải liêm khiết, trong sạch, người cán bộ tòa án phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc của người dân, qua đó sẽ giúp dân, cảm hóa dân và học ở dân những đức tính tốt đẹp, những kinh nghiệm nhằm giúp cho công tác xét xử tốt hơn.

Năm 1950, trong không khí khẩn trương chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới, lớp nghiên cứu chính trị, pháp lý cho gần 100 cán bộ tư pháp từ liên khu 5 trở ra đã được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc. Bác Hồ đã đến thăm và căn dặn nhiều điều quý báu. Sau khi phân tích sự khác biệt giữa Tòa án của ta và của đế quốc, Bác nói: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”.

Quan điểm chỉ đạo nêu trên của Bác đã mở đầu cuộc Cải cách tư pháp lần thứ nhất ở nước ta trên cơ sở quan điểm tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tăng cường cán bộ công – nông, đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, rèn luyện “óc pháp lý mới”. Sau đó, Bộ Tư pháp đã trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh dự án Sắc lệnh Cải cách bộ máy tư pháp và Luật Tố tụng với những mục đích rất rõ ràng là bộ máy tư pháp cần được “dân chủ hóa”, “để công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn”, “thủ tục tố tụng cần được hợp lý và giản dị hơn”.

Với ý nghĩa đó, ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp, xây dựng nên những nguyên tắc tiến bộ đầu tiên cho nền tư pháp non trẻ của nước ta.

Sau hòa bình lập lại, ngày 22/3/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 10. Bác căn dặn: Cán bộ Tòa án cần góp phần thực hiện đúng đắn nền pháp chế XHCN của nước ta, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, quyền lợi của nhân dân; đồng thời phải ngăn ngừa, trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ, phá hoại lợi ích của nhân dân, phá hoại công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc... Ngành tư pháp muốn khắc phục khó khăn phải đoàn kết nhất trí thực sự, muốn đoàn kết thực sự phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình, tự phê bình. Ðoàn kết sẽ giúp sức mạnh tập thể được nhân lên, giúp các cá nhân vượt qua mọi khó khăn, có sức mạnh đoàn kết thì việc khó mấy cũng vượt qua được. Người còn chỉ rõ, ngành Tòa án muốn làm tốt cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền, với các cơ quan tư pháp khác để hoàn thành nhiệm vụ của Ðảng và nhân dân giao cho.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua các giai đoạn lịch sử, những quy định về ngành Tòa án nhiều lần được cải cách, sửa đổi đã dần hoàn thiện và nâng cao vị trí, vai trò của ngành Tòa án, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ và cuộc sống bình yên của nhân dân. Thông qua hoạt động xét xử, ngành TAND đã góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ công lý, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.

Chặng đường 75 năm đã qua, thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch, các thế hệ cán bộ, công chức ngành TAND đã và đang ngày càng lớn mạnh, đáp ứng mọi nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ pháp chế XHCN. Để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình, các thế hệ cán bộ, công chức, nhân viên ngành Tòa án ngày nay tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với khẩu hiệu thi đua "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư" với phương châm "Gần dân, học dân, hiểu dân, giúp dân"  để ngành Tòa án nhân dân thật sự là công cụ sắc bén của Nhà nước pháp quyền XHCN, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ, người thầy vĩ đại của ngành Tòa án nhân dân