Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, qua phân tích mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh Moong Thị B. (SN 2006, quê ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), đang tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa), chiều 10/7, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xác định có thêm một trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu.
Bệnh nhân là B.H.G, sinh năm 1995, có địa chỉ thường trú Yên Phú, Lạc Sơn, Hòa Bình; tạm trú tại thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; làm nhân viên quán internet tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, Hiệp Hòa. Đây là một trong 15 trường hợp (F1) tiếp xúc gần với ca bệnh Moong Thị B.
Tiến hành điều tra dịch tễ ca bệnh B.H.G, cơ quan chức năng xác định: Từ tối 2/7 đến ngày 5/7, tối nào G cũng đi từ phòng trọ đến quán internet ở thôn Trung Tâm, (Hợp Thịnh) ngồi ăn cơm cùng bệnh nhân Moong Thị B. Từ 23 giờ 33 ngày 3/7 đến 2 giờ 50 ngày 4/7, G đi xuống quán hát Sông Quê ở Cầu Vát, xã Hợp Thịnh. Tại đây, G có ngồi hát, uống bia cùng 3 người khách tại quán, nhưng không biết rõ là ai, ở đâu, sau đó trở về phòng trọ. Từ ngày 4/7 đến 6/7, G chỉ ở phòng trọ và không đi đâu.
Ngày 7/7, sau khi biết Moong Thị B là F0, G đi khai báo dịch tễ tại Trạm Y tế xã Hợp Thịnh, sau đó về cách ly tại phòng trọ. G được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 vào ngày 7/7 có kết quả âm tính.
Chiều 9/7, G được lấy mẫu xét nghiệm lần 2; chiều 10/7, G có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu, được Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa chuyển ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Đông Anh, Hà Nội điều trị.
Tiến hành rà soát, truy vết, hiện cơ quan chức năng xác định có 7 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân G. Cả 7 trường hợp này đều có trong danh sách 15 trường hợp F1 đã được xác định và thực hiện cách ly y tế từ ngày 7/7.
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang chỉ đạo, hướng dẫn Trạm Y tế xã Mai Trung xử lý môi trường, khử trùng bằng Chloramin B với nồng độ 0,1% Clo tại phòng trọ của trường hợp tiếp xúc gần và khu vực xung quanh; đồng thời theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và điều trị dự phòng bằng kháng sinh các trường hợp tiếp xúc gần đang được cách ly trên địa bàn xã Mai Trung và Hợp Thịnh trong vòng 7 ngày; theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với ca bệnh xác định.
Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu, lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh và tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; rà soát các đối tượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 3 mũi vaccine BH-HG-UV-VGB- Hib và DPT4 trên địa bàn, tổ chức tiêm bù, tiêm vét vào các buổi tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo an toàn.
Liên quan đến ca bệnh Moong Thị B, sau hơn 3 ngày điều trị tích cực bằng kháng sinh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bệnh nhân không có các triệu chứng của bệnh, thể trạng tốt nên được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An tiếp tục điều trị, cách ly.
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Bệnh cũng có thể lây khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh; lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.
Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày với các biểu hiện lâm sàng chủ yếu như: Sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau, tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng. Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn.
Để phòng bệnh, tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất. Do đó các địa phương, gia đình cần thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể tiêm mũi 1 vắc-xin 5 trong 1 khi trẻ được 2 tháng tuổi; mũi 2 và 3 tiêm sau mũi 1 lần lượt 1 và 2 tháng; tiêm mũi 4 khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Khi nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân phải đeo khẩu trang và cách ly ngay tại cơ sở y tế; tiến hành điều trị đặc hiệu ngay cả khi chưa có kết quả xét nghiệm.