Bà Vương Thị Huyền – Giám đốc Khách hàng Doanh nghiệp VIB: “Sáng tạo hạ tầng tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp”

Hồng Thanh| 11/11/2015 17:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tuần lễ Hạ tầng Tài chính do Ngân hàng Thế giới Tổ chức năm 2015 vừa diễn ra với sự tham dự của một đại diện ngân hàng thương mại duy nhất đến từ Việt Nam: Bà Vương Thị Huyền – Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng Quốc tế Việt nam (VIB).

Bà Vương Thị Huyền – Giám đốc Khách hàng Doanh nghiệp VIB: “Sáng tạo hạ tầng tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp”

Bà Vương Thị Huyền – Giám đốc Khách hàng Doanh nghiệp VIB

Trở về từ sự kiện tài chính  quốc tế thảo luận về nền tảng hạ tầng cho hệ thống tài chính toàn cầu với những nhà đại diện sáng giá nhất từ các tổ chức, định chế tài chính trên toàn cầu, bà Huyền đã dành thời gian chia sẻ cùng DĐ DN một tầm nhìn mới về cấu trúc hạ tầng tài chính ngân hàng…

Một sự kiện tài chính quốc tế lớn như vậy, bà có thể dành đôi lời giới thiệu  và xin vui lòng cho biết tại sao ở Việt Nam, chỉ có đại diện nữ duy nhất được mời là bà, để tham gia sự kiện?

Hội thảo Tuần lễ Hạ tầng Tài chính do Ngân hàng thế giới tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Hội thảo năm 2015 tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham gia của gần 350 đại diện đến từ các ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý tài chính tiền tệ, các hãng luật, định chế tài chính, công ty cung cấp giải pháp thanh toán  thế giới để trao đổi cập nhật về các chuẩn mực quốc tế, thực hành tốt nhất về Hệ thống thanh toán chuyển tiền;

Hệ thống báo cáo tín dụng; Cho vay có bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm và các giải pháp thu hồi nợ.
Chất lượng hạ tầng tài chính ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng trung ương, cơ quan xây dựng và thực thi luật trong việc ban hành các thông tư, quy định pháp luật liên quan đến tài chính ngân hàng, các ngân hàng thương mại trong việc đánh giá rủi ro và cung cấp cấp tín dụng và các sản phẩm tài chính với các điều kiện cạnh tranh. 

Với cá nhân tôi, được mời đại diện cho người làm ngân hàng tham dự một cơ hội như vậy, là một niềm vui đặc biệt, đồng thời, là cơ hội tốt cho tôi, cũng như các thành viên tham gia chia sẻ các kinh nghiệm, thiết lập quan hệ và trao đổi các cơ hội hợp tác trong tương lai.

Bà mang đến sự kiện điều gì từ VIB, và từ Việt Nam?

Là một đại diện diễn thuyết tại Hội thảo theo lời mời của Công ty tài chính Thế giới (IFC), tôi đã đại diện cho VIB trình bày tham luận Phát triển năng lực của Tổ chức cho vay trong tài trợ chuỗi cung ứng, phân phối.

Dường như, VIB cũng đã và đang thực hiện chiến lược “Phát triển năng lực của Tổ chức cho vay trong tài trợ chuỗi cung ứng, phân phối” với các DN Việt Nam và quốc tế?

Các doanh nghiệp vừa và  nhỏ (SME) thường là các doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi cung ứng, phân phối của các doanh nghiệp sản xuất lớn. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp SME hiện nay còn hạn chế. Các ngân hàng quyết định cho vay SME chủ yếu vẫn dựa trên tài sản bảo đảm (TSBĐ) truyền thống là bất động sản và các tài sản cố định.

VIB là một trong số các ngân hàng thương mại Việt nam cho vay các doanh nghiệp SME dựa trên TSBĐ linh hoạt là động sản (hàng tồn kho, khoản phải thu).

Để hỗ trợ các doanh nghiệp SME tăng cường khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, VIB thực hiện đánh giá và cấu trúc giao dịch trong tổng thể chuỗi cung ứng phân phối, xây dựng năng lực quản trị rủi ro, ban hành các chính sách sản phẩm, quy trình, chương trình tín dụng phù hợp để quản trị rủi ro từ góc độ toàn chuỗi cung ứng phân phối, quản lý TSBĐ trong mối liên hệ chặt chẽ từ hàng tồn kho tới khoản phải thu và dòng tiền. Sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các doanh nghiệp sản xuất là yếu tố quan trọng giúp VIB triển khai thành công các chương trình tín dụng này.

VIB đã và đang nghiên cứu thúc đẩy các chương trình tín dụng tài trợ chuỗi cung ứng thông qua cơ chế chia sẻ thông tin và chia sẻ rủi ro với các tổ chức quốc tế như IFC, ADB, các công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, công ty bao thanh toán quốc tế, xây dựng và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, và tăng cường năng lực bán hàng và quản trị rủi ro của đội ngũ cán bộ kinh doanh, tích cực tham gia đóng góp ý kiến với Ngân hàng Nhà nước Việt nam trong việc ban hành, chỉnh sửa các chính sách, quy định liên quan đến tài trợ chuỗi cung ứng, phân phối.

Với những cơ hội FTA và TPP đang mở ra, theo bà, chiến lược cho vay tài chính trong chuỗi cung ứng phân phối của VIB nói riêng đang có cơ hội và những thách thức gì?

FTA và TPP sẽ tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mở rộng thị trường và quy mô, cho phép các doanh nghiệp mở rộng chuỗi cung ứng, phân phối.

Các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu gia tăng về dịch vụ ngân hàng và tài trợ chuỗi cung ứng phân phối trong nước và quốc tế.  Đây là cơ hội tốt cho các ngân hàng thương mại nói chung và VIB nói riêng thúc đẩy các hoạt động tài trợ thương mại, cho vay, quản lý dòng tiền cho các khách hàng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt nam cần tăng cường năng lực quản trị kinh doanh, cải thiện hiệu suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để hội nhập thành công. Các ngân hàng thương mại sẽ không chỉ đơn thuần là tổ chức cấp tín dụng mà cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc cung cấp các giải pháp tài chính phù hợp, tư vấn giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả kinh doanh, gia nhập thị trường mới thành công. 

Các ngân hàng trong nước cũng sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh mạnh hơn từ các định chế tài chính khu vực và quốc tế, do đó, việc tăng cường năng lực kinh doanh, củng cố và mở rộng quan hệ ngân hàng đại lý, đối tác quốc tế, nâng cấp hạ tầng công nghệ (e-platforms) là các công việc VIB sẽ ưu tiên triển khai trong thời gian tới. 

Từ sự kiện, bà kì vọng với những thông tin, thông điệp mới nhất, sẽ có những thay đổi về hạ tầng tài chính  cho hệ thống tài chính VN cũng như VIB?

Hạ tầng tài chính là phần thiết yếu của hệ thống tài chính. Sự tham gia tích cực và phối hợp tổng thể của các thành viên tham gia bao gồm ngân hàng trung ương, cơ quan pháp luật, ngân hàng thương mại, tổ chức cung cấp giải pháp thanh toán, đăng ký, … sẽ giúp cải thiện hạ tầng tài chính; ban hành và áp dụng các quy định, chính sách pháp lý và giám sát phù hợp, có thể thực thi; và tăng cường khả năng cung cấp các giải pháp sáng tạo và các sáng kiến để cải thiện khả năng cận vốn cho các doanh nghiệp, nâng cao vai trò và tính thực tiễn của hạ tầng tài chính.

Xin cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Vương Thị Huyền – Giám đốc Khách hàng Doanh nghiệp VIB: “Sáng tạo hạ tầng tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp”