Bà Rịa - Vũng Tàu: Người dân không yên tâm vì Quy định tạm thời

21/02/2015 12:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Quy định tạm thời về việc thuê khoán sử dụng đất rừng sản xuất do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý.

Tuy nhiên, quy định trên lại không nhắc đến việc bồi thường thiệt hại cho những người dân đã đầu tư tiền bạc trên đất nhiều năm qua...

Nỗi niềm ai tỏ của người thuê đất trồng rừng

Theo đó, 29 hộ dân đang có hợp đồng thuê đất trồng rừng tại huyện Xuyên Mộc đã bị Công ty Lâm nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi, điều chỉnh giảm diện tích giao nhận khoán những hộ trên 10ha ngay lập tức mà không nhắc đến việc đền bù thiệt hại do vi phạm hợp đồng giao nhận khoán trồng rừng trước đó. Nhiều người bị ảnh hưởng cho rằng, Quy định tạm thời mà UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành với hạn mức đất rừng sản xuất giao khoán cho hộ gia đình để trồng rừng kinh tế, tối đa không quá 10 ha là không công bằng. Bởi, Điều 22 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định: Hạn mức rừng phòng hộ, rừng sản xuất giao cho mỗi gia đình, cá nhân không quá 30 ha đối với mỗi loại rừng. Thời hạn cho thuê rừng sản xuất là từ 50 năm đến 70 năm nhưng quy định “tạm thời” của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có thời hạn từ 6-12 năm là không phù hợp với quy định hiện hành.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Người dân không yên tâm vì Quy định tạm thời

 Nhiều người đã “nhảy dù” vào trồng trên diện tích đất đang được giao khoán hợp pháp

 

Có thể thấy, quy định mới của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là mang tính áp đặt, ảnh hưởng đến quyền lợi những hộ nhận khoán trước đây. Theo quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng đều quy định trình tự, thủ tục thu hồi, phương án, giá cả bồi thường khi thu hồi đất trồng rừng. Thế nhưng, quy định này lại không nhắc đến việc bồi thường như thế nào, giá bồi thường ra sao là hoàn toàn không thấu tình, đạt lý.

Không những vậy, quy định mới cũng không tuân thủ quy định của Nghị định 135 về thứ tự đối tượng ưu tiên nhận khoán và thời hạn giao khoán. Việc hạn chế 6 năm phải thanh lý hợp đồng sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết. Hơn nữa, việc giảm diện tích giao khoán của người này để giao cho người khác là không thấu tình, đạt lý, trong khi người đang nhận khoán không vi phạm quy định về giao nhận khoán. Vì vậy, việc thực hiện quy định này có thể phát sinh bất ổn tại địa phương do kẻ xấu đòi hỏi quyền lợi về đất đai.

Cần tôn trọng hợp đồng

Ông Hoàng Ngọc Quyển, một người dân đang thuê đất trồng rừng cho biết: Trong Hợp đồng giao khoán sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu với người dân ghi rất rõ: Bên nhận khoán được quyền chủ động tổ chức sản xuất trên đất nhận khoán theo kế hoạch của bên giao khoán là Công ty Lâm nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu và được hưởng toàn bộ thành quả đầu tư trên đất nhận khoán sau khi hoàn thành nghĩa vụ đối với bên giao khoán và các khoản thuế, phí cho Nhà nước. Đặc biệt, trong hợp đồng còn ghi rất chi tiết: “Khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất giao khoán để sử dụng vào mục đích quốc phòng, dân sinh, xã hội khác thì được đền bù theo quy định hiện hành” và “Trường hợp bên giao khoán vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho bên nhận khoán thì phải bồi thường”. Ký kết với Công ty là vậy, nhưng trong Quy định “tạm thời” của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại không nhắc đến chi tiết này. Do đó, khi doanh nghiệp thực hiện việc thu hồi đất rừng mà người dân đang thuê mà không bồi thường thiệt hại là trái với quy định của pháp luật, trái với những điều khoản ghi trong hợp đồng.

Không hợp lòng dân

Vấn đề thu hồi hàng trăm ha đất đã giao khoán cho những hộ dân đang trồng rừng mà không đền bù thiệt hại là vô cùng nhạy cảm, thậm chí là rất nan giải, khó lòng thực hiện được. Các hộ dân thuê đất rừng sản xuất đều là cán bộ đã từng làm việc cho lâm trường nên rất am hiểu quy trình trồng, chăm sóc rừng và trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Ông Trần Danh Hòa, người đang thuê đất trồng rừng khẳng định: Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, tiền của với bao tâm huyết, mồ hôi, nước mắt, thậm chí là xương máu của cả gia đình trong đó. Vậy mà, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại ra quyết định tạm thời để thu hồi đất rừng sản xuất mà chúng tôi đã được giao khoán một cách hợp pháp, đúng pháp luật là điều không thể nào hiểu nổi.

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 2539/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quy định tạm thời về việc quản lý, giao khoán sử dụng đất rừng sản xuất do Công ty Lâm nghiệp quản lý thì chính công ty này cũng thừa nhận những nội dung trên có phần không tuân thủ quy định hiện hành. Tuy nhiên, trước mắt Công ty phải chấp hành quyết định của UBND tỉnh. Nhưng, trong quá trình thực hiện sẽ lắng nghe ý kiến của hộ nhận khoán để báo cáo UBND  tỉnh và Sở Nông nghiệp & PTNT có giải pháp phù hợp.

Như vậy, có thể thấy, quy định “tạm thời” về việc giao khoán đất rừng của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thể dẫn đến mất an ninh trật tự từ những hộ dân ở các xã bị thu hồi đất rừng mà không được đền bù thiệt hại. Quyết định đã ban hành không tạo được sự đồng thuận giữa bên nhận khoán và bên giao khoán, dẫn đến việc tranh chấp là điều không thể tránh khỏi. Việc hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ dân bị “xóa đi làm lại” thành quả giao khoán rừng theo quyết định tạm thời ở huyện Xuyên Mộc khiến cho hàng ngàn ha rừng bị tàn phá là hậu quả nhãn tiền đang diễn ra trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu: Người dân không yên tâm vì Quy định tạm thời