Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay cả nước có trên 8,8 triệu người có công, chiếm gần 10% dân số, trong đó có hơn 117.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Trong số ngàn vạn bà mẹ ấy, có không ít những bà mẹ người dân tộc thiểu số tiễn chồng con ra trận, rồi đau đớn đón nhận hung tin, rồi khắc khoải sống cho tới ngày khuất bóng. Tôi đã từng gặp một Bà mẹ Việt Nam anh hùng như thế, giữa khuất lấp bốn bề sương giăng núi phủ Mường Tè.
Đất thiêng sinh những anh hùng
Tỉnh lộ 127 uốn mình theo triền sông Đà đưa dẫn tôi đến với Mường Tè (Lai Châu) - quê hương của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lý Khờ Pớ (SN 1921, mất ngày 16/1/2014), người dân tộc Hà Nhì - vào một ngày cuối đông năm 2013. Khi đó, mẹ Pớ vừa bước sang tuổi 93 và đang sống cùng người cháu tên Lù Hà Chê, một nhân viên viễn thông, trong ngôi nhà tình nghĩa. Con trai duy nhất đã hy sinh, chồng mẹ cũng đã qua đời cách đây gần 40 năm, nhưng mẹ không cô đơn.
Hôm đó, biết có khách đến thăm, nên mẹ đã bảo đứa cháu dâu mặc cho bộ quần áo truyền thống của người Hà Nhì rồi ngồi đợi sẵn bên cửa võng. Mẹ nói tiếng Hà Nhì, còn người cán bộ vận động quần chúng đi cùng tôi thì kiêm luôn phiên dịch. Mẹ bảo, quê mẹ ở bản Lò Ma, xã Ka Lăng, vùng đất bé như bàn chân trâu nhưng xa hút tít nơi đầu nguồn con nước sông Đà. Muốn đến đó, cũng phải mất một ngày đi xe.
Truyền thuyết kể rằng xa xưa có một con voi đã đi qua vùng ấy, thấy đồi núi nhấp nhô nhưng khí hậu mát lành thì dừng lại đằm mình trong một vũng nước. Khi nó đứng dậy bỏ đi thì vũng nước đằm trở thành một khu ruộng trũng phì nhiêu, nuôi lớn cây lúa, cây đậu trở thành nguồn lương thực chính cho người Hà Nhì sống trong vùng. Chính vùng đất thiêng này đã kết tinh thành hào khí của núi rừng. Người Hà Nhì sống ở đây đàn ông thì gan dạ, đàn bà thì đảm đang, cả đời chỉ biết cúi đầu bái lạy tổ tiên chứ chưa bao giờ chịu cúi đầu khuất phục kẻ thù, trong đó có gia đình mẹ Lý Khờ Pớ.
Sự giác ngộ cách mạng của đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Ka Lăng, Mường Tè, trong đó có gia đình mẹ Lý Khờ Pớ có một phần nguyên nhân là do vùng đất heo hút này một thời bị thực dân Pháp biến thành chốn lưu đầy, quản thúc các nhà chính trị cộng sản. Bản Giẳng, cách bản Lò Ma quê mẹ Pớ không xa từng là nơi quân Pháp lưu đầy Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vì tội “phát tán truyền đơn bất hợp pháp”.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lý Khờ Pớ
Cụ Pờ Chớ Chừ, bậc trưởng thượng của bản Giẳng kể lại: “Khi ông Thọ bị Pháp đày lên đây. Ông được đưa đến ở trong nhà bà On. Lúc đó tôi còn nhỏ, khoảng chừng 14 - 15 tuổi gì đó. Đám trẻ con chúng tôi hay đến chơi với ông, nghe ông kể chuyện và rất háo hức với những điều mới mẻ. Ông Thọ còn dạy đám trẻ con chúng tôi nói tiếng Kinh, học chữ và khơi dậy cho chúng tôi về tình yêu quê hương đất nước, về khát vọng no ấm, tự do, bình đẳng giữa các dân tộc miền núi và miền xuôi. Năm 1986, khi ông về thăm lại bản, chúng tôi cũng đã rất vui mừng đón tiếp ông. Khi đó dù đang là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Nhà nước, nhưng ông rất giản dị, hoà đồng với bà con dân bản”.
Như bao người phụ nữ Hà Nhì khác, cuộc đời mẹ Pớ quanh năm đói khổ, phải đào củ mài, củ nâu đắp đậy qua ngày. Mẹ sinh được 2 con nhưng chỉ nuôi được mình anh Lý Hừ Po. Sinh con đã khó, nuôi con còn khó nhọc gấp nhiều lần. Mẹ nhớ những ngày anh Po đau ốm, mẹ lên rừng hái lá thuốc. Đói vàng mắt nhưng mẹ vẫn dành cho anh những bắp ngô non, những hạt gạo hiếm hoi… Mẹ nhớ lúc anh Lý Hờ Po còn nhỏ, mẹ cho anh đi học. Mỗi ngày, mẹ gói cơm vào lá chuối, lá dong cho anh mang đến lớp.
Nhờ biết được con chữ, anh Lý Hờ Po mới biết Tổ quốc Việt Nam trải dài từ những mỏm đá vùng Tây Bắc đến mũi Cà Mau. Và cũng nhờ những con chữ, chàng trai Hà Nhì ở vùng đất Ka Lăng mù sương xa xôi mới biết đất nước mình gồm mấy mươi dân tộc anh em và một nửa trong số đó còn đang phải chịu sống trong bom đạn chiến tranh, tận cùng lầm than, đói khổ…
“Con mẹ sẽ không cô đơn, vì nó còn đồng đội”
Truyền thống kiên cường chảy trong huyết quản Hà Nhì, lòng yêu nước được nuôi dưỡng từ câu hát ru của mẹ, từ câu chuyện của người già, những con chữ kể về một đất nước lầm than đang cần thanh niên xả thân cứu nước đã thôi thúc chàng trai người Hà Nhì Lý Hờ Po làm đơn xin vào bộ đội. Anh muốn được đi chiến đấu để đất nước không còn bị chia cắt, non sông liền một dải, để mấy mươi dân tộc anh em cùng được sống trong hòa bình, thống nhất… Trong ký ức mẹ, anh Lý Hừ Po là một chàng trai khỏe mạnh, đẹp trai, vui tính, cởi mở, chịu thương, chịu khó. Anh có yêu một cô gái tên là Hà Pứ, người cùng bản nhưng tạm gác tình riêng, anh lên đường đi đánh giặc.
Khi ấy, nhiều kẻ xấu đi rỉ tai các bà mẹ ở Ka Lăng rằng, người Hà Nhì ở đây yên ổn, có đất đai rộng lớn phì nhiêu, có suối nước trong lành, có rừng đầy hoa trái sao lại bỏ tổ tiên, bỏ quê hương đi xứ lạ đánh nhau. Đừng ai cho con đi bộ đội, cứ ở nhà sẽ có người mang gạo, muối, vải... đến cho. Lúc đầu mẹ Lý Khờ Pớ cũng băn khoăn lắm nhưng chứng kiến những cán bộ cách mạng về bản gắn bó cùng nhân dân, nói lời đĩnh đạc, làm việc thẳng ngay chứ không lén lút như kẻ xấu nên mẹ dần yên cái bụng.
Vậy là mẹ Pớ chuẩn bị hành trang cho con lên đường vì nghĩa lớn. Không những thế, mẹ còn vận động bà con trong bản không nghe bọn xấu xúi giục, phải cho con đi bộ đội để đánh đuổi kẻ thù. Thấy mẹ Pớ chỉ có một con trai mà còn dám cho đi cầm súng đánh giặc, vậy là dân bản nghe theo, nhà nào có con trai đều cho con xung phong đi bộ đội.
Một góc Ka Lăng
Tháng 12/1967, Lý Hừ Po nhập ngũ và hy sinh tại mặt trận Tây Nam của nước bạn Lào, vào ngày 14/4/1971. Khi giấy báo tử của anh Po được cán bộ mang về, mẹ hỏi: “Thế con trai tôi đang nằm ở đâu?”. Không ai trả lời. Mẹ hiểu điều đó cũng có nghĩa là không ai biết. Mẹ đành tự an ủi: “Nó cũng chẳng thể cô đơn bởi xung quanh còn đồng đội”. Cô gái Hà Nhì biết tin đã chạy đến ôm chầm lấy mẹ Pớ khóc vùi. Nước mắt hai người đàn bà lẫn trong tiếng gió rừng. Mặc cho lòng đau như cắt, nhưng mẹ Pớ không muốn bà con trong bản có con đang cầm súng nao núng, mẹ đã cắm một cành cây xanh trước cửa như đồng bào Mông vẫn làm để muốn thông báo rằng đừng ai buồn nỗi buồn của mẹ.
Bốn mươi lăm năm đã trôi qua, không mấy người được tận mắt thấy chùm lá xanh buộc trước cửa nhà nhưng ai nấy đều rưng rưng nước mắt khi nghĩ về nỗi đau và sự can trường của mẹ. Tấm bằng Tổ quốc ghi công được treo trang trọng trong gian phòng khách nhà mẹ chỉ có vài thông tin giản lược: “Liệt sĩ Lý Hờ Po sinh năm 1949. Nhập ngũ tháng 12/1967. Hy sinh ngày 14/4/1971, ở Mặt trận phía Tây”. Anh hy sinh mà chưa kịp có một tấm ảnh để thờ, cũng không còn để lại vật kỷ niệm nào. Mẹ bảo, hồi anh Po đi bộ đội cũng có viết thư về cho mẹ, mẹ giữ gìn cẩn thận cùng quần áo, sách vở của anh nhưng có lần nhà ở Ka Lăng bị cháy nên chẳng còn lại thứ gì.
Nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai thì vào năm 1979, chồng của mẹ Lý Khờ Pớ cũng đột ngột qua đời. Nước mắt sau chan vào nước mắt trước. Chỉ trong vòng chưa đến chục năm, mẹ đã mất đi hai người thân yêu nhất. Từ bấy, mẹ sống lặng lẽ trong căn nhà lá nằm hiu hắt ngoài rìa bản Lò Ma. Mỗi bữa cơm, mẹ vẫn thường lấy thừa ra hai chiếc bát, đặt nghiêm ngắn trên mâm như chờ đợi ai về…
Anh Lù Hà Chê, cháu gọi mẹ là dì ruột, kể rằng sau khi anh Po hy sinh được dăm năm, chồng mẹ cũng mất nên anh đã bàn bạc với gia đình đón mẹ xuống thị trấn ở cùng để tiện chăm sóc. Năm 1994, sau khi được nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Nhà nước đã xây tặng mẹ căn nhà tình nghĩa ngay trong thị trấn. Gia đình anh cũng dọn về ở cùng cho mẹ vui và tiện bề chăm sóc. Khi có điều kiện, anh đã cùng chính quyền địa phương tổ chức đi tìm mộ liệt sĩ Lý Hờ Po để mẹ yên lòng nhưng vẫn chưa có thông tin nào hữu ích. Còn mẹ, cho đến lúc cuối đời vẫn tự an ủi mình và mọi người bằng câu nói đã từng nói cách đây 45 năm, rằng “Nó chẳng thể cô đơn bởi xung quanh còn đồng đội”.