AVF: Lần đầu tiên lỗ và câu chuyện lãi vay “đánh bay” thành quả

05/06/2014 09:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc AVF phải gồng mình trả lãi vay lớn đã kéo KQKD tụt dốc từ năm 2010. Bên cạnh đó, khả năng thanh toán luôn ở mức báo động cao khi nguồn tiền mặt ít và bị chiếm dụng vốn nhiều.

KQKD quý 1/2014 bất ngờ lỗ, lần đầu tiên kể từ năm 2010. Đây là quý đầu tiên kể từ năm 2010, CTCP Việt An (HOSE: AVF) có LNST quý âm với 7.8 tỷ đồng. Nguyên nhân là do: (1) Doanh thu sụt mạnh khi quý 1/2014 chỉ đạt 105.4 tỷ đồng, giảm tới 72.6% so với quý 1/2013. (2) Lỗ hoạt động tài chính gia tăng. Mặc dù chi phí lãi vay quý 1/2014 là 13 tỷ đồng, giảm 17.8% nhưng doanh thu tài chính đã giảm mạnh chỉ còn gần 0.9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 8.9 tỷ đồng, đã khiến cho lỗ hoạt động tài chính trong quý 1/2014 là 12.2 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ có 6.8 tỷ đồng).

AVF: Lần đầu tiên lỗ và câu chuyện lãi vay “đánh bay” thành quả

Mặc dù đạt được sự cải thiện trong việc giảm chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và lợi nhuận khác gia tăng nhưng điều này cũng không thể giúp AVF tránh khỏi việc thua lỗ.

Năm 2013, hoạt động tài chính của AVF tiếp tục lỗ nặng tới 73 tỷ đồng do chi phí lãi vay vẫn ở mức cao với 78.5 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới LNST năm 2013 chỉ đạt 17.9 tỷ đồng, giảm 44.6% so với năm 2012. Lãi vay này chủ yếu là của các khoản vay ngắn hạn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả lợi nhuận của AVF từ năm 2010 đến nay không thực sự tích cực khi phải gồng mình trả chi phí lãi vay lớn.

Tài sản ngắn hạn tập trung 1/2 ở các khoản phải thu. Vốn lưu động chưa cải thiện. Hết quý 1/2014, các khoản phải thu ngắn hạn của AVF là gần 754 tỷ đồng, chiếm 50.7% tài sản ngắn hạn. Dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi là 40.3 tỷ đồng, chỉ chiếm 5.3% tổng khoản mục phải thu ngắn hạn.

Khoản phải thu khách hàng của AVF liên tục sụt giảm từ năm 2013 đến nay và hiện chỉ còn 233 tỷ đồng, giảm 13.6% so với cuối năm 2013 và giảm 51.8% so với năm 2012. Tuy vậy, khoản mục trả trước người bán lại gia tăng đáng kể trong thời gian này. Hiện khoản mục này có tổng giá trị là 369 tỷ đồng, tăng 11.6% so với năm 2013 và 91.5% so với năm 2012.

Với thực tế này, nguồn vốn lưu động của AVF vẫn chưa có nhiều cải thiện. Việc khoản mục trả trước ngưới bán gia tăng mạnh trong thời gian qua có thể xuất phát từ việc AVF hỗ trợ nông dân để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào.

Vay ngắn hạn hơn 1,278 tỷ đồng, trong khi tiền mặt chỉ hơn 40 tỷ đồng. Kết thúc quý 01/2014, tổng nợ vay của AVF là 1,282 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 1,278.4 tỷ đồng, chiếm tới 99.7%. Điểm lưu ý là khoản vay ngắn hạn chiếm hơn 89.3% tổng nợ ngắn hạn, trong khi tiền và các khoản tương đương tiền luôn ở mức thấp, cuối quý 1/2014 là 40.3 tỷ đồng. Mặt khác, AVF bị chiếm dụng vốn khá nhiều khi các khoản phải thu ngắn hạn chiếm một nửa tài sản ngắn hạn, bên cạnh đó hàng tồn kho cũng luôn duy trì ở mức cao. Hiện hệ số thanh toán của AVF duy trì ở mức 1.04 lần trong khi hệ số thanh toán nhanh chỉ ở mức 0.65 lần.

Như vậy, rủi ro thanh khoản của AVF vẫn đang hiện diện. AVF cũng đã thực hiện chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tái cơ cấu tài chính, nhưng xem ra không thấm thía gì so với khoản nợ “khủng” này. Quý 1/2014, AVF đăng ký chào bán 13.98 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đã thu về được gần 69.9 tỷ đồng (giá phát hành 5,000 đồng).

AVF không có thuyết minh cụ thể các khoản vay ngắn hạn là từ ngân hàng nào cũng như tài sản đảm bảo. Ngay cả trong BCTC kiểm toán năm 2013 cũng chỉ đề cập đến tài sản đảm bảo là quyền thu hồi nợ của các bộ chứng từ xuất khẩu, tài sản cố định, quyền sử dụng đất của công ty và các tài sản cá nhân của ông Lưu Bách Thảo – Chủ tịch HĐQT mà không có nhiều chi tiết hơn.

Hoạt động kinh doanh khó khởi sắc trong năm 2014. Doanh thu của AVF có được phần lớn là từ xuất khẩu thành phẩm chủ yếu là cá tra fillet đi Mỹ (60%), Châu Âu (33.21%), Nga (3.42%),… Do đó, doanh thu của AVF sẽ chịu nhiều tác động từ các yếu tố:

(1) Công ty liên tục đối diện với các vụ kiện chống bán phá giá, đặc biệt là từ thị trường Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 9 (POR9) giảm còn 0.42USD/kg, nhưng vẫn khá cao đối với mặt hàng cá tra fillet xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

(2) AVF đang phải chịu hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn trong việc giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trước đây là Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ - FDA.

(3) Xu hướng giá giảm và chưa thể tăng sớm trở lại, đồng thời sức mua ở các thị trường xuất khẩu giảm, đặc biệt là thị trường châu Âu do khủng hoảng kinh tế ở khu vực này.

Đồng thời, AVF còn bị ảnh hưởng bởi: (1) Nguồn nguyên liệu khủng hoảng trầm trọng do người nông dân bỏ ao nuôi do giá bán không bù đắp đủ giá thành. (2) Gánh nặng lãi vay ngắn hạn tiếp tục ở mức cao.

Phát triển thêm lĩnh vực sản xuất – chế biến rau quả xuất khẩu. Hiện AVF đã chuẩn bị vùng nguyên liệu sẵn sàng cung cấp đủ cho nhà máy chế biến đang được xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động cuối quý 2/2014. AVF hy vọng trong năm 2014, sau cá tra thì rau/củ/quả sẽ có sự đóng góp lớn vào lợi nhuận của công ty.

Thu Hoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
AVF: Lần đầu tiên lỗ và câu chuyện lãi vay “đánh bay” thành quả