Đầu giờ chiều 12/10, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 7 với tên gọi quốc tế là bão Nangka.
Liên tiếp hình thành bão số 7 và số 8
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 12/10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở ngay phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ 110,0 đến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Áp thấp nhiệt đới trên biển đã mạnh lên thành bão số 7. Ảnh: NCHMF
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sáng 12/10, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, phức tạp của bão số 7 là sau khi vượt qua đảo Hải Nam, bão sẽ vòng vào Vịnh Bắc bộ kết hợp với không khí tràn xuống sẽ gây ra gió mạnh, mưa lớn và di chuyển rất khó lường.
Bão số 7 khả năng sẽ gây mưa to cho phía Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong ngày 14-15/10.
Đáng nói, trong vài ngày tới, khu vực Trung trung bộ vẫn sẽ mưa to, đặc biệt trong ngày và đêm nay, 12/10. Sông Thạch Hãn có khả năng vượt lũ lịch sử năm 1999 là 0,11m.
Ông Lâm cho biết thêm: “Thêm một lo ngại nữa là ở phía Nam Philippines đã hình thành một vùng thấp, dự báo tới ngày 15/10 sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và khả năng cao sẽ mạnh lên thành cơn bão số 8".
Cũng trong cuộc họp sáng nay, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cảnh báo, khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên sắp tới khả năng sẽ bị ảnh hưởng liên tiếp của hai cơn bão số 7 và số 8.
Hiện nay, mưa lũ ở Trung bộ gây thiệt hại không nhỏ và chưa khắc phục được hết. Thiên tai đợt vừa qua rất lớn, tác động vượt quá khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng ta.
Nhiều khu vực còn thiếu kỹ năng, việc chấp hành luật pháp kém, còn chủ quan, chỉ đạo còn trên giấy tờ, chưa chỉ đạo thực tế ở hiện trường, vụ việc tàu Vietship 01 vừa qua là một minh chứng.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến và chủ động phòng, tránh bão
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và tình hình mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp tại khu vực Trung Bộ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; các bộ ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7. Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện. Quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời khi có tình huống. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương hướng dẫn neo đậu và có phương án đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có lũ lớn, nhất là với các tàu vận tải, tàu vãng lai.
Đối với tuyến đất liền, tiếp tục triển khai nghiêm túc Công điện số 1372/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ động phương án vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Bên cạnh đó, tập trung triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi. Sẵn sàng phương án tiêu thoát nước tại các khu vực trũng thấp, các khu đô thị, khu dân cư tập trung đề phòng xảy ra ngập lụt khi có mưa lớn.
Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị Bộ Ngoại giao chủ động liên hệ với các nước, vùng lãnh thổ để hỗ trợ phương tiện, tàu thuyền và ngư dân của ta phòng, tránh bão đảm an toàn. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo nhà mạng nhắn tin cho thuê bao vùng bị ngập lũ, những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng tránh…