Áp dụng Thông tư liên tịch số 17/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP: Các cơ quan tiến hành tố tụng cần có nhận thức đúng

Hương Lan| 18/06/2015 06:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ở kỳ trước, chúng tôi đã đề cập về sự cần thiết và phù hợp của Công văn số 234/TANDTC-HS của TANDTC và Thông tư liên tịch số 17 của liên ngành trong việc giám định hàm lượng chất ma túy.

Theo các chuyên gia, các cơ quan tiến hành tố tụng cần có nhận thức thống nhất để áp dụng đúng và hiệu quả quy định tại Thông tư 17.

Mỗi cơ quan một quan điểm

Vụ Chung Chí Thành bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” (Điều 194 BLHS) là một vụ án từng gây nhiều tranh cãi trong nội bộ các cơ quan tố tụng xung quanh việc Thành có phạm tội hay không. Cơ quan điều tra dựa vào hàm lượng ma túy đã tách để không khởi tố vụ án nhưng VKS cho rằng phải dựa vào trọng lượng của cả viên thuốc có chứa chất ma túy…

Theo hồ sơ, năm 2012, Thành bị Công an quận Tân Bình, TP. HCM bắt quả tang cất giấu trái phép chất ma túy, thu giữ hai vỉ thuốc gồm 11 viên nén tròn màu hồng có logo chữ “M”. Theo kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an TP.HCM), 11 viên nén này có trọng lượng hơn 2,7 g có chứa chất ma túy Ketamine.

Trong quá trình giải quyết án ban đầu, giữa cơ quan điều tra (CQĐT) Công an quận Tân Bình và VKS quận đã có quan điểm trái ngược nhau. Theo CQĐT, căn cứ vào mục 1.4 Thông tư liên tịch số 17/2007 của Bộ Công an - VKSNDTC - TANDTC - Bộ Tư pháp thì trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là ma túy… đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và hàm lượng. Theo kết quả giám định ban đầu, 11 viên nén thu giữ có tổng trọng lượng hơn 2,7 g có chứa chất ma túy Ketamine. Ketamine nằm trong danh mục III Nghị định 82/2003 của Chính phủ (STT: 35), là chất hướng thần được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Do đó, CQĐT đã trưng cầu giám định bổ sung để xác định trọng lượng chính xác của chất ma túy Ketamine trong 11 viên thuốc. Theo kết quả giám định bổ sung tại Viện khoa học hình sự Bộ Công an thì hàm lượng Ketamine trong mỗi viên nén là 18,9%. Như vậy bị can Thành tàng trữ tổng trọng lượng chất ma túy trong 11 viên nén chỉ là khoảng 0,5 g.

Khoản e mục 3.6 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 (về các tội phạm cụ thể) quy định người nào tàng trữ chất ma túy khác ở thể rắn có trọng lượng dưới 1 g thì áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS, theo đó không truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bị xử lý hành chính. Từ đó, CQĐT xác định không khởi tố vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy, tức không khởi tố bị can đối với Thành.

Ngược lại, VKS quận Tân Bình cho rằng Thông tư liên tịch số 17/2007 chỉ hướng dẫn trưng cầu giám định để xác định loại và hàm lượng ma túy nhưng không quy định là chỉ được truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hàm lượng ma túy đã tách. Do vậy, VKS yêu cầu CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thành về tội danh tàng trữ trái phép chất ma túy (dựa vào tổng trọng lượng 2,7g của cả 11 viên nén chứ không phải chỉ 0,5g hàm lượng ma túy đã tách).

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: Hiện có hai văn bản hướng dẫn áp dụng Điều 194 BLHS. Đó là Nghị quyết số 01/2001 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Thông tư liên tịch số 17/2007. Theo luật sư Hưng, trong vụ án này, nếu các cơ quan tố tụng có cơ sở xác định loại thuốc bị cáo Thành tàng trữ là thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần với tổng hàm lượng Ketamine bóc tách từ các viên thuốc chỉ có 0,5 g thì căn bản chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Thành theo quy định tại khoản e mục 3.6 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007.

Trong khi đó, kiểm sát viên Nguyễn Quang Vinh (Phó trưởng phòng thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh và ma túy VKS TP.HCM) cho biết theo thực tiễn áp dụng Thông tư liên tịch số 17/2007, đối với ma túy tổng hợp cơ quan tố tụng sẽ dựa vào tổng trọng lượng của viên thuốc để xem xét trách nhiệm hình sự. Cơ quan tố tụng chỉ tách hàm lượng ma túy để xem xét trách nhiệm hình sự khi xác định tang vật là thuốc tân dược.

Cần áp dụng thống nhất

Theo bà Bùi Thị Minh, Phó Chánh tòa Tòa hình sự TANDTC, yêu cầu về giám định chất ma túy theo các hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17 đã bảo đảm tính đúng đắn, khoa học và được thể hiện rõ ràng; hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, đã qua 7 năm, các hướng dẫn nêu trên vẫn chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng quán triệt và thực hiện đúng. Đến nay, thực hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013 không cho phép tiếp tục vi phạm.

Theo bà Minh, nội dung của Công văn số 234/TANDTC-HS không phải là hướng dẫn mới gây cản trở hoạt động tố tụng như một số thông tin đã đưa ra mà chỉ là văn bản quán triệt, yêu cầu các Tòa án thực hiện đúng hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 17 của liên ngành Tư pháp Trung ương.

Trong Danh mục chất ma túy ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ thì chất ma túy bao gồm nhiều loại chất gây nghiện, chất hướng thần khác nhau; mỗi loại có cấu tạo, thành phần, mức độ nguy hiểm khác nhau, từ đó các biện pháp quản lý, kiểm soát và xử lý đối với người vi phạm cũng khác nhau.

Theo quy định tại Chương XVIII của Bộ luật Hình sự thì có một số loại thảo mộc có chứa chất ma túy như: Lá, hoa, quả cây cần sa; lá côca; quả thuốc phiện; có những chất ma túy được tinh chế qua quá trình sản xuất như: hêrôin, côcain, nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, các chất ma túy khác ở thể rắn và thể lỏng. Tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm của từng loại ma túy, khung hình phạt áp dụng tương ứng với trọng lượng của từng loại chất ma túy được quy định khác nhau. Ví dụ: Theo quy định tại khoản 3 Điều 194 của Bộ luật Hình sự thì người mua bán trái phép quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ 50kg đến dưới 150kg thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm; nếu chất ma túy là Hêrôin thì trọng lượng quy định là từ 30g đến dưới 100g. Như vậy, việc xác định loại chất ma túy, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy trong các vụ án về ma túy là rất quan trọng và là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Theo Từ điển tiếng Việt thì hàm lượng là “lượng của một chất chứa trong một hỗn hợp hoặc trong một chất nào đó, tính bằng phần trăm (%)”. Như vậy, có thể hiểu hàm lượng chất ma túy là phần trăm chất ma túy có trong chất nghi là ma túy được giám định. Ví dụ: Tang vật nghi là chất ma túy thu giữ được có trọng lượng là 1.000g; kết quả giám định có 5% là hêrôin thì trọng lượng hêrôin được xác định sẽ là 1.000g x 5% = 50g. Nếu cho rằng trọng lượng hêrôin thu được là 1.000g thì Tòa án sẽ xử bị cáo ở mức án tử hình; nếu xác định chính xác chỉ có 50g hêrôin thì bị cáo chỉ bị xét xử tối đa là 20 năm tù.

Cũng theo bà Minh, thực tế hiện nay, do điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật ở một số địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác giám định; đặc biệt là ở những khu vực xa trung tâm nên đã nảy sinh những khó khăn, lúng túng trong việc giám định hàm lượng chất ma túy. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đã tham gia các Công ước quốc tế về quyền con người. Bởi vậy, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử luôn phải đảm bảo sự công bằng, công lý và vì quyền con người.

Theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.4 mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 17 thì: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma tuý hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma tuý, tiền chất. Nếu chất được giám định không phải là chất ma tuý hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma tuý hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý, thì tuỳ hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma tuý”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng Thông tư liên tịch số 17/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP: Các cơ quan tiến hành tố tụng cần có nhận thức đúng