Áp dụng chế định án treo đối với tội phạm tham nhũng: Đảm bảo đúng các quy định của pháp luật

Trần Quang Huy| 09/10/2016 10:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi tuyên phạt, Tòa án áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước.

Các trường hợp phạm tội về tham nhũng được Tòa án cho hưởng án treo đều là người tham gia với vai trò thứ yếu, nhất thời phạm tội hoặc bị lôi kéo, phạm tội do bị lệ thuộc; có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu

Là cơ quan thực hiện chức năng xét xử của Nhà nước, trong những năm qua hệ thống Tòa án luôn chủ động, tích cực, đi đầu trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản có liên quan. Xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhưng với quyết tâm cao, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo, Đảng ủy TANDTC đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Tòa án các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, trong đó lấy công tác xét xử tội phạm tham nhũng là trọng tâm của hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Thời gian qua, Tòa án các cấp đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành Công an, Kiểm sát và các cơ quan chức năng khác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng. Hầu hết các vụ án tham nhũng được Tòa án đẩy nhanh tiến độ từ khâu thụ lý hồ sơ vụ án đến phân công Thẩm phán nghiên cứu và lên lịch để sớm đưa vụ án ra xét xử. Trong công tác xét xử án tham nhũng đã thực hiện tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo dân chủ, tính độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Khi xét xử các hành vi phạm tội về tham nhũng, Tòa án đã tăng cường áp dụng hình phạt bổ sung theo đúng quy định của BLHS; đồng thời áp dụng biện pháp kê biên tài sản nhằm thu hồi tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.

Áp dụng chế định án treo đối với tội phạm tham nhũng: Đảm bảo đúng các quy định của pháp luật

Xét xử vụ án tham nhũng tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam- Vinalines 

Thông qua công tác xét xử các tội phạm về tham nhũng, nếu phát hiện có sự buông lỏng trong công tác quản lý thì ngoài việc quyết định xử phạt đối với bị cáo, các Tòa án đã kiến nghị cơ quan hoặc tổ chức để xảy ra tham nhũng áp dụng những biện pháp cần thiết để khắc phục. Khi xét xử, nếu phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra thì Hội đồng xét xử đã xem xét để ra quyết định khởi tố vụ án hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự theo quy định của BLTTHS. Khi tuyên phạt, Tòa án áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước.

Cho hưởng án treo đảm bảo đúng quy định

Trong các vụ án tham nhũng, hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Việc khắc phục tình trạng cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật trong công tác xét xử các vụ án hình sự nói chung và các vụ án về tham nhũng nói riêng đã được Ban cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong Tòa án các cấp. Trong việc áp dụng chế định án treo, TANDTC yêu cầu các Tòa án không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, nhằm đáp ứng công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng.

 Những năm qua, các trường hợp phạm tội về tham nhũng được Tòa án cho hưởng án treo đều là người tham gia với vai trò thứ yếu, nhất thời phạm tội hoặc bị rủ rê, lôi kéo, phạm tội do bị lệ thuộc; có nhiều tình tiết giảm nhẹ (bị cáo hoặc gia đình bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả; bản thân hoặc gia đình có công với cách mạng...). Mặt khác, căn cứ vào đặc điểm nhân thân của bị cáo, xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì Tòa án căn cứ vào nguyên tắc quyết định hình phạt đối với các vụ án có đồng phạm và chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước để cho bị cáo hưởng án treo. Vì vậy, việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo và xử phạt cải tạo không giam giữ đối với nhóm tội tham nhũng trong thời gian qua giảm dần. Năm 2006, tỷ lệ các bị cáo trong vụ án tham nhũng được hưởng án treo chiếm tỷ lệ 27,74%; đến năm 2012 tỷ lệ này đã giảm xuống còn 19,78%; năm 2013 là 14,90%; năm 2014 là 11,64%; năm 2015 tỷ lệ bị cáo được hưởng án treo chỉ còn 8,65%.

Bên cạnh đó, TANDTC thường xuyên tiến hành kiểm tra các hồ sơ vụ án có bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo tại các tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Cà Mau, Ninh Bình, Đồng Nai... Đặc biệt, đối với những vụ án tham nhũng, chức vụ, TANDTC giám sát chặt chẽ công tác xét xử, nhất là các trường hợp Tòa án áp dụng hình phạt dưới khung, án treo, cải tạo không giam giữ không đúng pháp luật. Kết quả cho thấy, về cơ bản các trường hợp cho hưởng án treo đều đảm bảo tuân thủ đúng quy định của BLHS và Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng các quy định về án treo.

 Cùng với  đó, qua thanh tra, kiểm tra, TANDTC đã rút kinh nghiệm nghiêm khắc đối với các trường hợp cho hưởng án treo chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh với loại tội phạm này. Lãnh đạo TANDTC cũng kiên quyết kháng nghị đối với việc cho hưởng án treo không đúng pháp luật, đồng thời xem xét đình chỉ nhiệm vụ xét xử đối với Thẩm phán chủ tọa phiên toà nếu có sai sót nghiêm trọng trong việc cho các bị cáo hưởng án treo trái pháp luật. Hiện tại, TANDTC tiếp tục chỉ đạo Ban Thanh tra tiến hành thanh tra, kiểm tra một số hồ sơ vụ án về tham nhũng; chỉ đạo Vụ Giám đốc kiểm tra I thường xuyên thực hiện chức năng giám đốc việc xét xử các vụ án tham nhũng để kịp thời phát hiện và khắc phục những sai lầm, vướng mắc của các Tòa án. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng chế định án treo đối với tội phạm tham nhũng: Đảm bảo đúng các quy định của pháp luật