Anh vừa yêu cầu tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ra lệnh bắt hai nghi can người Nga liên quan đến vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal.
Ngày 6/9, Anh đã yêu cầu tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế ra lệnh bắt hai nghi can người Nga. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng khả năng rất lớn là Anh sẽ không thể bắt được hai nghi can.
Các nhà điều tra Anh nói họ có khả năng khớp các thông tin lại với nhau để xác định di chuyển của hai nghi can. Cảnh sát nói đã xác định được sân bay, các trạm tàu lửa, khách sạn hai nghi can sử dụng trước khi đầu độc cha con ông Skripal.
Các công tố Anh cũng cho biết, sẽ không đề nghị Nga dẫn độ vì hiến pháp Nga không cho phép dẫn độ công dân sang nước khác chịu tội. Thay vào đó, Anh sẽ tìm kiếm lệnh bắt trên toàn châu Âu, nghĩa là hai nghi can này nếu bước vào lãnh thổ Liên minh châu Âu sẽ bị bắt. Tuy nhiên, khả năng này thấp vì hai nghi can chắc chắn sẽ không tự chui đầu vào rọ.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với Anh và phương Tây quanh vụ cha con cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh mấy ngày nay lại nổi lên nghiêm trọng. Mới đây nhất, Anh và Nga đã tranh luận dữ dội tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khi Anh đưa thông tin cập nhật điều tra về vụ việc ra cuộc họp.
Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya và Đại sứ Anh tại LHQ Karen Pierce trong cuộc họp ngày 6/9
Tại cuộc họp ngày 6/9, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Karen Pierce trình bày kết quả điều tra vụ việc của các nhà điều tra Anh. Bà Pierce nhấn mạnh, hai nghi can thực hiện vụ đầu độc mà Anh vừa chính thức truy tố hai ngày trước đó là đặc vụ của Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU).
Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May cũng khẳng định hai nghi can Alexander Petrov và Ruslan Boshirov ra tay đầu độc theo chỉ đạo của một quan chức cấp cao trong chính phủ Nga. Ông Skripal cũng vốn là nhân viên của GRU trước bị buộc tội làm gián điệp cho Anh và được trao sang Anh theo chương trình trao đổi với các điệp viên Nga bị bắt tại Mỹ.
Theo điều tra của Anh, chất độc Novichok được chứa trong một chai nước hoa tuồn từ Nga vào Anh qua một chuyến bay của hãng Aeroflot (Nga). Chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Gatwick ở thủ đô London (Anh), đi qua các trạm tàu lửa và một khách sạn giá rẻ ở London, sau đó đến thị trấn Salisbury - nơi xảy ra vụ đầu độc hai cha con ông Skripal.
Phản pháo lại, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya chỉ trích các cáo buộc phía Anh là một hỗn hợp những lời nói dối, vô căn cứ, Nga không liên quan nào trong vụ đầu độc.
Theo ông Nebenzya, chính phía Anh nói hai nghi can khả năng lớn đã dùng bí danh khi vào Anh, điều này đặt ra câu hỏi tại sao Anh chắc đó là các công dân Nga mà còn lại là đặc vụ của GRU đồng thời từ chối cung cấp thông tin về các nghi can như dấu vân tay. Điều này có thể thấy phía Anh không thật sự hứng thú với việc tìm ra chân tướng các nghi can.
Theo ông Nebenzya, các cáo buộc của Anh không giải thích được tại sao Nga muốn giết ông Skripal hay chọn một hình thức ám sát lạ lùng thế. Ông Nebenzya cho rằng các cáo buộc này nhằm tạo làn sóng chống lại Nga, rằng Anh cố tình đưa ra cáo buộc này đúng vào thời điểm chuẩn bị tạo cớ đánh Syria.