Anh muốn xóa bỏ “góc bí mật” để đối phó với “Vương quốc ảo” của IS

Hà Kim| 27/03/2017 14:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo lực lượng an ninh Anh, những kẻ khủng bố đã sử dụng tin nhắn được mã hóa “end to end” để giao tiếp với nhau trong “Vương quốc ảo” của IS. Vì thế, cần phải có cách ngăn chặn những tin nhắn được mã hóa như thế.

Theo dữ liệu an ninh Anh, Khalid Masood, kẻ tấn công liều chết hôm 22/3 gần tòa nhà Quốc hội Anh đã từng bị đánh dấu khoảng 5 năm trước. Tuy nhiên, lý do gì khiến lực lượng an ninh Anh không thể phát hiện ra âm mưu của hắn?

“Vương quốc ảo” của IS

Vụ tấn công khủng bố bằng xe hôm 22/3 gần tòa nhà Quốc hội Anh khiến 5 người (trong đó có thủ phạm) tử vong dấy lên những lo ngại về một “Vương quốc ảo” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Anh muốn xóa bỏ “góc bí mật” để đối phó với “Vương quốc ảo” của IS

Thủ phạm Khalid Masood cũng bị thiệt mạng sau khi tiến hành vụ tấn công

Mặc dù IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ tấn công khủng bố này. Tuy nhiên, tổ chức này không đưa ra bất cứ bằng chứng nào về mối liên hệ giữa họ với Masood. Ngay cả cơ quan an ninh cũng chưa tìm ra động cơ của thủ phạm đằng sau vụ tấn công này.

Số liệu thống kê trên một cuốn sách viết về các biện pháp mà IS đang khai thác sử dụng cho thấy, hiện có khoảng 10 người Anh đang có mặt ở thành phố Raqqa làm công việc tuyên truyền nhằm gieo rắc thánh chiến khắp thế giới. Có thể thấy, cách chúng reo giắc nỗi sợ hãi cho người dân châu Âu và người dân trên toàn thế giới là những vụ tấn công kiểu “sói đơn độc”, sẵn sàng liều chết. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng đào tạo được những “con sói” như vậy?

“Vương quốc ảo” có thể coi là một chiến lược mới của IS. Chúng mở cửa đón nhận tất cả những ai có kết nối Internet và muốn liều cả mạng sống nhân danh Hồi giáo cực đoan. Có thể thấy rõ một điều rằng, những hoạt động vô hình như thế rất khó kiểm soát và những kẻ hoạt động trong tổ chức như vậy cũng rất khó bị tiêu diệt.

Hiện, cảnh sát Anh đang nỗ lực điều tra theo hướng tên Khalid Massod có thể bị phong trào khủng bố kích động hoặc có các đối tượng khác đã ủng hộ và chỉ đạo tên này tiến hành vụ tấn công nói trên.

Mã hóa tin nhắn “end to end” – Góc bí mật của khủng bố

Mặc dù tên Khalid Masood từng bị cơ quan an ninh Anh nhắc đến trong một cuộc điều tra chống khủng bố của Anh hồi năm 2012. Tuy nhiên, khi đó, hắn được đánh dấu là “không quan trọng”. Chỉ khi cuộc tấn công hôm 22/3 xảy ra, giới tình báo Anh mới giật mình vì chỉ thu thập được quá ít thông tin cũng như quá trình hoạt động của hắn.

Anh muốn xóa bỏ “góc bí mật” để đối phó với “Vương quốc ảo” của IS

Theo tạp chí công nghệ Wired, mã hoá end-to-end có nghĩa là người nhận chỉ có thể giải mã tin nhắn chứ không phải bất kỳ đối tượng trung gian nào, bao gồm cả công ty cung cấp dịch vụ.

Theo truyền thông địa phương, Khalid Masood đã gửi đi tin nhắn được mã hóa trước khi thực hiện vụ tấn công. Cuộc tấn công hôm 22/3 dấy lên một cuộc tranh luận về việc đảm bảo quyền riêng tư cá nhân và vấn đề an ninh tại châu Âu. Đặc biệt là sau những lời cảnh báo của các quan chức an ninh rằng các nước phương Tây sẽ ngày càng trở thành mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo từ Trung Đông.

Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd yêu cầu các công ty công nghệ phải hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan thực thi pháp luật và ngừng cung cấp “góc bí mật”, tạo cơ hội cho những tên khủng bố có cơ hội giao tiếp bằng cách sử dụng các tin nhắn được mã hóa. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ khó thực hiện.

Phát biểu về các công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn được mã hóa end-to-end, bà Rudd cho biết, thật khó kiểm soát nếu những kẻ khủng bố sử dụng tin nhắn được mã hóa. “Chúng ta cần đảm bảo các tổ chức như WhatsApp hoặc tương tự... không thể cung cấp một nơi bí mật cho những kẻ khủng bố giao tiếp với nhau”, bà nói. “Chính quyền Anh muốn các công ty công nghệ phải có trách nhiệm tham gia cùng chính phủ, tham gia với các cơ quan thực thi pháp luật khi xảy ra khủng bố”, bà nhấn mạnh.


 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Anh muốn xóa bỏ “góc bí mật” để đối phó với “Vương quốc ảo” của IS