Ăn tiết canh là con đường nhanh nhất dẫn đến âm phủ

H.Đ| 24/05/2016 14:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, một người đàn ông 67 tuổi ở Phú Thọ đã tử vong vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh vài ngày.

Đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn vì ăn tiết canh mà trước đó rất nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết thời gian qua bệnh viện tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, phần nhiều do ăn tiết canh, nem chạo sống, thịt tái, hoặc nhiễm từ việc chăn nuôi, giết mổ lợn.

Theo thống kê của Bệnh viện có tới 80% số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh nặng hoặc đã bị biến chứng. Trong số đó có nhiều ca ở thể viêm màng não nặng, sốc, hoại tử, suy đa phủ tạng. Phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn đều tử vong.

Ăn tiết canh là con đường nhanh nhất dẫn đến âm phủ

Rất nhiều trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn vì ăn tiết canh 

Giới chuyên môn khẳng định tiết canh không mát, bổ như mọi người vẫn nghĩ ngược lại đây là món ăn cực kỳ mất vệ sinh. Bởi ăn tiết canh là ăn máu sống cùng với các loại thịt nên không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng có trong máu con vật.

Do vậy, người ăn tiết canh có nguy cơ nhiễm các bệnh như liên cầu khuẩn lợn, nhiễm giun sán, các bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, trường hợp nặng có thể tử vong.

Một cuộc nghiên cứu mới đây nhất cho thấy, 40% trường hợp mắc bệnh liên cầu khuẩn được xác định do tiếp xúc trực tiếp với lợn mang mầm bệnh, 60% không xác định được.

Bệnh nhân mắc đa số ở độ tuổi trung niên từ 40-60 tuổi, trong đó 80% là nam giới. Một số người mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn là do tiếp xúc với con lợn mắc bệnh, lây truyền chủ yếu qua vết thương xây xát trên da.

Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh, suy đa phủ tạng. Nếu nhập viện muộn thì cơ hội cứu chữa rất thấp.

Vi khuẩn liên cầu lợn tấn công người sẽ gây biểu hiện ban đầu, sốt rất cao, đau cứng cổ gáy sau đó tri giác lơ mơ, li bì, hôn mê, sốc, tụt huyết áp, suy hô hấp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Một số bệnh nhân có dấu hiệu phát ban trên da, sau 5 ngày ban không những không lặn mà càng ngày càng rõ, kèm theo mệt mỏi.

Tiếp đó, bệnh nhân có thể bị viêm màng não như nhức đầu, buồn nôn, cứng cổ, sốt cao... viêm phổi, suy gan, suy đa phủ tạng. Ngoài ra, có thể có biểu hiện nhiễm trùng huyết sốt cao, da xanh, mệt mỏi phờ phạc, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi... sốc do nhiễm độc, xuất huyết dưới da…

Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ khả quan, nhưng nếu phát hiện muộn bệnh nhân có thể bị phù não, để lại các di chứng nặng như động kinh và có thể tử vong.

Đặc biệt, người bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn thường có biểu hiện giống nhiều bệnh khác như nhiễm khuẩn huyết, sốt xuất huyết, viêm màng não mủ,... nên dễ gây chẩn đoán nhầm, dẫn đến bệnh nhân bị điều trị sai và muộn.  

Để phòng tránh được bệnh liên cầu khuẩn lợn cũng như các bệnh truyền nhiễm khác người tiếp xúc với lợn, nhất là lợn bệnh cần thực hiện vệ sinh cá nhân như trang bị bảo hộ lao động, rửa tay chân sau khi tiếp xúc....

Thịt lợn phải được nấu chín trước khi sử dụng, tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn còn sống, gỏi thịt lợn. Sau khi dùng thịt hoặc tiếp xúc với lợn, nếu thấy có triệu chứng sốt cao, nhức đầu, nôn nhiều, đau họng, cần nhập viện ngay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ăn tiết canh là con đường nhanh nhất dẫn đến âm phủ