Ăn Tết Việt ở một hòn đảo xa xôi nước Pháp

Đan Hà| 09/02/2016 06:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tết năm ngoái, gia đình tôi đón giao thừa ở Ouessant, một hòn đảo nhỏ ở cực Tây nước Pháp. Trên đảo chỉ duy nhất có tôi là người châu Á, không kể có hai cô bé gốc Việt được nhận nuôi từ bé và gần như không biết gì ngoài việc mình là người gốc Việt.

Tết trong tâm tưởng của tôi luôn đầy ắp kỷ niệm. Hồi bé mong Tết vì được quần áo mới, được ăn mứt, ăn kẹo, ăn bánh chưng, được cha mẹ đưa đi thăm họ hàng làng xóm, được khen ngoan khi nói trọn lời chúc Tết ông bà, được lì xì những phong bao đỏ.

Lớn lên lập gia đình, có con cái, thì Tết ngoài niềm vui còn có những lo toan, bận rộn với bao thứ việc không tên làm suốt rồi mà vẫn dồn về những ngày cuối năm. Đã có những lúc tôi ước chẳng có Tết cho thảnh thơi. Chỉ đến khi xa quê, đón Tết nơi xứ lạ mới thấy mong nhớ làm sao cái không khí tất bật đậm hương sắc những dịp Tết đến xuân về.

Ăn Tết Việt ở một hòn đảo xa xôi nước Pháp

Tôi đang sống ở Pháp, một đất nước với nhiều lễ hội truyền thống, có chút bảo thủ nhưng lại cũng rất cởi mở khi sẵn sàng đón nhận những lễ hội mới của cộng đồng những người nhập cư. Người Việt trên đất Pháp khá đông, có những gia đình sinh sống tại đây đã mấy đời, từ cái thủa xứ mình còn là thuộc địa của Pháp thì đã có rất nhiều người theo nhà chủ sang đây sinh sống rồi ở lại luôn.

Cũng nhiều người như tôi, vì công việc hay theo vợ theo chồng sang đây chỉ vài năm hay vài chục năm, nhưng đã là người Việt thì tính làng xã hình như đã ăn sâu vào máu. Cứ ở đâu có người Việt sinh sống thì thế nào cũng hình thành những sinh hoạt hội nhóm, thế nào cũng có cửa hàng bán đồ Việt Nam, và thậm chí cả họp chợ Việt trong lòng thành phố. Và Tết Việt trên đất Pháp vì thế cũng không kém phần xôm tụ.

Trước Tết cả tháng, tại các siêu thị của người Việt, người Hoa, người Thái, đã bắt đầu treo bảng thông báo bán bánh chưng, giò thủ và nhận đặt cả những món ăn truyền thống của ngày Tết như thịt đông, dưa hành. Đa số người Việt nói riêng và cộng đồng người châu Á cùng đón Tết âm lịch sẽ chọn mua đồ ăn, ngũ quả ngoài siêu thị cho tiện, và cũng rất ngon, đúng hương vị quê nhà. Nhưng cũng có không ít gia đình tự gói bánh, bó giò để con cái học và nhớ nét văn hóa quê hương.

Muốn bánh chưng thì lá dong, bánh tét thì lá chuối, rồi đậu xanh, thịt mỡ, hành tiêu, không thiếu một thứ gì. Mà không chỉ các siêu thị của người châu Á, các siêu thị thuần Pháp cũng rất thức thời, ngày thường vốn đã có quầy bán thực phẩm châu Á thì ngày Tết càng xôm tụ, vừa tăng doanh thu vừa là cách vuốt ve tâm lý một bộ phận không nhỏ khách hàng.

Tôi đã có hai năm ăn Tết Việt trên đất Pháp như thế. Năm đầu ở Lyon, cộng đồng người Việt và người châu Á nhiều đến mức có cả một khu buôn bán riêng, và thị trưởng thành phố đã cho tổ chức cả một lễ hội đường phố ngay ngày mồng 3 Tết với múa lân, ca nhạc, đốt pháo và những xe hàng rong bán đồ ăn dọc suốt tuyến đường.

Ông thị trưởng cũng rất biết cách lấy lòng khi lên chúc Tết ngoài tiếng Pháp còn kèm theo vài câu tiếng Hoa và tiếng Việt. Sau đó, thay vì đến nhà chúc Tết nhau, thì để cho tiện, mọi người có thể gặp nhau tại một ngôi chùa Việt hoặc trong một bữa tiệc tân niên ngày cuối tuần dành riêng cho các gia đình Việt Nam. Tuy không thật sự được như ở quê nhà, nhưng ngày Tết cũng đã trở thành một lễ hội chung không chỉ dành cho người Việt mà còn thu hút rất nhiều du khách lẫn người bản xứ tham gia. Tự nhiên cũng thấy lòng ấm áp.

Tết năm ngoái, gia đình tôi đón giao thừa ở Ouessant, một hòn đảo nhỏ ở cực Tây nước Pháp. Trên đảo chỉ duy nhất có tôi là người châu Á, không kể có hai cô bé gốc Việt được nhận nuôi từ bé và gần như không biết gì ngoài việc mình là người gốc Việt, bởi cha mẹ nuôi là người Pháp. Đương nhiên vì thế ở nơi tôi sống không có chút không khí gì của một cái Tết truyền thống ngoài việc siêu thị trên đảo bán thêm một số đồ ăn châu Á như nem, mứt, kèm tấm bảng đề “đồ ăn cho Tết Trung Hoa”.

Hình như việc bán đồ ăn châu Á trong dịp Tết là việc bắt buộc đối với các siêu thị. Tôi không muốn ngày Tết của gia đình mình sẽ trôi đi trong yên lặng, tôi muốn con tôi, một đứa trẻ gần 5 tuổi cũng được sống trong không khí ấm áp tràn đầy hương sắc như mẹ nó ngày thơ bé, và vì thế tôi đã làm cho riêng con mình một cái Tết trọn vẹn như đang ở chính quê nhà.

Tết của gia đình tôi có bánh chưng, bánh tét, có giò thủ, thịt đông, có cả dưa cải chua, hoa đào và mâm ngũ quả. Mà thú thật, để có được những thứ đó là cả một kỳ công. Bởi như tôi đã nói, nơi tôi ở không có cộng đồng người Việt nên để mua được đủ nguyên liệu cho Tết tôi đã phải đi tàu vượt biển, lái xe rất xa chỉ để mua lá dong, gạo nếp, đậu xanh. Nhưng bù lại con tôi đã được tự tay gói chiếc bánh chưng đầu tiên trong đời, được cùng mẹ chụm lò nấu bánh và hí hửng khi chiếc bánh nhỏ con gói được vớt ra trước. Khi lớp lá nóng hổi bóc ra để lộ màu xanh mượt của bánh cũng là lúc tôi thấy mắt mình cay cay, trong khi con tôi thì cười reo sung sướng.

Tết năm nay tôi sẽ cho con về Việt Nam ăn tết với ông bà. Bên gia đình lớn, con tôi sẽ có những cảm nhận khác hơn về ngày Tết cổ truyền của dân tộc, sẽ được chạm tay vào những lao xao, sẽ được nếm những hương sắc ấm nồng phút giao thừa, và con sẽ lớn lên với những ký ức tuyệt đẹp về gia đình.

Tết năm sau hay năm sau nữa, ở Việt Nam hay ở Pháp thì tôi vẫn muốn con tôi, gia đình tôi được sống những giây phút thật đầm ấm, yêu thương. Bởi Tết để sum vầy. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ăn Tết Việt ở một hòn đảo xa xôi nước Pháp