Vụ Chi cục trưởng THADS TP Thanh Hóa tử vong: Nghi phạm đã chết, cơ quan điều tra xử lý ra sao?

Thanh Phương| 24/04/2020 06:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người để điều tra, làm rõ Chi cục trưởng THADS TP Thanh Hóa và chủ tiệm vàng chết bất thường sau khi sử dụng rượu tại bữa cơm trưa ngày 20/4.

Tuy nhiên nghi phạm gây ra vụ đầu độc trong rượu bằng cyanua đã tử vong. Nhiều độc giả quan tâm bước xử lý của cơ quan điều tra sắp tới sẽ như thế nào?.

Vụ Chi cục trưởng THADS TP Thanh Hóa tử vong: Nghi phạm đã chết, cơ quan điều tra xử lý ra sao?

Cơ quan điều tra tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ án

Như đã đưa tin, ông Trần Xuân Minh (SN 1974) làm nghề kinh doanh, chế tác vàng, vợ là Lê Thị Phương (SN 1982) làm nghề môi giới bất động sản. Gần đây, giữa 2 vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn do kinh doanh thua lỗ và ông Minh nghi ngờ bà Phương cặp bồ. Không ít lần ông Minh dọa giết bà Phương sau đó tự sát.

Chiều 19/4, ông Minh mang rượu có pha chất độc tới công ty vợ (ông này hay mang rượu cho người của công ty dùng). Trưa ngày 20/4, 6 người dùng cơm và uống loại rượu này thì bị ngộ độc dẫn tới ông Đặng Phạm Viên (SN 1967, Chi cục trưởng Chi Cục THADS TP Thanh Hóa) tử vong; ông Nguyễn Ngọc Thọ (SN 1981, Chủ tịch HĐQT Công ty Á Âu) và bà Trương Thị Xuyến (SN 1988, ở đường Đỗ Đại, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) bị ngộ độc phải đi cấp cứu.

Vụ Chi cục trưởng THADS TP Thanh Hóa tử vong: Nghi phạm đã chết, cơ quan điều tra xử lý ra sao?

Ông Minh tự sát sau khi biết có người trúng độc

Khi bà Phương báo tin về nhà cho chú ruột thì ông Minh biết việc có người uống rượu có pha độc đã thương vong nên đi xuống nhà uống 1 cốc chất lỏng pha sẵn để tự sát và đã tử vong.

Cơ quan Công an đã tiến hành test nhanh mẫu rượu tại Công ty Á Âu mà mọi người uống trưa ngày 20/4 trong bữa cơm, xác định có chất độc cyanua. Theo nhận định ban đầu, do mâu thuẫn vợ chồng nên ông Minh nảy sinh ý định đầu độc bà Phương cùng mọi người ở Công ty Á Âu. Sau khi bị phát hiện ông Minh đã uống chất độc để tự sát.

Theo luật sư Trịnh Thị Tuấn (Công ty Luật Năm Châu) phân tích: Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra đã vào cuộc xác định có dấu hiệu hình sự nên đã khởi tố vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp nghi can chết (là nghi can duy nhất trong vụ án) cơ quan CSĐT sẽ phải ra quyết định đình chỉ điều tra (khoản 1 Điều 230 BL TTHS) và Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án (khoản 1 Điều 248 BL TTHS).

Theo đó, về trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự cũng bị đình chỉ không được giải quyết. Chấm dứt trách nhiệm hình sự đối với nghi can. Trong trường hợp có đồng phạm thì các cơ quan tố tụng sẽ tiến hành các bước tiếp theo để truy tố, xét xử theo trình tự của pháp luật.

Điều 230, Bộ luật Hình sự 2015. Đình chỉ điều tra

1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự; b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Điều 248. Đình chỉ vụ án

1. Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự.

2. Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do và căn cứ đình chỉ vụ án, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can thì quyết định đình chỉ vụ án đối với từng bị can.

Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người bị hại thì đại diện pháp luật của người bị hại (người thân) có thể khởi kiện yêu cầu những người hưởng thừa kế của bị can có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường trách nhiệm dân sự thay cho nghi can đã chết theo quy định tại Điều 615 BLDS 2015 tại Tòa án có thẩm quyền bằng một vụ án dân sự khác.

Điều 615, Bộ luật Dân sự. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.”

Tòa án sẽ phải xem xét tới di sản thừa kế (có hay không tài sản) mà nghi can đã chết để lại để xem xét việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại. Mặc dù đã có những quy định cho trường hợp này, nhưng trên thực tế việc đòi bồi thường khi nghi can, bị can, bị cáo đã chết đều không dễ dàng cho phía người bị thiệt hại.

Chưa kể, theo kết quả điều tra, vợ chồng ông Minh làm ăn thua lỗ còn nợ số tiền khoảng 1 tỷ đồng. Trong trường hợp có khởi kiện đòi nợ thì tòa án sẽ ưu tiên việc trả nợ đối với những người thuộc hành thừa kế thứ nhất.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Chi cục trưởng THADS TP Thanh Hóa tử vong: Nghi phạm đã chết, cơ quan điều tra xử lý ra sao?