Thủ đoạn mới của tội phạm người nước ngoài

congly.com.vn| 13/04/2012 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo ước tính, trong năm 2011, cả nước đã xảy ra hơn 30 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam. Đáng chú ý, trong số đó nổi lên một loại thủ đoạn mới, khá tinh vi để lừa đảo và cướp giật tài sản của người Việt Nam, nhất là các vùng nông thôn.

Thuê xe đắt tiền đi…cướp!


Xin visa vào Việt Nam với mục đích du lịch, nhưng lại chuyển sang cư trú bất hợp pháp và bàn nhau đi… lừa đảo và cướp giật tài sản, đây là một trong số các thủ đoạn của các đối tượng đến từ Châu Phi, Trung Đông và Nam Á. Ngày 22-11-2011, 4 đối tượng đều mang quốc tịch Iran là Mokhtari Reza (SN 1992), Naseri Houman (SN 1985), Lalian Mostafa (SN 1987) và Farhad Hosseninarabadi (SN 1984) đã thuê xe du lịch 4 chỗ hiệu Camry, BKS 51A-125.73 của một doanh nghiệp tại quận Tân Bình với mục đích đi du lịch, nhưng thực chất là tìm con mồi để lừa đảo và cướp giật tài sản. Đến lò sấy lúa của bà Phạm Thị Phượng ở xã Tân Bình (Phụng Hiệp, Hậu Giang), 4 đối tượng đặt vấn đề mua… 4 kg lúa với giá 50.000 đồng, nhưng đưa tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng thanh toán. Khi bà Phượng thối tiền thì các đối tượng đòi lấy loại mệnh giá như ý chúng, sau đó theo bà Phượng vào tìm tiền thối rồi bỏ đi. Nghi ngờ, bà Phượng kiểm tra lại tài sản thì phát hiện bị mất 7 triệu đồng trong tủ tiền và túi đựng 24 triệu đồng.

Nghe tiếng tri hô, người dân lấy xe mô tô đuổi bắt thì bị các đối tượng chèn ép, đánh võng và gây tai nạn với 2 xe mô tô truy đuổi. Phòng PC45 Công an Hậu Giang đã kịp thời liên hệ với Công an Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang truy bắt được 4 đối tượng. Tuy nhiên, kiểm tra xe thì không phát hiện tang vật. Do bất đồng ngôn ngữ, các đối tượng chỉ nói tiếng Ả rập nên việc điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Việc xử lý tạm thời chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính các đối tượng về hành vi gây tai nạn giao thông, buộc bồi thường thiệt hại cho 2 chủ xe mô tô bị va quệt.

1 trong số 3 đối tượng đang bị tạm giam, điều tra tại CA Quảng Nam


Trong khi các cơ quan chức năng đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý thì chỉ sau đó vài ngày, vào trưa 1-12 các đối tượng Lalian, Farhad tiếp tục sử dụng chiếc xe Camry trên, cùng 1 đồng bọn khác là Setoodeh Mohamad Shiraz (SN 1983, cùng quốc tịch Iran) gây ra vụ cướp giật tại Quảng Nam. Nạn nhân là ông Trần Văn Bán, chủ cây xăng Sông Lai, xã Điện Nam Đông (Điện Bàn, Quảng Nam). Tại đây, các đối tượng vờ mua 1 lon nhớt, cũng đưa tờ 500.000 đồng trả tiền và đòi thối lại loại mệnh giá 200.000 đồng. Bọn chúng đã nhanh chân theo người bán xăng vào bên trong để tìm tiền thối. Khi ông Bán đang cầm tập tiền trong tay thì bọn chúng giật lấy khoảng 25 triệu đồng bỏ chạy ra xe đồng bọn chờ sẵn để tẩu thoát. Đến chiều cùng ngày, bọn chúng đã bị Công an Thừa Thiên-Huế bắt giữ trên địa phận huyện Hương Thủy. Mặc dù không tìm thấy tang vật trên xe và người các đối tượng, nhưng kết hợp các nguồn tin và chứng cứ khác, cơ quan CSĐT CA Quảng Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 đối tượng về hành vi cướp giật tài sản.


Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng đã thừa nhận đã gây ra vụ lừa đảo tại Hậu Giang, ngoài ra còn thực hiện trót lọt 1 vụ cướp giật khác tại Đắc Lắc với tài sản hơn 60 triệu đồng.


Tương tự, chiều 2-12-2011 tại chợ Cầu Hai (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), một nhóm 4 người nhìn bề ngoài giống người Trung Đông vào quầy của chị Bạch Thị Kim Chi hỏi mua một ít đồ gồm muối, bột ngọt… Chọn hàng xong, bọn chúng đưa tờ 500.000 đồng để thanh toán và đòi thối lại. Khi chị Chi đang tìm tiền, lợi dụng sơ hở bọn chúng đã giật túi xách bỏ chạy vào đám đông và ra xe chờ sẵn tẩu thoát.


Cảnh giác với… người ngoại quốc và xe đẹp về nông thôn


Đến nay, trong số các vụ án do các đối tượng người nước ngoài gây ra, đã có một số vụ với nhiều đối tượng đã bị khởi tố, bắt giam. Tuy nhiên, một số trường hợp được giải quyết theo con đường ngoại giao, xử phạt hành chính và Cục Quản lý XNC buộc xuất cảnh, đưa vào diện cấm nhập.


Xâu chuỗi một số vụ án trên, có thể thấy hầu hết địa bàn gây án đều nằm ở vùng nông thôn, nơi hạn chế nhiều về điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài, địa thế và đường vắng vẻ, nhất là người dân ít biết ngoại ngữ. Đây là mảnh đất lý tưởng để các đối tượng hành sự, nếu có bị truy đuổi cũng dễ tẩu thoát do đường vắng.


Theo Thượng tá Phạm Tất Hưng, Phó Trưởng phòng thuộc Cục QLXNC (A72), hiện nay có tình trạng khá phổ biến các đối tượng lang thang, thất nghiệp ở các nước thuộc khu vực Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á đã lựa chọn Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động phạm pháp của chúng. Đến Việt Nam thông qua danh nghĩa rất hào nhoáng như đại diện của các công ty đa quốc gia, hay đến VN du lịch và tìm cơ hội đầu tư… để được cấp visa nhập cảnh, thông qua một số công ty du lịch. Thực chất là móc nối với đồng bọn khác để lừa đảo, cướp giật tài sản.


Thủ đoạn chính của chúng là thuê xe đắt tiền, ăn mặc sang trọng, hào nhoáng, đến các vùng nông thôn xa xôi vờ mua hàng hóa, lợi dụng sơ hở để lừa đảo hoặc cướp giật. Chúng lợi dụng tâm lý của người dân VN ở vùng nông thôn khá nể trọng người nước ngoài, nhất là có vẻ bề ngoài sang trọng, sử dụng tài sản đắt tiền, lại hạn chế về ngôn ngữ, lại đi nhóm đông người cùng xúm vào “quây” 1 người, nên khi giao dịch đã mất cảnh giác, thiếu kiểm soát tình huống… nên đã rơi vào bẫy của chúng.


Để hạn chế tình trạng trên, Thượng tá Hưng khuyến cáo người dân, nhất là ở vùng nông thôn rất cần cảnh giác khi tham gia giao dịch mua bán với người nước ngoài, nhất là các đối tượng có hình dáng đến từ một số vùng nêu trên, sử dụng xe sang trọng, nhưng mua tài sản giá trị nhỏ mà dùng tiền Việt mệnh giá cao hoặc ngoại tệ để trả, rồi đòi tiền thừa theo ý chúng. Khi phát hiện nghi vấn, cần bí mật thông báo với cơ quan chức năng để phối hợp xử lý. Về phía cơ quan Công an, sẽ tiếp tục thắt chặt công tác quản lý xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài, từ ở khâu xét duyệt nhân sự cấp visa và kiểm soát nhập cảnh.


Đỗ Hào

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đoạn mới của tội phạm người nước ngoài